Cử nhân khuyết tật và 5.000 suất cơm yêu thương

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Bị dị tật tay, chân bẩm sinh do bố nhiễm chất độc da cam, nhưng Nguyễn Duy Học đã nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, làm việc và cống hiến hết mình cho hoạt động từ thiện.

Sức sống mạnh mẽ

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em tại thôn 1A, xã Eakly, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhưng chỉ mình Học bị khuyết tật. Tuổi thơ của anh gắn liền với những cơn đau nhức hành hạ vì đôi bàn chân bị tật bẻ ngược ra phía sau và đôi tay co quắp.

Lên 7 tuổi, Học chịu đựng đau đớn tập đi bằng đầu gối. Đến năm 10 tuổi, Học mới tập tễnh đi lại được. Không lành lặn như các bạn cùng trang lứa, nhưng Học luôn cố gắng học tập.

Cử nhân khuyết tật và 5.000 suất cơm yêu thương - 1

 Anh Nguyễn Duy Học trao cặp, áo cho trẻ em trong chương trình “Vì trẻ em nghèo”. Ảnh: L.H.

Năm 2007, Học thi đậu khoa Tin học Trường Đại học dân lập Duy Tân, thành phố Đà Nẵng. Khó khăn chồng chất khi phải sống tự lập, nhưng với tình yêu thương của gia đình cùng sự giúp đỡ của bạn bè, anh đã vượt qua tất cả.

Thời sinh viên, ngoài giờ học, anh tham gia dạy văn hóa cho các em nhỏ khuyết tật. Tiếp xúc nhiều số phận bất hạnh, anh nhận thấy mình vẫn còn may mắn nên không ngừng phấn đấu và sống có ích hơn.

Năm 2010, tốt nghiệp ĐH, cầm tấm bằng vào TPHCM tìm việc, song đều bị từ chối bởi ngoại hình “khác người”. Trở về Đắk Lắk, thông qua ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật, Học được nhận vào làm kỹ thuật viên tin học tại Cty Cổ phần Nha khoa Xuân Hương.

Khi đã tự nuôi sống được bản thân, anh tiếp tục tham gia các hoạt động từ thiện. Nhận thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ, anh thành lập nhóm thiện nguyện.

Nối “Vòng tay yêu thương”

Ngày 16/10/2012, nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” đi vào hoạt động với chương trình “Chén cơm yêu thương” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Mỗi tháng 2 lần, các thành viên lại nấu và phát cơm miễn phí cho người bệnh. Với gần 5.000 hộp cơm được trao tận tay người bệnh, “Chén cơm yêu thương” đã giúp được nhiều bệnh nhân nghèo.

Sau hơn 1 năm phát cơm tại bệnh viện tỉnh, nhóm chuyển về phát tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk, đồng thời tổ chức nhiều chương trình lớn như: Tết yêu thương, Xoa dịu nỗi đau, Cùng em đến trường, Vui tết Trung thu, Áo ấm yêu thương, Vì học sinh nghèo (6 lần), Vui tết thiếu nhi, Chung tay vì người nghèo và nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng khác.

Giúp đỡ được những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ khuyết tật, mồ côi; hỗ trợ quần áo, sách vở cho học sinh nghèo vùng biên, người già neo đơn…  là niềm vui của Học cùng các thành viên trong nhóm. Anh cho biết, nhóm đang lên kế hoạch tổ chức chương trình “Nước sạch yêu thương”, lắp những bình lọc nước cho trẻ em vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, là chủ quán trà sữa và tiệm sửa chữa máy vi tính tại nhà, Học cho biết, sẽ góp phần lớn thu nhập vào quỹ “Vòng tay yêu thương” để tổ chức các chương trình từ thiện. Ước mơ tương lai của anh là mở quán cơm nho nhỏ với suất cơm 2.000 đồng để phục vụ người nghèo.

Anh Trần Quốc Nhật, Phó ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Nhóm “Vòng tay yêu thương” hoạt động tích cực với nhiều chương trình từ thiện, thu hút được nguồn tài trợ lớn để sẻ chia, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ mồ côi, khuyết tật. Bản thân anh Học cũng như các thành viên trong nhóm luôn tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hà (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN