Chồng mù, vợ cụt chân và những đứa con thiên thần
Chuyện tình của anh Tạ Đình Hán và chị Vũ Hoài Thanh như cổ tích giữa đời thường.
Năm 16 tuổi, tai nạn giao thông đã vĩnh viễn cướp đi chân phải của người vợ, chồng bị mù từ năm 10 tuổi. Duyên phận cuộc đời đã đưa họ xích lại gần nhau.
Gia đình anh Hán chị Thanh. Ảnh: Ngọc Thi
Sóng gió hai mảnh đời
Chuyện tình của anh Tạ Đình Hán và chị Vũ Hoài Thanh (Xuân La, Hoàn Kiếm, Hà Nội) như cổ tích giữa đời thường.
Số phận đã lấy đi của họ nhiều thứ quý giá khiến họ không thể có cuộc sống như những người bình thường. Nhưng ý chí vươn lên, không đầu hàng số phận đã giúp họ vượt lên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Năm nay, cả hai ngoài 30 tuổi.
Nằm sâu trong ngõ 38 Xuân La, ngôi nhà 3 tầng, sạch sẽ, khang trang là tổ ấm của anh Hán, chị Thanh. Ít ai biết rằng, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay chứa đựng những gian truân, có cả mồ hôi và nước mắt của cặp vợ chồng trẻ.
Rót chén nước mời khách, anh Hán bắt đầu với chúng tôi từ câu chuyện thơ ấu bất hạnh. Anh là con trong một gia đình Hà Nội gốc, sinh ra là một đứa bé khỏe mạnh, thông minh. Tuổi thơ của anh cũng êm đềm trôi qua cùng bạn bè trang lứa trong khu.
Lên 8 tuổi, anh Hán lên cơn sốt kèm theo biểu hiện co giật. Sau cơn sốt định mệnh ấy, mắt anh mờ dần. Theo thời gian, mắt anh càng nặng thêm, đến năm 10 tuổi mọi vật giờ đây là màn đen bí ẩn.
Đang tuổi cắp sách đến trường, bố mẹ khuyên anh ở nhà nhưng Hán không chịu, thấy các bạn đi học, Hán đòi đi theo. Và rồi những lần vấp ngã ngoài ý muốn cộng với đôi mắt không nhìn thấy khiến Hán không theo kịp. Ngậm đắng nuốt cay, bất đắc dĩ anh phải nghỉ học.
Không muốn người thân lo lắng, bề ngoài Hán tỏ ra mạnh mẽ đầy nghị lực. Về phần bố mẹ, cứ có người mách thầy nọ bà kia có khả năng chữa bệnh thì ông bà tìm đến. Thế nhưng, đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Bác sĩ kết luận anh bị thoái hóa sắc thái võng mạc trung tâm.
Không đầu hàng số phận, năm 2000, được sự động viên của gia đình, anh Hán tham gia Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Tại đây, anh được theo học chữ nổi, học nghề xoa bóp, tẩm quất, bấm huyệt… Được tiếp xúc với bạn bè dần dần Hán trở nên tự tin, hòa nhập với cuộc sống.
May mắn hơn nữa là với tay nghề khá nên anh được giữ lại làm việc tại Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em ở Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
Chị Vũ Hoài Thanh bên cạnh giấy khen về thành tích trong hoạt động thể thao. Ảnh: Ngọc Thi
Với chị Thanh, số phận nghiệt ngã, tai nạn khủng khiếp năm 16 tuổi đã cướp đi của chị một phần chân phải. Chị Thanh là một thiếu nữa duyên dáng, hiền lành, sinh ra và lớn lên ở Gia Lâm, Hà Nội. Ở cái tuổi tràn trề nhựa sống và sung sức nhất đời người, tuổi của khát khao chiến đấu và cống hiến thì bỗng dưng tắt lịm.
May mắn hơn anh Hán, mặc dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng đôi mắt sáng. Nén nỗi đau, chị tiếp tục đăng ký học Cao đẳng Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. Khoảng thời gian học tập tại trường chị được bạn bè giới thiệu tham gia Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội.
Trong những buổi giao lưu giữa CLB sinh viên khuyết tật với đoàn vận động viên khuyết tật Hà Nội, vận động viên Bạch Quang Thái đã nhìn thấy ở Thanh có tố chất của một vận động viên cầu lông đầy triển vọng và khuyên chị chơi môn thể thao này.
Tình yêu chắp cánh
Năm 2002, anh Hán tham gia môn điền kinh dành cho người khuyết tật của Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Trong những ngày khổ công luyện tập trên thao trường đầy nắng gió, cơ duyên được sắp đặt từ trước, anh gặp chị Vũ Hoài Thanh, vận động viên cầu lông của Câu lạc bộ thể thao khuyết tật Hà Nội.
Mắt không nhìn thấy, quá mệt mỏi với những cơn nắng gắt mùa hè, cái giá buốt của mùa đông nhiều lần bị ngã bầm dập chân tay nhưng sự động viên của Thanh giúp anh vượt qua tất cả.
Anh Hán nhớ lại: “Những người trong CLB đều có khiếm khuyết về cơ thể, chúng tôi dễ hòa nhập với nhau bởi cùng cảnh ngộ. Tôi với Thanh ban đầu cũng chỉ nói chuyện với nhau nhưng càng tiếp xúc tôi càng mến mộ người con gái có giọng nói trong trẻo đó”.