Chuyện "bà chằn" nơi công sở

Chưa hết 3 tháng thử việc, Thùy Linh đã muốn xin nghỉ dù giám đốc đang ngỏ ý ký hợp đồng chính thức.

Ngấm ngầm phá hoại

Quen nhau từ hồi đi thi tuyển, rồi may mắn cùng trúng tuyển vào một phòng, Lan Chi (Nhân viên PR của một công ty Truyền thông và Công nghệ trên đường Duy Tân) khá cởi mở với nữ đồng nghiệp tên N. Hai người thường đi ăn trưa, rủ nhau đi mua sắm, trò chuyện nên tình bạn ngày càng thân thiết.

Coi N. là bạn nên Chi hồn nhiên chia sẻ với N. những suy nghĩ của mình về công ty, về những đồng nghiệp khác. Ngay cả kế hoạch chuyển việc khi có cơ hội tốt hơn trong tương lai, Chi cũng không ngần ngại chia sẻ.

Khoảng nửa năm sau, với những gì đã thể hiện, sếp ngỏ ý muốn cất nhắc Chi lên vị trí phó phòng vì phó phòng cũ mới nghỉ sinh con. Sếp yêu cầu cô lên kế hoạch cho một ý tưởng mới để trình bày trong cuộc họp bổ nhiệm sắp tới.

Ngày hôm đó, Chi đến cơ quan với phong thái tự tin vì cô đã chuẩn bị và làm slide rất kỹ. Thế nhưng chiếc USB chứa bản kế hoạch không cánh mà bay ngay trước buổi họp 5 phút, file lưu trong máy cá nhân của Chi cũng biến mất lúc nào không hay. Bối rối nhưng vẫn đủ tỉnh táo để xin sếp thêm thời gian về nhà lấy vì cô còn lưu một bản trong máy tính ở nhà. Nhưng, sếp bảo không cần nữa và mời Chi vào dự họp.

Thẫn thờ nhớ lại cuộc họp hôm đó, Chi kể: “Khi N. được mời lên thuyết trình, tôi cứ ngỡ sếp cũng cho cô ấy cơ hội như mình. Nhưng nhìn thấy slide đầu tiên, tôi đã hiểu ngay toàn bộ câu chuyện, N. đã ăn trộm ý tưởng của tôi và thêm mắm muối biến thành của mình. Chiếc USB và tài liệu trong máy chắc cũng do cô ấy xử lý”.

Chi bảo, cô thường có thói quen để ngỏ máy tính khi đi ra ngoài, có lẽ N. đã lợi dụng sơ hở này để sao chép bản kế hoạch của cô. Và kết quả thì chắc ai cũng đoán được, N. được bổ nhiệm vào vị trí phó phòng.

“Khi tôi kể câu chuyện này ra, ai cũng hỏi tại sao tôi không lật mặt N. Lúc đó tôi muốn họp xong, nói chuyện với N. cho ra lẽ đã vì trong tôi vẫn còn một chút niềm tin rằng N. không phải người như thế. Nhưng sau khi nói chuyện riêng với sếp, tôi thấy không cần thiết nữa. Tôi chọn cách ra đi vì tính tôi không muốn đụng chạm, có đôi co cũng chả được gì”, Chi chua xót.

N. đã nói với sếp rằng Chi chê công ty nhỏ, lương thấp nên muốn tìm công việc khác, rằng Chi đã gửi hồ sơ ứng tuyển nhiều nơi, chỉ cần tìm được nơi tốt là nhảy việc. “Dù biết em có năng lực nhưng anh muốn dành cơ hội cho những người thực sự muốn gắn bó và cống hiến cho công ty lâu dài”, Chi nhớ lại lời sếp nói.

Chuyện "bà chằn" nơi công sở - 1

Linh quá mệt mỏi bởi sự soi mói, kèn cựa của “bà chằn” ở công ty (Ảnh minh họa)

“Môi trường chỗ làm mới khá thân thiện nhưng tôi không dám chơi thân với ai, không dám tin tưởng ai nữa. Dĩ nhiên vẫn hòa đồng đi chơi bời, ăn uống, tụ tập không thiếu bất kì vụ nào nhưng chuyện riêng tư thì không bao giờ chia sẻ”, Chi nói thêm.

Muốn bỏ việc vì bị “ma cũ” đặt điều nói xấu

Chưa hết 3 tháng thử việc, Thùy Linh (25 tuổi, cựu sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội) đã muốn xin nghỉ dù giám đốc đang ngỏ ý ký hợp đồng chính thức. Không phải vì áp lực công việc, mà vì Linh quá mệt mỏi bởi sự soi mói, kèn cựa của “bà chằn” ở công ty.

Linh bảo, chị này không làm cùng vị trí nhưng rất hay soi cô làm gì rồi buông lời bóng gió mỉa mai. Chị ta còn tung tin Linh đang cặp với đại gia vì vài lần thấy BMV đến tận cổng cơ quan đón. Rồi còn đồn thổi đại gia này đã có vợ và Linh đang phá hoại hạnh phúc của người khác.

“Mình nghe người ta kể lại vậy thôi chứ cũng chả có bằng chứng là ai nói để mà quặc lại. Công việc thì vẫn trôi chảy, sếp vẫn có ý định ký hợp đồng lâu dài với mình. Nhưng thấy chán chả muốn đến công ty, cứ chạm mặt bà chằn kia là bực mình, không sao tập trung vào công việc được”, Linh chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm) cho biết, ý định nghỉ việc trong trường hợp này đồng nghĩa với thua cuộc. Bởi mục đích của người chơi xấu kia cũng chỉ muốn nạn nhân chán nản mà bỏ việc.

“Người khôn ngoan sẽ không bỏ việc dễ dàng như thế. Môi trường nào cũng có sự ghen ghét, đố kỵ. Nếu ở đâu gặp người như thế mình cũng chán rồi bỏ việc sẽ khó làm được ở đâu lâu dài. Phải đối mặt với, tìm ứng xử phù hợp để mình có thể tồn tại được”, bà Giang nói.

Theo bà Giang, khi bị đồng nghiệp chơi xấu, đầu tiên cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao người ta lại làm như thế. Bà Giang phân tích: “Nguyên nhân có thể xuất phát từ phía mình. Trước hết mình phải nhìn nhận lại mình, có thể trong công việc, lời nói, hành động của mình vô tình làm người ta mất lòng hoặc vô tình làm tổn thương người ta. Đôi khi những điều nhỏ nhặt như mình được sếp khen ngợi cũng dẫn đến thù ghét vì người kia sẽ nghĩ họ mất vị trí. Còn nếu người đó có tính đố kỵ thì không chỉ đố kỵ với mình mà còn đố kỵ với người khác nữa. Người như thế thì sẽ cô độc, không ai ưa cả. Khi đã biết nguyên nhân rồi mới có thể đưa ra cách ứng xử phù hợp”.

“Môi trường công sở là nơi để khẳng định mình trong công việc chứ không phải môi trường gia đình mà có thể đòi hỏi người khác phải yêu thương mình. Thế nên đôi khi cũng phải chấp nhận chuyện bị người ta ghét, bị người ta nói xấu. Quan trọng là mình vẫn giữ được thái độ trân trọng, không gây hiềm khích với họ”, bà Giang nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo La Hoàn (Vietnamnet)
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN