Đoá lan hiếu hạnh

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Hàng ngày ngoài việc học, Lan dành thời gian phụ mẹ chăm sóc chị gái.

Ở trường, em là học sinh chăm ngoan, hiếu học. Ở nhà, em phải thay mẹ chăm sóc người chị bị bệnh tâm thần. Khó khăn trăm bề, nhưng Nguyễn Thị Bé Lan, học sinh lớp 12 trường THPT Sương Nguyệt Anh (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, Bến Tre) vẫn đeo đuổi ước mơ trở thành điều dưỡng.

Cuộc sống gia đình đang thiếu thốn đủ bề thì cha Lan bỏ đi với người phụ nữ khác. Nỗi đau bao trùm lấy người mẹ trẻ – chị Trần Thị Hảo, khi phải nuôi hai đứa con nhỏ mà trong nhà lại không còn một đồng. Hoạ vô đơn chí: ít lâu sau khi người cha vô tâm bỏ đi thì người chị lớn của Lan mắc phải chứng bệnh tâm thần, nhiều lúc lên cơn động kinh bất tỉnh. Mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai mỏng manh của mẹ Lan. Hàng ngày, chị Hảo phải đi hốt trấu kiếm 15.000 đồng, số tiền chỉ đủ một ngày ăn. Những lúc không có trấu, chị phải đi quơ từng cây củi lức, tàu dừa, bần, đước… về bán, nhưng giá bán rẻ bèo chỉ vài mươi ngàn đồng nếu có người thương tình mua giúp. “Lúc trước tui ra chợ xin quét chợ cho người ta, xin vài trái cây, đồ vụn đem về ăn nữa. Nhưng từ khi đứa con gái lớn bị người ta dụ dỗ hãm hiếp khi tui đang quét chợ thì tui không làm nữa”, nhắc lại câu chuyện đó, chị bật khóc tự trách bản thân. Mới 54 tuổi, tóc chị Hảo đã nhiều sợi bạc.

Đoá lan hiếu hạnh - 1

Bé Lan (phải) bên mẹ và chị.

Mặc dù không được đầy đủ cha mẹ như các bạn, Lan luôn siêng năng học tập, cần cù chịu khó. “Năm em vào lớp 1, không có tiền mua tập sách, mẹ phải vay mượn người khác để lo cho em. Mẹ nói cuộc đời mẹ không được ăn học đến nơi đến chốn thì không để cho con mình thất học. Câu nói này luôn theo bên em trong suốt những năm học”, Lan nghẹn ngào.

Hàng ngày ngoài việc học, Lan dành thời gian phụ mẹ chăm sóc chị gái. Mỗi sáng Lan thức sớm để nấu cơm, giặt quần áo cho mẹ và chị, xem lại bài vở rồi mới đến trường. Hôm nào mẹ bị bệnh, Lan lại làm thay mẹ các phần việc trong nhà. Những lúc rảnh thì Lan phụ mẹ đi quết bánh phồng với người ta, hay trông nhà giùm cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập.

Chúng tôi đến nhà Lan vào buổi trưa, khi bạn đang vội vàng vo gạo nấu cơm. Ba mẹ con mà chỉ một bơ gạo ăn cả ngày, có quả bí nhà hàng xóm cho phải ăn mấy ngày, còn thịt cá là thứ xa xỉ. Lan bộc bạch: “Mọi chi tiêu từ điện, gạo đến thức ăn, sinh hoạt đều nằm trong 270.000 đồng trợ cấp xã hội cho người chị bệnh tâm thần. Em không sợ khổ, sợ thiếu áo thiếu cơm mà chỉ sợ không được đi học, sợ cho những ngày tháng thi đại học sắp tới”.

Ăn uống kham khổ, ngày nào cũng phải đạp xe đến trường trong nơm nớp lo lắng về người chị ở nhà không ai trông coi vì mẹ đi làm suốt ngày, nhưng Lan chưa nghỉ buổi học nào. Hàng ngày, Lan dành từ năm tiếng trở lên cho việc học, em luôn phân rõ thời gian và sắp xếp lịch học hợp lý. Khi được hỏi tại sao lại ước mơ làm điều dưỡng, Lan rưng rưng nước mắt: “Tại vì chăm sóc chị bệnh riết rồi thành quen, mình muốn chăm sóc cho chị tốt hơn nếu ước mơ thành sự thật”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Võ (Sài gòn tiếp thị)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN