Của con dâu, phúc mẹ chồng

Bà cứ tự ý mang đi cho người khác mà chẳng bao giờ hỏi con dâu là còn dùng không.

Mẹ chồng ''thoáng'', toàn mang đồ của con dâu đi cho

Thỉnh thoảng, thấy Oanh mang bộ mặt hậm hực rất đặc trưng đến cơ quan, chị em xung quanh lại hỏi: “Mẹ chồng lại giúp cậu làm người tốt rồi à?”. Oanh gật: “Ừ, lại thành người tốt bất đắc dĩ rồi, được người ta cảm ơn mà mặt cứ méo xẹo ý”.

Oanh ở chung với bố mẹ chồng. Phòng riêng tuy có khóa nhưng chị chỉ khóa những lúc thay đồ hoặc vợ chồng “sinh hoạt” riêng tư, vì bố mẹ chồng không thích các con khóa phòng riêng “như là sợ bị mất trộm”. Vả lại, những khi Oanh đi vắng, thỉnh thoảng mẹ chồng vẫn thích vào dọn dẹp giúp, hoặc chỉ dẫn cho cô giúp việc theo giờ đến lau chùi. Có điều, cũng vì cửa để ngỏ mà Oanh cứ thấy đồ đạc của mình nhiều lần không cánh mà bay.

Những lần đầu khi tìm mấy cái áo không được, Oanh cứ nghĩ chắc lúc phơi bị bay mất. Rồi có hôm tiện miệng nói với mẹ chồng, bà mới bảo: “À mẹ quên, mấy cái áo ấy không thấy con mặc mấy nên mẹ cho chị giúp việc rồi, để chị ấy thỉnh thoảng mặc đi ăn cưới. Cũng phải động viên người ta một tí”. Oanh sốc, nhưng chả dám nói rằng mấy cái áo ấy con vẫn mặc suốt đấy chứ.

Có lần, cô em chồng sang chơi, lên phòng chị dâu ngồi buôn chuyện và nựng nịu cháu bé. Mẹ chồng cũng lên góp chuyện. Một lát, cô em chồng nhìn thấy lọ nước hoa của chị dâu trong tủ kính thì reo lên: “Mới hả chị? Chai này mấy triệu chị? Em thử nhé”. Rồi cô lấy ra xịt xịt, khen lấy khen để, bảo chị chịu chơi thế, em cũng thích nước hoa lắm nhưng cứ nghĩ đến chuyện bỏ tiền triệu ra mua thì xót quá, nên lại thôi. Oanh nói: “Cô cứ mạnh dạn mà mua đi. Chai nước hoa đắt tiền thật nhưng dùng vài năm mới hết, nó lại làm mình hưng phấn, vui vẻ nữa”.

Cô em đang gật gù ngẫm nghĩ thì mẹ chồng bảo: “Con thích thì cứ mang chai ấy về mà dùng. Chị Oanh đang nuôi con nhỏ, xịt nước hoa làm gì cho hại đến em bé. Để lâu thì nó hỏng mất”. Cô em khoái chí bảo: “Ôi thế ạ? Chị không dùng thì phí quá, em xin nhé”. Nhìn cô em mừng rỡ nhảy cẫng lên, Oanh không nỡ đính chính là chai nước hoa ấy chị vẫn xịt hằng ngày khi đi làm, trong lòng tức mẹ chồng khôn tả.

Không phải món đồ nào Oanh sắm cũng để trong phòng riêng, và vì thế chúng rất dễ bị mẹ chồng “giải tán” với lý do cho rộng chỗ, hoặc cũ quá rồi, hoặc không dùng thì phí. Bà cứ tự ý mang đi cho người khác mà chẳng bao giờ hỏi con dâu là món đấy còn dùng không. Cho đi rồi, nhớ thì bà báo với Oanh, không thì thôi. Người được cho bao giờ cũng xuýt xoa khen bà tốt bụng, rộng rãi, còn nàng âu tức anh ách. "Hình như bà nghĩ, cái gì của con dâu thì đương nhiên cũng là của mẹ chồng, mẹ chồng có quyền làm gì với nó và cho ai cũng được hay sao ý", chị nói.

Gần đây nhất là vụ cái máy đa năng, vừa xay sinh tố vừa ép hoa quả. Đó là hôm bạn của mẹ chồng đến chơi, kể chuyện cháu bà ấy chuẩn bị ăn dặm, lát nữa phải đi mua cái máy sinh tố. Mẹ chồng liền không nói không rằng, hăm hở vào bếp lấy cái máy ra, đặt trước mặt bạn: “Máy này để xay thịt nấu bột cho thằng Bi nhà này đấy, giờ không cần nữa, chị mang về mà dùng khỏi phí”.

Oanh há hốc miệng, vì tuy thằng Bi nhà chị không ăn đồ xay nữa nhưng chị vẫn thường dùng máy này ép nước rau củ quả uống cho đẹp da. Lần này, chị không im lặng nữa. Khi bà khách nói lời khách sáo rằng cứ để cho cái Oanh dùng, chị tiếp luôn: “Vâng, cháu vẫn dùng suốt đấy. Để cháu giúp bác đi mua một cái khác tốt y chang cái này”. Bà khách thì không vấn đề gì, nhưng mẹ chồng thì giận, trách chị ki bo, cố tình "chơi" bà.

Của con dâu, phúc mẹ chồng - 1

Bà khách thì không vấn đề gì, nhưng mẹ chồng thì giận, trách chị ki bo, cố tình "chơi" bà (Ảnh minh họa)

Mẹ chồng hứa giúp, con dâu chi tiền

Hôm nọ bố mẹ chồng đi giỗ họ về, hồ hởi bảo Uyên: “Họ nhà mình chuẩn bị xây lại nhà thờ to lắm, kêu gọi mọi người đóng góp. Nói chung là tùy sức, tùy tâm, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu”. Rồi mẹ chồng bảo luôn: “Bố mẹ về hưu rồi, nên góp 2 triệu đồng thôi. Vợ chồng mày không về được nên bố mẹ đăng ký hộ 10 triệu rồi đấy. Hôm nào về mà đóng, bận quá thì ít nữa bố mày mang về hộ”.

Uyên ngẩn mặt vâng dạ. Cô biết bố mẹ chồng hãnh diện vô cùng khi xướng ra trước cả họ tộc phần đóng góp xông xênh của con mình. Nếu cô không đóng đúng số tiền ấy thì không chỉ "chết" với ông bà, mà còn “chết” với cả họ nữa, hoặc bố mẹ sẽ lấy tiền riêng ra bù cho đủ số để đẹp mặt gia đình, và như thế thì Uyên càng “lãnh đủ”. Nhưng 10 triệu với Uyên bây giờ không phải là số tiền nhỏ, khi cô vừa vay đến hàng trăm triệu để góp vào khoản mua nhà, hằng tháng phải bớt lương trả nợ. Thế nhưng tâm sự này, cô cũng chỉ dám chia sẻ với chồng.

Lại có lần, mẹ chồng bảo Uyên: “Vợ thằng Hưng (cháu ruột bà) bị ngã xe máy, chạy chữa cũng tốn đấy. Mai con cho nó vay 5 triệu nhé”. Nàng dâu nhỏ nhẹ: “Dạ con cũng thương chú ấy, nhưng chắc chỉ qua thăm và gửi chút quà tiền thôi, chứ giờ con chưa có để cho vay”. Bà già thủng thắng: “Cố đi con, vì mẹ đã hứa với nó rồi. Mai nó sang đấy. Mẹ không muốn trở thành người nói phét”. Nghe vậy, Uyên đành dạ, gọi điện cho cô bạn hỏi vay tạm mấy triệu, có lương sẽ trả.

Bà lúc nào cũng đặt tôi trước sự đã rồi. Tiền của tôi mà bà cứ hứa cho người ta vay, chẳng bao giờ thèm hỏi trước một tiếng, chỉ thông báo, và tôi bắt buộc phải rút ví. Mà cũng lạ, cháu ruột bà có chuyện, nhưng bà không cho nó vay tiền, dù chẳng phải bà không có, mà lại bắt tôi cho vay”, Uyên phàn nàn.

Bảo Thu, 29 tuổi, cũng đang vô cùng ức chế với bố mẹ chồng. Vợ chồng cô và đứa con 3 tuổi thuê một căn hộ chung cư cũ ở Hà Nội. Nhà chỉ có hai phòng, một làm phòng ngủ, chỗ còn lại là phòng ăn kiêm phòng khách và là chỗ ngủ cho khách. Từ khi họ lấy nhau và thuê chỗ này, cái phòng khách ấy cũng là chỗ ngủ và học tập của em chồng Thu, với cái đệm gấp trải xuống mỗi buổi tối. Bảo Thu chẳng bao giờ phàn nàn chuyện hai vợ chồng thu nhập còn thấp, con còn nhỏ mà vẫn phải nuôi em chồng ăn học, bởi cô coi đó là nghĩa vụ của mình.

Chú em ấy hiện đã ra trường và đi làm ở miền Nam. Căn nhà đỡ chật chội và sinh hoạt của Bảo Thu cũng thoải mái hơn, nhưng chỉ được vài tháng. Cuối tháng 8 năm ngoái, bố chồng gọi điện cho vợ chồng Thu: “Bố báo cho các con một tin mừng, thằng Vinh con chú Ba đỗ đại học rồi đấy. Bố đã bảo chú thím cứ để thằng bé xuống ở với các con cho có anh có em”.

Thu ú ớ, muốn mở miệng phản đối, nhưng bố chồng vẫn vô tư tiếp tục dặn dò, rằng là thằng bé mà đi thuê nhà thì tốn tiền, ăn uống cũng vớ vẩn toàn thứ độc hại, mất vệ sinh, chẳng ai quan tâm chăm sóc, lại còn dễ hư hỏng, rằng các con dọn dẹp lại nhà cửa, hôm em nó xuống thì làm bữa cơm tươm tất một chút…

Đến khi bố tắt máy thì Thu cũng kiệt sức, tuyệt vọng ngồi phịch xuống sàn. Cả đến em họ chồng, cô cũng có nghĩa vụ cho ở nhờ và phục vụ, quan tâm sao? Sao cô chẳng được quyết định khi căn nhà này chính cô phải bỏ tiền thuê và nó bé như cái hộp? Bao giờ cô mới được tự do mặc quần cộc, áo ba lỗ trong nhà mình?

Thu đang “ủ mưu”, tìm kế khước từ nhưng chưa nghĩ ra cách gì thì ông chú đã hồ hởi đem con trai xuống, cùng bao nhiêu rau dưa, gà qué, gạo nếp. Ông cám ơn vợ chồng  Thu rối rít. Ăn cơm xong, trước khi ra về, ông chú bảo: “Chú thím muốn gửi các cháu một số tiền hằng tháng để chi cho chuyện ăn uống, sinh hoạt của em nó, nhưng bố cháu bảo, cái Thu dặn đi dặn lại rằng chú không được nói chuyện tiền nong, thằng bé ăn đáng bao nhiêu, ở đáng bao nhiêu. Đúng là cả họ không có cô con dâu nào tốt được như cháu, chú cảm động lắm. Thôi thế để chú gửi gạo và rau lên cho các cháu vậy”.

Chồng Thu thừa hiểu, vợ mình ngoài mặt tươi cười vồn vã nhưng trong bụng đang điên tiết, nên tối đó thì thầm xoa dịu cô, tỏ vẻ thấu hiểu với suy nghĩ của vợ. Tuy nhiên, anh cũng bảo, truyền thống họ nhà anh là vậy, luôn đùm bọc giúp đỡ nhau, và nếu rạch ròi chuyện tiền nong là đã hết nghĩa hết tình, nên em chịu khó một thời gian…

Đến giờ, một năm học gần trôi qua, cô không biết bao giờ chuyện này mới kết thúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Anh (Tri Thức Thời Đại)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN