Dẻo, thơm bánh tét Cần Thơ
Mỗi độ xuân về, hầu như nhà nhà ở miền Tây đều không thể thiếu vắng sự hiện diện của những đòn bánh tét trên bàn thờ tổ tiên.
Để có được những đòn bán tét nóng hổi vào ngày đầu năm mới, người ta phải thức cả đêm giao thừa để gói và nấu. Do sự cầu kỳ của khâu chọn nguyên liệu lẫn khâu gói bánh nên gần đây, không ít người dân miền Tây chọn mua bánh tét gói sẵn để khỏi phải thức trắng đêm. Từ đó, nhiều thương hiệu bánh tét ở miền Tây ra đời. Trong đó, bánh tét lá cẩm gia truyền ở Cần Thơ luôn được nhiều người lựa chọn bởi sự dẻo, thơm và phù hợp khẩu vị của cả người miền Nam lẫn miền Bắc.
Các thành viên trong gia đình dì Chín cùng nhau gói bánh, trong đó những người đàn ông mạnh tay sẽ đảm nhận khâu cột đòn bánh
Trong số những gia đình chuyên gói bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ phải kể đến dì Chín Cẩm (ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy) và bà Lương Thị Phước (ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng). Tết năm nay, phóng viênđến thăm lò bánh tét gia truyền trên 20 năm của dì Chín và được dì tiết lộ vài bí quyết để làm nên thương hiệu bánh tét lá cẩm Cần Thơ.
Lòng đỏ trứng vịt muối phải vừa ăn thì nhân bánh mới thơm ngon
Theo đó, để có được đòn bánh tét dẻo, thơm khi cắt ra, nếp dùng để gói bánh phải là loại nếp rặt mới. Mỗi đòn bánh cần đến 300 gram nếp. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu như: Thịt sườn cốt lết được cắt ra từng miếng bằng ngón tay cái, lòng đỏ trứng vịt muối vừa ăn và đậu xanh. Đặc biệt, một nguyên liệu làm nên thương hiệu bánh tét Cần Thơ là lá cẩm phải còn thật tươi thì màu mới tím và đẹp mắt…
Nếp sau khi đã được xào với nước lá cẩm và nước cốt dừa trông rất đẹp mắt
Thịt sườn cốt lết được cắt ra bằng ngón tay cái để làm nhân bánh
Tết đến, tất cả các thành viên trong gia đình dì Chín đều tham gia sản xuất bánh tét. Đàn ông có sức khỏe sẽ đảm nhận khâu cột đòn bánh, phụ nữ khéo tay sẽ phụ trách khâu cân nếp, trộn nhân và gói bánh. Trong khi đó, trẻ em thì phụ đốt củi cho lò nấu bánh tét luôn đều lửa.
Nhân bánh tét
Phụ nữ khéo tay sẽ đảm nhận khâu gói bánh
Sau khoảng 4 giờ nấu, bánh tét được vớt ra. Bánh tét lá cẩm được treo lên sẽ dùng được trong 7 ngày. Dì Chín cho biết Tết năm nay, nhà dì đưa ra thị trường khoảng 1.500 đòn bánh tét, trong đó bánh lá cẩm chiếm đa số. Mỗi đòn bánh có giá từ 50.000-70.000 đồng. Khách hàng của dì Chín chủ yếu tại địa phương và TP HCM, một ít là Hà Nội. Đến trưa 30 Tết, việc nấu bánh của dì kết thúc sau nhiều ngày các thành viên trong gia đình hầu như thức trắng cả đêm.
Sau khoảng 4 giờ nấu, bánh tét sẽ được vớt ra
Và đem ra thị trường
Ngày Tết, trong mâm cơm ấm cúng của gia đình, đòn bánh tét lá cẩm sẽ được cắt ra bỏ vào dĩa. Với màu tím của nếp đã hòa quyện vào màu của lá cẩm, màu đỏ của trứng, màu vàng óng của đậu xanh và màu trắng hồng của thịt sẽ càng làm cho hương vị của bánh tét lá cẩm thêm nồng nàn hương sắc. Dù bất kỳ ai có khó tính đến mấy cũng phải gật đầu khen ngon mỗi khi được thưởng thức bánh tét lá cẩm dẻo, thơm xuất xứ từ vùng đất Cần Thơ.