“Có gì đâu...”

Nhìn con gái nằm trên giường bệnh, tôi đau đớn không kìm được nước mắt.

Từ bé, đứa con gái lớn của tôi đã có tính âm thầm chịu đựng, có chuyện buồn nó không bao giờ chủ động nói ra. Tôi phải nhìn nét mặt và cách cư xử khác với thường ngày của nó để đoán.

Những lúc như thế, tôi luôn gặng hỏi và động viên con lấy lại tinh thần. Đã rất nhiều lần con bé khóc nức nở, sà vào lòng tôi, kể lại mọi chuyện. Từ những rắc rối nhỏ trong học tập, những lần giận hờn vu vơ với cô bạn thân, cả việc thầy giáo cho điểm không đúng với công sức con bỏ ra… Hạnh phúc lớn nhất với tôi lúc đó là được làm một người bạn bên con, được con tin tưởng và được chia sẻ cùng con.

Từ ngày nhà có thêm thành viên mới - cu Bi, con bé ít tâm sự và gần gũi với mẹ hẳn. Lúc nào đi học về cũng thấy con gái ôm ấp, nói những lời trêu chọc em trai nên tôi rất yên tâm, nghĩ: Con gái cũng đã lớn, đã vào cấp ba, nên để nó tự giải quyết và vượt qua những rắc rối trong cuộc sống. Tôi không ngờ, suy nghĩ ấy đã khiến tôi suýt mất đi con gái vĩnh viễn.

Như mọi ngày, sau khi đi làm về tôi lại loay hoay cho cu Bi ăn cơm tối. Thằng bé quấy khóc vì mọc răng, dỗ sao cũng không chịu nín. Thấy con gái dẫn xe đạp vào nhà, chưa kịp để gọn ba lô lên giá sách, tôi vội gọi con gái đến cùng mẹ bón cơm cho em. Con bé ngồi nghêu ngao được một lúc với em rồi than mệt, xin phép lên phòng nghỉ ngơi. Khi tôi hỏi, con bé chỉ cười: “Không có gì đâu mẹ, con ổn mà”. Nhìn con gái bước từng bước uể oải lên cầu thang, tôi không chút nghi ngờ, tôi… đổ thừa cho áp lực học tập.

“Có gì đâu...” - 1

Tôi đã ngỡ ngàng, đã xót xa và rồi tự trách mình (Ảnh minh họa)

Tối khuya đang ngủ, tôi giật mình khi nghe những tiếng động lạ phát ra từ phòng con gái, bản năng của người mẹ không cho phép tôi nằm yên. Tôi gõ nhẹ cửa phòng, không có tiếng trả lời, tim tôi đập nhanh hơn, đầu óc quay cuồng khi cửa phòng khoá trái bên trong. Tiếng gõ cửa đủ đánh thức mọi người trong nhà phòng con bé vẫn hoàn toàn im lặng. Lập tức, tôi quay trở lại phòng ngủ, lay chồng dậy. Chiếc chìa khoá dự phòng được lấy ra. Tôi và chồng bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh con gái nằm bất động trên giường, dưới sàn là lọ thuốc ngủ đã uống được phân nửa…

Sau hai giờ đồng hồ trong bệnh viện, bác sĩ báo con gái đã qua cơn nguy hiểm, tôi tạm yên lòng. Qua bạn bè, tôi biết con bé có mối quan hệ thân thiết với một bạn nam lớp trên. Gần đây tình cảm của hai đứa không được tốt, cậu bạn kia quyết định hai đứa không nên gặp nhau nữa, con bé vì nặng lòng nên nghĩ quẩn. Chuyện chẳng là gì với người lớn nhưng lại là chuyện “động trời” với một cô bé mới lớn. Con tôi nghĩ rằng, chỉ có cái chết mới chứng minh mình luôn chung tình với người yêu.

Tôi đã ngỡ ngàng, đã xót xa và rồi tự trách mình. Tôi thật vô ý khi nghĩ con gái đã lớn, đã có thể giải quyết được mọi chuyện mà không hiểu được đây chính là giai đoạn con cần tôi nhất, cần sự chia sẻ và cần được lắng nghe nhiều nhất. Tôi dằn vặt tự hỏi mình: Sự nhạy cảm của người làm mẹ tôi đã bỏ đi đâu? Trước đây, mỗi lần con gái nói “Có gì đâu…” là mỗi lần nó nhận lại từ tôi sự quan tâm, động viên. Giờ thì cũng lời nói đó, nó nhận được gì ngoài sự thờ ơ…

Nhìn con gái nằm trên giường bệnh, tôi đau đớn không kìm được nước mắt. Vuốt nhẹ những lọn tóc đen nhánh mềm mại, tôi chỉ nói được với mình: “Mẹ xin lỗi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hằng Nga (Phụ nữ online)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN