Chân dung cô nàng thảo mai

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Trước mặt mọi người, Nhung luôn thể hiện mình thật dịu dàng, chu đáo. Nhưng sau lưng, và nhất là khi không được như ý muốn, cô nàng mới hiện nguyên hình là một kẻ lẻo mép và xấu tính.

Vừa mới ra trường, Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) nhanh chóng xin ngay được vào một công ty truyền thông có tiếng tại Hà Nội nhờ tài ăn nói khéo léo. Ở cơ quan, Nhung luôn thể hiện mình là người rất biết điều và chu đáo với mọi người. Nhung khiến các anh chị em đồng nghiệp đều mát lòng mát dạ với những lời khen: “Hôm nay chị mặc bộ váy này đẹp quá, trông như gái 20 ấy. Em còn phải chạy theo dài”, “Anh Tiến dạo này trông phong độ quá, thế này thì vợ anh tha hồ mà thấp thỏm lo chồng bị cô khác bắt mất”, “Cậu mua cái túi này đẹp thế, quả là tinh tế và có mắt thẩm mỹ. Cho tớ xin địa chỉ đến mua cái”. Nhưng ít ai ngờ rằng, sau lưng họ, Nhung lại buông những lời chê bai trái ngược.

Sau một thời gian làm việc, không yên phận làm vị trí nhân viên bình thường, Nhung đã nhắm ngay đến vị trí trưởng nhóm hiện sắp thay đổi nhân sự. Chiến dịch lấy lòng sếp đã được Nhung vạch ra tỉ mỉ. Mỗi khi có mặt sếp, Nhung đều hết lời ca ngợi, thậm chí còn viết những điều tốt đẹp về sếp, có công việc vặt gì như chuyển công văn giấy tờ, Nhung đều hăng hái đảm nhận. Thỉnh thoảng buổi trưa Nhung lại mời sếp đi ăn với lý do là cần xin ý kiến của người đi trước. Hết giờ làm, Nhung cũng hăng hái nhận nhiệm vụ đón con của sếp ở trường khi sếp có công việc chưa giải quyết xong ở công ty.

Nhưng “nỗ lực” phục vụ 24/24 của Nhung đều đổ xuống sống xuống biển khi vị trí đó được sếp chỉ định cho người khác trong nhóm. Theo sếp, lý do Nhung không được chọn là vì kinh nghiệm còn ít, năng lực thực sự chưa đủ để có thể vào vị trí trưởng nhóm.

Chân dung cô nàng thảo mai - 1

Nhung luôn chọn giờ nghỉ trưa để thực hiện "chiến dịch" nói xấu sếp (Ảnh minh họa)

Nhung ấm ức lắm, quay sang nói xấu sếp với đồng nghiệp. Ngày nào công ty cũng là nơi để Nhung xả stress. Tất cả những gì ở sếp vốn được Nhung khen trước đây là trẻ trung, tâm lý thì bây giờ đối nghịch lại thành xấu xí, nhăn nheo và khó tính, bảo thủ… “Ngày nào chúng tôi cũng bị Nhung tra tấn tai bằng những gì liên quan đến sếp mà Nhung không vừa lòng. Chẳng bù trước đây đi đâu Nhung cũng cũng một câu sếp, hai câu sếp. Bây giờ thì không thiếu những lời khó nghe”, chị Thanh, một đồng nghiệp của Nhung than vãn. Còn Hoa, một đồng nghiệp khác nói: “Lúc này chúng tôi mới ngỡ ngàng nhận ra bản chất của Nhung. Có lẽ đằng sau lưng chúng tôi, Nhung cũng chẳng nói nhũng lời tốt đẹp, nhất là khi Nhung không đạt được mục đích”.

Không chỉ nói xấu, nhiều lúc Nhung còn công khai dựng chuyện về sếp. Quá thất vọng, các chị em cùng phòng muốn cho Nhung một bài học vì đối với họ, sếp là một người đáng kính trọng. “Bất kể ai mới vào làm việc đều được sếp chỉ bảo hướng dẫn công việc một cách tận tình, chưa ai nghe thấy sếp to tiếng với bất kì nhân viên nào mà chỉ nhắc nhở để lần sau sửa”, chị Thanh nói.

Giờ nghỉ trưa luôn là thời gian để Nhung “thực hiện chiến dịch” vì biết rằng sếp không bao giờ đến vào thời gian đó. Hôm nay thì khác, chị em trong phòng đã bí mật đồng loạt nêu ý kiến với sếp và muốn sếp được tận mắt chứng kiến con người hai mặt của Nhung. Vẫn như mọi khi Nhung bắt đầu “chém gió”: “Mụ sếp có cái eo bánh mỳ mà lúc nào cũng thích mặc váy bó… Nhìn mụ ý qua thì thấy trẻ trung, nhìn gần vào thì mặt nhăn như quả táo tầu”. “Lúc đầu tưởng sếp là người biết nhìn người, ai ngờ lại chọn cái Trang làm vị trí trưởng nhóm. Rõ chả đáng mặt làm sếp”.

Trong lúc Nhung đang thao thao bất tuyệt kể thì sếp đã đứng ở cửa từ bao giờ. Nhìn thấy sếp, Nhung không nói được một lời nào, mặt đỏ lựng lên vì xấu hổ. “Từ lúc đó chị em trong phòng không phải bị tra tấn bởi những lời nói xấu của Nhung nữa. Chúng tôi làm như vậy cũng là bất đắc dĩ để Nhung rút kinh nghiệm mà thôi”, chị Thanh tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An Khê (Gia đình Việt Nam)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN