Chồng vác ảnh cưới phá đám hỏi vợ cũ
Cho rằng chị T. lừa tình, lừa tiền, anh P. đã cầm ảnh cưới của hai người đến đám hỏi vợ cũ để đòi sính lễ gồm 5,5 chỉ vàng và 20 triệu đồng.
Cho rằng chị T. lừa tình, lừa tiền, anh P. đã cầm ảnh cưới của hai người đến đám hỏi vợ cũ để đòi sính lễ gồm 5,5 chỉ vàng và 20 triệu đồng. Được biết, hành động của P. bắt nguồn từ nỗi uất ức chỉ sống chung với nhau 23 ngày mà phải trả số “sính lễ” trên thì... quá đắt. Sự việc này đã khiến dư luận, cộng đồng mạng xôn xao bàn tán.
Để làm rõ sự thực phía sau câu chuyện bi hài này, PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu.
Người chồng “phá” đám hỏi của vợ nói gì
Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây gần một tháng nhưng mới đây, hình ảnh chú rể vác ảnh cưới đến đòi sính lễ mới được chia sẻ lên mạng. Nhiều cư dân mạng tỏ ra hết sức ngỡ ngàng trước cách hành xử của gia đình chồng cũ và câu chuyện bi hài này.
Lễ ăn hỏi của chị T. bị gia đình P. “làm loạn”
Bình luận trên facebook, Vuhoanghan nói: “Không hiểu thời đại nào rồi mà vẫn có chuyện đi đòi lại sính lễ khi hai vợ chồng không ở được với nhau. Nói chung trong sự việc này, cả hai bên đều sai. Cô dâu mới chẳng nói, chẳng rằng bỏ về nhà mẹ đẻ rồi lấy chồng khác. Còn gia đình nhà chồng thì lại trơ mặt đi đòi tiền sính lễ”.
Chiều 9/5, PV báo ĐS&PL đã trao đổi với anh T.V.P. (23 tuổi, ngụ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) – nhân vật chính trong câu chuyện “chồng 9X quậy” lễ ăn hỏi của vợ cũ để đòi lại vàng, tiền cưới. Mấy ngày nay, anh P. được cho là người “nổi tiếng” nhất facebook.
Thông tin lại ngọn nguồn sự việc với PV, anh P. kể: “Vào thời điểm cuối tháng 1/2015, qua sự mai mối của người quen, tôi quen biết H.T.T.T. (23 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Sau đó, chúng tôi tiến tới hôn nhân. Chỉ sau 1 tháng tìm hiểu, chúng tôi đã quyết định kết hôn và đám cưới được hai bên gia đình lo liệu”.
Để gia đình cô dâu nở mặt, nở mày với hàng xóm, gia đình anh P. chuẩn bị số sính lễ là 5,5 chỉ vàng và số tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, các sính lễ khác theo tục lệ được gia đình P. chuẩn bị rất chu đáo. “Tôi nhớ ngày hôm đó, đám cưới của chúng tôi rất tưng bừng, náo nhiệt, họ hàng hai bên gia đình đều đi dự đông đủ. Sau khi tổ chức đám cưới được vài ngày, tôi bảo vợ ra phường làm đăng ký kết hôn. Thế nhưng, có điều lạ là vợ tôi nói tổ chức đám cưới được rồi, đăng ký làm gì cho mệt và viện cớ né tránh không đi. Nghĩ vợ vẫn còn ngại nên tôi lại thôi.
Vài ngày sau đó, tôi lại nói vợ đi đăng ký thì cô ấy hẹn bữa khác. Sau khi sống chung được 23 ngày thì cô ấy viện lý do có bệnh phụ nữ nên xin về nhà mẹ đẻ điều trị. Từ thời điểm đó, cô ấy ở luôn nhà mẹ đẻ. Sau đó, tôi nhiều lần sang nhà mẹ vợ đón vợ về nhưng cô ấy không đồng ý. Vì quá chán nản, từ đó tôi không qua nữa và vợ chồng tôi không còn liên lạc gì với nhau”, anh P. nói.
Khi PV hỏi, ngoài vấn đề trên, vợ chồng anh P. còn xảy ra mâu thuẫn nào không, anh P. thú thật: “T. là con gái út nên được bố mẹ vợ khá cưng chiều. Chính vì thế mà T. hầu như không biết làm việc gì. Trong thời gian ngắn ngủi ở nhà chồng, cô ấy không phụ giúp gì được nhiều. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, mặc dù lấy chồng rồi nhưng T. vẫn giữ lối sống cũ là thường xuyên gặp gỡ nhiều đàn ông. Khi tôi nhắc nhở thì vợ thể hiện thái độ không bằng lòng”.
Ảnh cưới của đôi vợ chồng
Lý giải về hành động mang ảnh cưới đến đám hỏi của vợ cũ “làm loạn”, anh P. ngượng ngùng nói rằng, việc vợ cũ đột ngột bỏ về nhà mẹ đẻ khiến anh nghĩ T. lấy mình chỉ vì tiền sính lễ. “Hành động ôm ảnh cưới đến phá đám hỏi của vợ cũ không hề có sự chuẩn bị từ trước. Lúc đó, tôi suy nghĩ bộc phát rồi hành động như vậy. Tôi không còn tình cảm với vợ cũ nên hành động của tôi chỉ là đòi tiền sính lễ để còn lấy vợ mới, còn việc cô ấy thích lấy ai thì kệ cô ấy. Những ngày qua, dư luận nói tôi này kia, nhưng những ai trong cuộc thì mới hiểu cảm giác của tôi thế nào. Trong sự việc này, tôi vừa bị lừa tình, vừa bị lừa cả tiền”, anh P. chua chát nói.
Cũng chia sẻ với PV, ông T.V.N. (cha anh P.) cho hay, khi gia đình anh P. lên nhà chị T. đòi tiền sính lễ cũng là lúc gia đình anh N.V.H. (quê tỉnh Sóc Trăng) mang sính lễ lên làm đám hỏi. Cuộc chạm trán bất ngờ khiến cả ba bên đều khó xử. “Tuy nhiên, trong sự việc này, gia đình chị T. là người có lỗi hoàn toàn. Chị T. vừa mới tổ chức đám cưới với con tôi mà sau đó đã tổ chức đám hỏi với người khác là chuyện không thể chấp nhận”, ông N. nhấn mạnh.
Ông N. cũng nói thêm, giá như gia đình T. chịu xuống nước, xin lỗi gia đình ông và thương lượng về số tiền sính lễ thì ông và con trai sẽ bỏ qua và ra về. Thế nhưng, họ lớn tiếng thách thức, khiến gia đình ông phẫn nộ, xảy ra cự cãi. Chuyện không giải quyết nội bộ được nữa thì đành phải nhờ chính quyền.
Chia sẻ thêm với PV về cô con dâu, ông N. cho hay: “Nó tệ lắm, có biết làm gì đâu. Làm dâu có được mấy ngày rồi bỏ đi. Từ lâu, tôi đã xem là không có cô con dâu này”.
Trái cả tình lẫn lý?
Để tìm hiểu thêm câu chuyện xôn xao dư luận này, PV tìm đến nhà chị T. tại phường An Bình. Tại đây, PV được bà N.T.L. (mẹ chị T.) tiếp chuyện. Theo lời bà L., chị T. đã theo về nhà chồng mới ở Sóc Trăng. “Mặc dù rất buồn vì chuyện gia đình P. cầm ảnh cưới qua quậy đám hỏi nhưng T. phải gạt ra vì hạnh phúc mới của mình”, bà L. nói.
Chia sẻ với PV về hành động “kỳ quặc” của gia đình anh P., bà L. khẳng định, gia đình P. muốn phá đám hỏi của con gái bà. Hành động của họ là ép gia đình bà phải trả lại tiền sính lễ cho họ. Họ lý giải rằng, 23 ngày làm dâu của con gái tôi không đáng 5,5 chỉ vàng và số tiền 20 triệu đồng. Tuy nhiên, bà L. nói rằng, việc con gái bà mất cái ngàn vàng, tổn hại sức khỏe, tinh thần trong 23 ngày làm dâu đó thì ai đền bù? Trong chuyện này, hành động của gia đình P. là vừa trái về tình, vừa trái về lý.
Cũng theo lời bà L., khi con gái bà lấy P. làm chồng, gia đình bà đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong ngày cưới của gia đình P.. Và, thực tế là T. đã về nhà anh P. làm vợ. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, hai vợ chồng T. xảy ra nhiều mâu thuẫn nên T. không thể ở đó được nữa mới bỏ về nhà bà L. sống. “Thằng P. làm chồng mà cứ như trẻ con thì làm sao mà cái T. chấp nhận được. Tôi ủng hộ con gái tôi không làm vợ thằng P. nữa”, bà L. giãi bày.
Góp thêm lời mẹ, chị T. đau khổ nói, sau khi chứng kiến gia đình anh P. sang phá đám hỏi, chị suy nghĩ nhiều rồi đổ bệnh. May mắn là gia đình chồng mới hiểu nên thông cảm. Chuyện xảy ra hãy để chính quyền địa phương giải quyết. Thông tin với PV, một đại diện Công an phường An Bình cho biết: “Đúng là vụ việc xảy ra trên địa bàn. Hiện Công an phường An Bình đang thụ lý giải quyết vụ việc. Khi có thông tin chính thức, cơ quan công an sẽ thông tin đến báo chí”.
Cả hai đều có những hành động sai lầm Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Thạc sỹ Phan Thu An (chuyên gia tâm lý thuộc hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM) cho rằng: “Về cá nhân, tôi không đồng ý với cách ứng xử của hai bên gia đình. Về phía chị T., đáng lẽ khi xảy ra mâu thuẫn với anh P. thì nên gặp mặt phía nhà chồng để giải quyết chứ không nên vin vào cớ chưa có giấy đăng ký kết hôn để tự ý bỏ về nhà mình. Trong khi đó, phía anh P. cũng không nên cầm ảnh cưới đến nhà vợ cũ để “làm loạn”. Nếu như mâu thuẫn đến mức không thể giải quyết được thì nên giải thoát cho nhau một cách êm đẹp chứ không nên có những hành động lỗ mãng để rồi tất cả phải chịu hậu quả”. |