Có nên nhường việc để giữ bạn?

Tôi có nên nhường cho cô ấy ở lại, hay cố gắng làm để chứng minh năng lực của mình với sếp?

Gần đây, do khủng hoảng kinh tế, sếp của tôi có ý muốn giảm bớt nhân sự. Tôi ngầm hiểu rằng giữa tôi và cô đồng nghiệp cùng phòng chỉ một người có thể ở lại công ty. Tôi và cô ấy chơi khá thân với nhau, chị em có gì cũng chia sẻ. Về năng lực, tôi có khá hơn, nếu lúc này tôi cố gắng một chút là có thể được giữ lại; nhưng nghĩ lại thương cô đồng nghiệp, nếu bị sa thải thì sẽ khó tìm việc vì tôi biết khả năng của cô ấy. Tôi có nên nhường cho cô ấy ở lại, hay cố gắng làm để chứng minh năng lực của mình với sếp?

Bạn có thể nhường cho cô ấy nhưng không phải vì thế mà bạn ngừng cố gắng trong công việc của mình. Ở đây có hai vấn đề, thứ nhất là bạn thương yêu cô bạn đồng nghiệp của mình và thứ hai là bạn phấn đấu nỗ lực trong công việc. Hai việc đó độc lập với nhau, việc bạn phấn đấu hết mình là cần thiết, còn thương bạn thì có rất nhiều cách để hỗ trợ và giúp đỡ khác nhau.

Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu để ai đó có được điều họ muốn một cách quá dễ dàng thì họ lại không trân trọng và việc đó vô tình làm mất đi sức mạnh tiềm tàng trong con người họ. Cũng như câu chuyện về một cô gái và chú bướm nhỏ. Cô gái thấy chú bướm nhỏ đang cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu mãi mà không có sự tiến triển nhiều. Cô quyết định giúp chú bướm bằng cách lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm. Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng, đôi cánh thì nhăn nhúm. Chú bướm sau đó đã không thể bay được và chỉ bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng.

Cô gái đã không hiểu rằng: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên với những áp lực của nó đã tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú mạnh mẽ hơn, có thể bay ngay khi thoát ra ngoài. Vì thế, chính sự cố gắng nỗ lực của bạn biết đâu sẽ tạo được áp lực giúp cô bạn kia phấn đấu nhiều hơn nữa trong công việc.

Khi hai người cùng cố gắng và tạo ra giá trị vượt hẳn, biết đâu công ty thấy việc giữ lại cả hai sẽ hiệu quả và tốt đẹp hơn là đuổi một người đi. Và nếu đổi ngược lại bạn là cô bạn kia, bạn biết người bạn thân của mình không cố gắng gì đến mức bị sa thải để nhường việc cho mình thì bạn có thấy vui vẻ với việc được giữ lại công ty hay không.

Có nên nhường việc để giữ bạn? - 1

Bạn có thể nhường cho cô ấy nhưng không phải vì thế mà bạn ngừng cố gắng trong công việc của mình. (Ảnh minh họa)

Nhưng tôi cố gắng thì tôi tin chắc là tôi sẽ được giữ lại, thế hóa ra tôi chẳng coi người bạn mình ra gì, chẳng coi trọng tình bạn, tôi làm như vậy có khác nào cố tình gạt bạn ra khỏi công ty? Biết đâu cô ấy đã cố gắng hết sức và không thể cố hơn nữa?

Biết đâu cô ấy cũng đang nghĩ như bạn và không phấn đấu gì trong công việc của mình. Rất có thể việc bạn không cố gắng càng làm cho cô ấy thiếu động lực mà phấn đấu.

Hơn nữa, tình bạn là tình bạn, công việc là công việc. Nếu bạn vì tình bạn mà vừa làm tổn hại đến mình vừa tổn hại công ty, điều đó là không được. Bạn không cố gắng gạt cô ấy ra khỏi công ty, bạn chỉ đang nỗ lực hết mình vì sự phát triển của bản thân và mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho công ty.

Bạn muốn giúp bạn của mình thì có nhiều cách khác, quan trọng nhất là làm sao để cô ấy cũng phát triển và vững vàng trong công việc.

Hay bạn có thể chia sẻ thẳng thắn với cô ấy về sự khó khăn của công ty và những yêu cầu công ty đang cần ở nhân viên để cả hai cùng phấn đấu. Khi biết rõ thông tin đó, cô bạn ấy sẽ có định hướng tốt hơn cho tương lai và biết nên phải làm sao. Hoặc bạn gợi ý một số công việc phù hợp với năng lực của cô ấy ở môi trường khác để cô ấy có thêm lựa chọn và không cảm thấy hụt hẫng nếu ra khỏi công ty này.

Trong công việc, bạn có thể trở thành “đối thủ” để buộc cô ấy phải nỗ lực vượt trội hơn bạn. Nhưng ở ngoài, bạn nhờ cậy sự hỗ trợ của người khác cho cô ấy như cấp trên, đồng nghiệp khác. Giống như Lưu Bình giúp Dương Lễ ngày xưa vậy. Nhiều khi những sự giận giữ cũng là động lực tốt cho con người ta trỗi dậy thể hiện hết năng lực của mình đấy. Nếu lúc nào bạn cũng nghĩ bạn mình chỉ làm được đến đó, chẳng thể phát triển hơn thì vô tình đã kìm hãm khả năng của cô ấy. Thực tế người phụ nữ luôn có sức mạnh tiềm ẩn mà chỉ khi khó khăn nhất, dồn nén nhất, sực mạnh đó mới được bộc phát. Nên bạn cũng đừng quá lo lắng cho cô ấy.

Bạn thấy đấy, có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu thương của bạn với bạn mình. Cô ấy càng yếu về năng lực thì bạn lại càng mạnh lên để hỗ trợ cô ấy tốt nhất. “Ốc không mang nổi mình ốc thì làm sao mang cọc cho rêu”, đầu tiên bản thân mình cần vững vàng rồi mới nghĩ đến việc giúp người khác được.

Đồng nghiệp xấu tính thích bắt nạt

Giải quyết tình huống khó xử với đồng nghiệp

Công sở Đối phó khi đồng nghiệp... chơi xấu

Đối phó với đồng nghiệp “hai mặt”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mốt & cuộc sống
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN