Chẳng còn thời gian dành cho nhau

Giữa bộn bề cuộc sống, rất nhiều gia đình chẳng còn thời gian dành cho nhau.

Hôm qua, thấy tôi ngâm gạo rồi xách đi xay, ông xã trợn mắt: “Đừng có nói là em xay bột làm bánh canh đó nghen”. Thì làm bánh canh, có sao đâu? Hôm trước anh mới nói nhớ bánh canh của má kia mà.

Ông xã tôi có tật rất kỳ: Bất cứ món ăn nào của má làm đều “trên cả tuyệt vời”. Hồi mới quen nhau, tôi với anh suốt ngày cứ tranh nhau xem má ai làm đồ ăn ngon hơn. Tất nhiên là lúc nào tôi cũng thắng vì “anh làm sao mà cãi lại em?” như cách kết thúc tranh cãi của anh. Thế nhưng từ ngày má anh mất, mỗi lần nhắc đến món ăn của má, lúc nào tôi cũng nhường nhịn, phần vì “thương anh côi cút”, phần vì những món của má chồng tôi làm ngon thật. Mấy hôm trước, xem tivi thấy chiếu cảnh dỡ chà ở quê, anh buộc miệng: “Thèm bánh canh tôm của má quá”. Nghe vậy, tôi bảo: “Để bữa nào rảnh, em nấu cho mà ăn”. Tay nghề nấu nướng của tôi còn lâu mới bằng má nhưng “có làm còn hơn không” như cách anh an ủi mỗi khi tôi nấu món gì đó... không giống má!

“Bánh canh tôm của má” là món ăn mà ở Sài Gòn có thèm cũng không biết tìm ở đâu ra. Những con tôm lóng do ba dỡ mấy đống chà trước nhà hoặc mua của hàng xóm còn nhảy tanh tách được má đem về làm sạch, lột vỏ, bằm nhuyễn ướp nước mắm, hành, bột ngọt rồi xào lên cho chín. Bột gạo xay từ hôm trước má đổ vô cái bao bồng bột dằn cối đá lên cho khô, sau đó nắn xung quanh cái chai. Dừa khô má vắt một chén nước cốt đặc sệt để riêng, phần nước dão cho vô nồi bắt lên bếp. Chờ cho nước sôi, má dùng thanh tre vót mỏng cắt bột thành từng sợi cỡ chiếc đũa cho vào nồi nước đang sôi.

Chẳng còn thời gian dành cho nhau - 1

Ông xã và các con tôi dù đi đâu, làm gì, cứ đến bữa ăn là phải nhanh chân về nhà “ăn cơm của mẹ” (Ảnh minh họa)

Mấy người kỹ tính họ luộc bánh canh trước, sau đó vớt ra bỏ vô nước lạnh. Làm như vậy để bánh canh không bị lềnh. Nhưng nhà mình, ba với mấy anh con lại thích bánh canh tôm phải sền sệt mới ngon. Con nhớ khi bắt đầu cắt bánh thì rút bớt lửa để không bị khét. Khi nào thấy bột bánh nổi lên mặt là đã chín”- má vừa làm vừa chỉ cho tôi. Lần đầu nhìn thấy cái công đoạn làm bánh canh ngộ nghĩnh này, tôi thắc mắc: “Sao không mua bánh canh bột lọc ngoài chợ về làm cho khỏi mắc công hả má?”. Nghe tôi hỏi, má cười: “Thứ bánh canh đó ăn có mùi hôi, lại chua, ba với mấy anh con đâu có chịu ăn”.

Ra là vậy.

Xong đâu đó, má cho tôm và nửa chén nước cốt dừa vào, nêm nếm lại cho vừa ăn. Má dặn: “Con nêm hơi lạt một chút để lát nữa ăn còn cho thêm nước mắm, như vậy mới ngon”. Má múc bánh ra tô, rắc hành ngò, tiêu, chan thêm chút nước mắm nhĩ, chút nước cốt dừa. Tô bánh canh của má thơm lừng, ngọt lịm, béo nhức cả răng. Tôi nhìn ba và mấy anh em chồng của tôi sì sụp mà không khỏi thán phục má chồng tôi. Bất cứ thứ gì qua tay má đều trở thành cao lương mĩ vị đối với các thành viên trong gia đình.

Điều lớn nhất tôi học được từ má, bà mẹ quê một chữ bẻ đôi cũng không biết là “khi con nấu ăn, hãy dồn tất cả yêu thương trong đó thì không có cao lương mỹ vị nào ngon bằng”. Có lẽ chính vì vậy mà ông xã và các con tôi dù đi đâu, làm gì, cứ đến bữa ăn là phải nhanh chân về nhà “ăn cơm của mẹ”. Với tôi, việc đó tuy vất vả nhưng lại là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng bởi giữa bộn bề cuộc sống, rất nhiều gia đình chẳng còn thời gian dành cho nhau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Mai (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN