Chàng SV Bách khoa từng bán than, vác đá mưu sinh

Có những buổi chiều, Hiếu phải bê đến 20 bao đá, mỗi bao nặng hơn 50kg để kiếm tiền ăn học.

Bùi Trung Hiếu vốn có dáng người nhỏ nhắn, gầy gò nhưng đứng dưới chiếc cổng prabol đồ sộ của trường Bách khoa, trông cậu càng nhỏ bé hơn. Ít ai biết, chàng sinh viên thoảng nhìn “sức trói gà không chặt” đó đã từng chở hàng nghìn viên than, bê hàng trăm bao đá trong suốt những năm tháng học sinh để có tiền ăn học. Cậu đã vượt qua nghịch cảnh, đi trên miệng lưỡi của người đời để cùng lúc đỗ hai trường đại học danh tiếng.

Cuộc sống đầy xáo trộn

Cuộc sống 18 năm qua của chàng sinh viên năm nhất trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bùi Trung Hiếu (sinh năm 1997, quê Kim Bảng, Hà Nam) là chuỗi dài những nỗi buồn. Cha bỏ đi khi mới lên 2 tuổi, Hiếu phải sống với người bác ruột để mẹ ra Hà Nội làm ăn. Năm Hiếu lên 3, bố cậu mới trở về nhưng chỉ để báo rằng đã có vợ mới và một cô con gái.

Chàng SV Bách khoa từng bán than, vác đá mưu sinh - 1

Bùi Trung Hiếu kể về cuộc sống đầy xáo trộn của mình

Lên 10 tuổi, bố Hiếu trở về một lần nữa. Lần đầu tiên nhìn thấy bố, Hiếu gọi là “chú” bởi trước đó, cậu còn quá nhỏ để nhận thức và ghi nhớ được mặt cha trong đôi lần ông trở về.

Hiếu bộc bạch, thực ra, việc thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của bố đối với cậu chưa bao giờ là điều quá to tát bởi, từ nhỏ đến lớn, cậu chưa từng cảm nhận được tình phụ tử thì làm sao có được cảm giác thiếu thốn. Điều khiến cậu suy nghĩ nhiều nhất là sự im lặng và cam chịu của mẹ. Suốt bao năm qua, mẹ cậu vẫn đứng lặng nuôi con và chờ chồng.

Năm học lớp 6, mẹ cậu bất ngờ sinh con với người đàn ông lạ. Cuộc sống của Hiếu một lần nữa bị xáo trộn. “Lúc đó mình buồn và giận mẹ nhiều lắm vì cảm thấy như bản thân vừa mất đi điều gì đó quan trọng. Mãi sau này, lớn hơn một chút, mình mới hiểu được mẹ và cảm thấy hối hận vì bản thân quá ích kỷ”, Hiếu tâm sự.

Ngày mẹ sinh em bé cũng là ngày Hiếu nhận bác ruột làm mẹ nuôi và ở hẳn cùng bác. Người mẹ thứ 2 của Hiếu không có chồng, lại ốm yếu nên cuộc sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn. Để nuôi cháu ăn học, bác Hiếu phải làm rất nhiều công việc, nặng có, nhẹ có, từ bán than, làm thuê đến trồng rau, nuôi gà. Thương mẹ, thương bác, Hiếu từng trốn đi làm thuê để có tiền ăn học.

Chàng SV Bách khoa từng bán than, vác đá mưu sinh - 2

Trung Hiếu từng trốn nhà đi làm thuê để kiếm tiền ăn học

Lên lớp 12, Hiếu lại phải chịu một cú sốc tinh thần lớn nữa khi mẹ ruột đột ngột qua đời. Suốt một tuần liền, Hiếu gần như thức trắng, đờ đẫn nhìn di ảnh và nhớ đến khoảnh khắc ôm mẹ lần cuối.

Mẹ mình mất khi vừa tròn 39 tuổi, chưa được hưởng sung sướng ngày nào. Mình biết, mẹ khổ, mẹ sai lầm cũng vì quá yêu bố. Trước khi mất, mẹ căn dặn rằng, nếu có mệnh hệ gì thì nhờ bác gửi em trai vào trại trẻ mồ côi. Nhưng bác thương em nhiều lắm nên đã nhận nuôi cả hai anh em mình”, Hiếu chia sẻ.

Cuộc sống của ba mẹ con Hiếu đã khó khăn lại thêm phần ngặt nghèo, tất cả chỉ trông chờ vào chút sức lực yếu ớt của mẹ nuôi và vài đồng làm thuê thêm thắt của Hiếu.

18 tuổi, Hiếu đã trải qua đủ những bấp bênh, xáo trộn trong cuộc sống gia đình. Vốn là người sống nội tâm, Hiếu ít khi chia sẻ chuyện buồn với người khác mà chỉ giữ lại, dồn nén rồi cuối cùng bung thành ý chí học tập.

Học để bớt buồn

Hiếu kể, cách duy nhất khiến cậu bớt buồn là học tập. Đó cũng chính là lý do cậu có thể vượt qua được chuỗi ngày buồn phiền đeo đẳng và đỗ hai trường đại học danh tiếng với số điểm cao: trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội (116/140 điểm), trường ĐH Bách khoa Hà Nội (9,14/10 điểm).

Chàng SV Bách khoa từng bán than, vác đá mưu sinh - 3

Hiếu vui vẻ kể về ngày biết mình đỗ hai trường đại học

Hiếu học rất giỏi. Điều đó được chứng minh bằng những thành tích trong suốt 12 năm cậu đạt được: giải Ba môn Tiếng anh cấp tỉnh lớp 10, 11; giải Khuyến khích môn Tin vượt cấp 12, giải Ba cấp tỉnh môn Lý lớp 12 và suốt 12 năm là học sinh giỏi toàn diện. Trong kì thi THPT Quốc gia năm 2015, Hiếu còn là 1 trong 5 học sinh có số điểm cao nhất nước, được vinh dự trao giải Hoa trạng nguyên.

Hiếu chia sẻ: “Mình học được ở mẹ ruột cách tập trung làm việc để không còn thời gian mà buồn. Mỗi khi gia đình có chuyện, mình thường giành hết thời gian rỗi cho việc giải đề Toán, Lý, học Tiếng anh… Hơn nữa, mẹ mất rồi, mình phải học thật giỏi, sau này có công ăn việc làm ổn định để còn làm chỗ dựa cho mẹ nuôi và em trai”.

Mặc dù vậy, để có tiền cho Hiếu ăn học không phải là chuyện đơn giản. Mẹ nuôi yếu ớt, lại phải nuôi cả hai anh em nên kinh tế gia đình Hiếu rất khó khăn. Ngoài giờ học, Hiếu thường xuyên đỡ đần mẹ nhiều việc, trong đó có việc bán than. Với chiếc xe đạp cọc cạch, cậu đã từng chở hàng nghìn viên than cho khách hàng ở khắp làng trên, xóm dưới. Hình ảnh cậu học sinh gầy gò đầu đội mũ cối, chân đi đất đạp thùng than tổ ong to đi khắp làng đã quá quen với người dân Kim Bảng.

Chàng SV Bách khoa từng bán than, vác đá mưu sinh - 4

Trung Hiếu vinh dự nhận giải Hoa trạng nguyên

Hè năm lớp 10, 11, Hiếu còn trốn gia đình đi vác đá thuê trong mỏ khai thác đá gần nhà. Hàng tuần, Hiếu bỏ ra bốn buổi chiều đi vác đá, mỗi buổi từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ.

Bây giờ máy tóc tiên tiến, đá được xay ra thành bột, đóng vào bì nên dễ vác hơn chứ ngày trước, mình toàn vác đá cục, bỏ vào thúng hoặc bao tải. Mỗi bao nặng chừng 20kg, một buổi phải vác tầm 20 bao như thế, thời gian còn lạ là xúc đá”, Hiếu kể.

Mỗi buổi như vậy Hiếu được trả công từ 50 đến 70 nghìn đồng. Hiếu bảo, cậu không sợ nặng, chỉ sợ bụi, ở mỏ đá bụi đến mức, mồ hôi trộn với bụi đá tạo thành thứ nước đen sệt chảy ròng ròng. Tuy vậy, chàng trai gầy gò vẫn kiên trì ôm hàng chục bao đá, bước đi siêu vẹo suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ để kiếm chút tiền đỡ đần mẹ.

Hiếu đặc biệt mê ngành công nghệ thông tin. Hồi học cấp ba, vì nhà không có máy tính, Hiếu phải hì hụi viết từng dãy mã hóa ra giấy rồi lên nhà trường mượn máy nhập vào. Ấy vậy mà cậu vẫn học tập tốt, đỗ ngành công nghệ thông tin của cả hai trường đại học danh tiếng với số điểm cao.

Lần đầu tự lập trình được một phần mềm mình vui lắm, rồi lại muốn làm được các phần mềm cao hơn nữa, khó hơn nữa. Thế là mình quyết định thi vào ngành công nghệ thông tin, dù nhiều người từng nói, ngành này ra trường khó xin việc”, Hiếu chia sẻ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt Hiếu rạng rỡ nhất là khi kể về suất học bổng “Tiếp sức đến trường” vừa được nhận. Hiểu kể, từ nay, cậu đã không còn phải hì hụi viết những dòng lập trình ra giấy nữa vì đã có máy tính xách tay chương trình trao tặng. Quả thật, với cậu sinh viên ấy, niềm vui lớn luôn đến từ học tập.

Hiếu chọn ngành công nghệ thông tin của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hành trình 5 năm còn dài và nhiều chông gai nhưng với tất cả những gì Hiếu đã trải qua, có lẽ, chẳng còn rào cản nào có thể làm khó được chàng sinh viên nghị lực này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN