Cho anh xin chút “rửng mỡ”…
Cái chuyện giường chiếu cỏn con ấy nếu không khéo xử lý thì lắm khi lại thành lớn chuyện.
Câu chuyện tay “vũ sư” tung clip sex ở Hải Phòng mấy hôm nay bỗng trở thành “đầu câu chuyện” ở cái xóm nhỏ nhà tôi. Đi ăn sáng cũng nghe bà con xôn xao bàn tán, ghé tiệm thuốc tây mua mấy viên thuốc cảm cũng nghe mấy cô nhân viên xầm xì; chờ đón con trước cổng nhà trẻ cũng nghe râm ran về một gã dê xòm tên Hợi…
Đúng là chuyện “hot”.
Nó “nóng” đến nỗi chị tổ trưởng phụ nữ của chúng tôi phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Chị yêu cầu chị em chúng tôi ai đã có gia đình thì mang cả các đức lang quân đến dự họp. Xem ra thì câu chuyện đã trở nên rất… rất… là nghiêm trọng rồi. Nó làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi, những người phụ nữ suốt ngày đầu tắt, mặt tối và chưa một ai biết vũ trường là cái gì, vũ sư là cái chi chi…
Mở đầu cuộc họp, chị tổ trưởng đề cập đến vấn đề “công dung ngôn hạnh” của phụ nữ thời đại ngày nay. Chị em chúng tôi nhìn nhau. Cái xóm nhỏ này tuy toàn là dân lao động nghèo và công nhân viên chức, chẳng có ai là “đại gia” nhưng ai cũng có công ăn việc làm ổn định, con cái được nuôi dạy đàng hoàng…
“Này, mấy hôm nay đọc báo nắm rõ đầu đuôi mọi chuyện, tôi nghĩ đó chẳng qua là “thuận cho, vừa nhận” chứ chẳng ai ép ai nên giỏi lắm chỉ bị phạt hành chính vì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là cùng”- chị Hai bán tạp hóa ra chiều rành rẽ.
Cô Tư bán thuốc tây gật gù: “Tôi nghĩ, tay võ sư này tệ hại ở chỗ phát tán “văn hóa phẩm đồi trụy” và tống tiền. Đàn ông gì mà khốn nạn như vậy. Đúng là… hợi mà”. Cô Tư chưa chồng nên nói năng rất ư là mạnh bạo.
Các ý kiến khác đa số đều chê bai, dè bĩu những người phụ nữ không đoan chính kia; cho họ thuộc loại người “ăn no rửng mỡ”, “nhàn cư vi bất thiện”, ăn rồi ở không nên sinh tật… “Tui nè, đầu tắt mặt tối từ sớm đến tối, mần muốn cụp xương sống, cống xương sườn, còn hơi sức đâu mà nghĩ đến mấy chuyện bậy bạ như vậy? Đúng là đồ đàn bà hư!”- cô Tám hủ tiếu gõ hầm hứ phát biểu.
Đến con Út bán cơm tấm mới 19 tuổi cũng góp lời: “Con thấy má con nè, bị tai nạn cụt mất một cánh tay mà suốt ngày không lúc nào ngồi yên. Hết đi chợ, nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo, ủi đồ… Phụ nữ Việt Nam phải vậy chớ! Phụ nữ Việt Nam vốn hay lam, hay làm mà…”.
… Sau chừng hai chục lượt ý kiến phát biểu lên án hành vi vi phạm đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của những chị em lầm lỡ kia cũng như bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với những người chồng đau khổ, những đứa con đang bị tổn thương, chị tổ trưởng kết luận: “Thật ra thì mấy chị em đó cũng rất đáng thương. Họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân trong vụ này. Chị em thấy đó, trong số họ, đâu có ai nghèo như chị em mình? Hầu hết họ đều là những người dư ăn, dư mặc; nói chung là vật chất đầy đủ... Thậm chí là thừa mứa, không làm mà vẫn có tiền vung vít, còn dư để cho trai. Tiền ở đâu họ có? Chắc chắn không phải là tiền mồ hôi nước mắt… Là tôi loại trừ cái chị bán bánh mì ra… Chỉ có những đồng tiền không có vị mặn của mồ hôi, nước mắt thì người ta mới xài một cách vô tội vạ như vậy…”.
Đôi khi chúng tôi đã xao nhãng chuyện “cơm ăn, nước uống, khí trời” (Ảnh minh họa)
Những lời chị tổ trưởng nói khiến chúng tôi vô cùng thấm thía. Mỗi người còn đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ miên man thì chị lại lên tiếng: “Ở đây có các anh nên tôi tranh thủ nói luôn. Cái chuyện ái ân chồng vợ như cơm ăn, nước uống, khí trời… Thiếu những thứ ấy thì hôn nhân sẽ chông chênh, không bền vững. Các anh thấy đó, thói thường con người ta nếu bị bỏ đói thì phải đi kiếm ăn vì đó bản năng sinh tồn. Hên thì gặp miếng ngon, xui thì gặp đồ hôi thối…”.
Ngừng một chút để lấy hơi, xong chị lại nói tiếp: “Các anh đừng bao giờ nghĩ rằng mình cho vợ kim tiền mà đủ. Có tiền bạc rủng rỉnh, được ăn ngon mặc đẹp mà không có tình yêu, không có sự quan tâm chăm sóc, không có những hoan lạc của ái ân chồng vợ thì cuộc đời kể cũng là vứt đi. Đừng trách mấy chị đó ăn no rửng mỡ mà hãy trách những anh chồng đã gieo mầm, nuôi dưỡng thói hư tật xấu cho vợ mình. Phải để cho vợ lao động kiếm tiền, làm việc nhà, chăm sóc con cái… thì họ mới không còn thời gian, hơi sức để tơ tưởng, thực hiện những chuyện xấu xa, đồi bại… Mấy anh thấy tôi nói có đúng không?”.
Không khí lặng ngắt như tờ. Mọi người lại nghiền ngẫm những điều chị tổ trưởng nói. Đúng là cán bộ có khác, ăn nói đâu ra đó; vừa có lý lẽ, vừa dẫn chứng thực tế hết sức thuyết phục. Hèn chi mà mấy anh im re, chẳng ai có ý kiến gì.
Chờ hết… 7 nốt nhạc, không thấy ai phát biểu, chị tổ trưởng dợm đứng lên định tuyên bố bế mạc cuộc họp thì bất ngờ, chồng chị xuất hiện. Dường như anh đã có vài ve nên mặt hơi đỏ, mắt long lanh. Anh xin phép phát biểu.
Và sau đây, tôi xin trích nguyên văn bài phát biểu của anh: “Bà nói hay lắm, rất hay… Tôi hoàn toàn tán thành, hoàn toàn ủng hộ bà và tất cả chị em có mặt ở đây. Tôi biết khu phố mình là khu phố văn hóa, tổ dân phố của mình là tổ dân phố văn hóa, gia đình mình là gia đình văn hóa… nhưng mà tôi xin bà… xin bà làm ơn, làm phước cho tôi xin chút “rửng mỡ” đó đi bà; chớ tối ngày bà hết lo chuyện nhà lại lo chuyện hàng xóm, tối về nằm thở khì khì, chồng đụng đến lại chòi đạp, đuổi xua. Tôi là tôi thông cảm với mấy bà chị ngoài kia lắm… Có khi mấy ông chồng suốt ngày đi kiếm tiền, hoạt động ngoài luồng, khi về đến nhà thì cũng hết hơi nên mấy chị đói khát, phải lén ra ngoài ăn vụng…”.
Vậy là cuộc họp không cần kết luận. Chị tổ trưởng lỏn lẻn kéo tay chồng ra nhà sau. Mọi người tự động giải tán. Ông xã tôi vừa đi, vừa cười rồi ngân nga: “Cho anh xin chút rửng mỡ đi mình… ới... ời...”.
Tôi lườm anh nhưng trong lòng lại thấy bối rối. Nói người ta cho sướng miệng rồi chợt nhìn lại mình. Đúng là giữa cuộc sống bộn bề, đôi khi chúng tôi đã xao nhãng chuyện “cơm ăn, nước uống, khí trời”. Và cái chuyện giường chiếu cỏn con ấy nếu không khéo xử lý thì lắm khi lại thành lớn chuyện…