Bất mãn với cô em dâu kỵ tuổi
Chỉ tại cưới dâu út kỵ tuổi mà ba chồng tôi chết sớm, chuyện làm ăn của vợ chồng tôi liên tục thất bại đến nỗi tan hoang cửa nhà.
Tôi không ưa Phương Mai ngay từ lần đầu biết mặt. Cái gốc gác hèn mọn của cô ta khiến tôi mắc nôn mửa khi biết cô ta cưa cẩm cậu em chồng đẹp trai, học giỏi, thông minh của mình.
Ngày Quân đưa Mai về ra mắt gia đình, tôi đã kéo cậu em chồng ra sau nhà: “Kiếm chi đứa ở hốc bà tó, quê ran quê rít như vậy? Bỏ đi, chị làm mai cho”. Quân nhìn tôi cười: “Chuyện này em tự lo được, chị hai đừng bận tâm”.
Tôi không bận tâm sao được khi cô em họ xinh đẹp của tôi bị Quân từ chối thẳng thừng khi tôi mai mối. Ý tôi muốn chị em về làm dâu một nhà, có gì cũng dễ ăn nói, tài sản sau này thừa kế cũng không bị lọt ra ngoài.
Vậy mà cậu em chồng tôi năm lần, bảy lượt nói thẳng: “Em không hợp với Trà Mi, chị hai đừng nói vô nữa”. Mới đầu tôi còn tưởng Quân chê cô em họ của tôi vì lý do này khác, đến khi tôi biết Quân đã có Phương Mai thì sự tức giận trong tôi càng dâng cao độ.
Cơ hội “trả thù” đã đến khi tôi phát hiện Phương Mai tuổi mão. Vậy mà Quân và cô ta đã thông đồng với nhau để lừa cả nhà tôi khi nói rằng Phương Mai tuổi thìn. Tôi mừng khấp khởi, nói ngay với ba chồng tôi: “Con Mai tuổi mèo chớ không phải tuổi rồng đâu ba. Tụi nó xúm nhau gạt ba má đó, con mà không phát hiện để ngăn chặn thì sau này cưới về cả ba và thằng Quân đều bị nó hại chết”.
Tôi nói vậy là vì biết ba chồng tôi rất mê tín dị đoan. Con cái trong nhà cưới vợ gả chồng, ông đều coi tuổi rất kỹ và nhất quyết không chấp nhận tuổi “kỵ”. Vậy là Phương Mai tiêu rồi bởi cả ba chồng lẫn em chồng tôi đều tuổi chuột, đều kỵ tuổi với cô ta.
Sự việc diễn ra đúng như suy tính của tôi. Ba chồng tôi đùng đùng nổi giận, mắng cả cha mẹ Phương Mai vì cái tội gian dối tuổi tác của con gái. Tất nhiên là không đời nào ba chồng tôi đồng ý cưới Phương Mai cho Quân. Tôi lại mơ đến cơ hội cho cô em họ Trà Mi.
Thế nhưng tính toán của tôi lần này đã sai. Quân kiên quyết lấy Phương Mai dù ba chồng tôi tuyên bố: “Lấy nó thì coi như từ nay mày không còn quan hệ gì với cái nhà này”. Tôi mở cờ trong bụng. Bất chiến tự nhiên thành. Coi như gia sản nhà này sẽ về tay chồng tôi, mà về tay chồng tôi tức là về tay tôi. Mấy cô em chồng là “con gái ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài”, không có cửa phân chia tài sản với vợ chồng tôi.
Đám cưới Quân do cơ quan tổ chức. Tôi không dự với lý do “không dám cãi lời ba”. Nghe nói đám cưới nhỏ xíu, chỉ đãi có 4-5 bàn. Tôi nghe mà hả hê trong dạ. Sau đám cưới chừng 1 tháng, má chồng tôi bảo: “Vợ chồng con đưa cho thằng út 2 cây vàng để nó mua nhà. Coi như phần của má cho tụi nó”. Tôi cằn nhằn: “Sao kỳ vậy má? Ba đã nói là từ chú út rồi mà? Với lại tụi con cũng đâu có tiền?”. Má tôi vẫn khăng khăng: “Tụi bây làm sao đó thì làm, phải có cho nó”.
Đúng là bực bội. Má chồng tôi vẫn cưng thằng út nhất nhà mà. Cái gì cũng lòn nhét cho nó, sau này tôi phải cẩn thận mới được.
Tôi bấm bụng đưa cho vợ chồng Quân 2 cây vàng và bảo cậu ta: “Cái này anh chị cho mượn, khi nào có thì gởi lại cho anh chị”. Quân cảm ơn tôi, còn Phương Mai thì làm thinh. Tôi thấy cô ta thật đáng đời.
Đám cưới Quân chưa được 1 năm thì ba chồng tôi đổ bệnh. Ông bị tai biến, sau đó nằm một chỗ. Tôi lại càng có cớ đổ lỗi cho cái vụ kỵ tuổi của Quân với Phương Mai. Tôi nói với má chồng: “Đó, má thấy chưa? Đã nói kỵ tuổi mà không nghe? Bây giờ nó hại chết ba, mai mốt nó hại tới chú út…”. Má tôi gạt đi: “Hại gì? Ổng cao huyết áp từ hồi nào tới giờ chớ có phải mới bị đâu? Đừng có hỡ ra là kỵ tuổi…”.
Hừ, đúng là bênh con út, nói gì cũng không nghe. Thôi, từ nay không nói nữa. Đã định như vậy nhưng không nói không được. Sau khi ba chồng tôi bệnh nằm xuống thì công việc làm ăn của chồng tôi cũng thất bại. Mới đầu là chiếc ghe chài chở hàng từ Sài Gòn về bị chìm sau khi đâm phải một chiếc ghe khác. Không chỉ mất hết hàng trên ghe mà tôi còn phải đền cho chủ ghe kia vì kết quả điều tra tai nạn cho thấy lỗi thuộc về chiếc ghe chài của tôi.
Chúng tôi chưa gượng dậy sau tai nạn thì đứa cháu quản lý cửa hàng trên thị xã ôm tiền đi mất. Chẳng những vậy, nó còn để lại một khoản nợ mà tôi phải bán luôn cửa hàng mới trả hết. Tôi càng oán hận Phương Mai. Nếu không có chuyện cô ta kỵ tuổi thì đâu có tang hoang như vầy…
Tôi nhất quyết đòi nợ. Lúc đó Phương Mai mới sinh con đầu lòng được mấy tháng. Tôi bảo: “Bây giờ anh chị khó khăn lắm, sợ rồi cơm không có mà ăn; chú thiếm coi làm sao trả lại cho chị 2 cây vàng chị đưa hôm trước”. Phương Mai tái mặt: “Dạ, tụi em cũng định sau này sẽ trả cho anh chị, còn bây giờ em không có…”. Tôi dứt khoát: “Làm sao trong tuần này phải có đưa lại cho anh chị”.
Đời thuở nào chị em bạn dâu mà thuận thảo, yêu thương nhau thật lòng? (Ảnh minh họa)
Không biết Quân mượn ở đâu nhưng 3 ngày sau đã đem đủ số vàng trả lại cho tôi. Thật tình là tôi cũng khó khăn quá nên mới đòi chứ thật ra 2 cây vàng đối với tôi có lúc cũng giống như 2 phân vàng, tôi có thể bỏ quên đâu đó trong nhà mà không cần nhớ…
Ba chồng tôi nằm một chỗ đúng 10 năm rồi mất. Thú thật, tôi không bao giờ tưởng tượng nổi có lúc mình lại khốn khó như vậy. Hôm ba chồng tôi đi, trong nhà không còn lấy một đồng. May mà cô em chồng thứ tư đem về cho mấy chục triệu để chợ búa. Hòm quách thì không phải lo vì ba má chồng tôi đã chuẩn bị sẵn dưỡng thọ cho mình. Trong cái rủi đúng là cũng có cái may.
Đám tang ba chồng tôi chỉ có Quân và hai đứa nhỏ về. Dù ba tôi không dặn nhưng tôi cũng đánh tiếng không cho Phương Mai về vì sợ vong linh ba chồng tôi nổi giận. Nhiều người hỏi thăm, tôi đều bảo rằng ba tôi trăn trối không cho dâu út về vì ông vẫn chưa hết giận chuyện Quân cãi lời, lấy vợ kỵ tuổi.
Ba chồng tôi mất chưa bao lâu thì má chồng tôi cũng đột ngột ra đi dù bà còn rất khỏe. Tôi lại nghĩ, đúng là do con dâu út kỵ tuổi nên mới mang xui xẻo về cho nhà tôi liên tục như vậy. Lần này tôi cũng cấm cửa, không cho cô ta về chịu tang. Sau này tôi nghe kể lại, Phương Mai có về nhưng chỉ ở ngoài đường quỳ lạy. Đúng là đồ mặt dày, người ta đã cấm cửa mà còn cố tình đem xui xẻo về.
Ba má chồng tôi mất, mối dây liên hệ giữa chồng tôi và các em trở nên lỏng lẻo vô cùng. Mọi người chỉ tụ tập về ngày giỗ, Tết, còn lại thì chẳng thấy ai léo hánh. Mà tôi cũng không muốn ai tới lui làm gì bởi bây giờ vợ chồng tôi đã không gượng dậy nổi sau những lần làm ăn thất bại.
Vườn đất của ba má chồng tôi cũng đã bị cầm cố. Quá hạn trả nợ lâu rồi, nghe nói người ta đã làm thủ tục để sang tên. Lẽ ra chuyện này đã xong nhưng sao tới giờ vẫn chưa thấy động tĩnh. Thôi kệ, chừng nào thì chừng, trước sau gì thì đất đó cùng thuộc về người khác.
Chuyện này chồng tôi không dám nói với các em chồng vì sợ tụi nó phản ứng. Riêng tôi thì không sợ bởi sau chuyện chú út cưới vợ không vừa ý cha mẹ, ba chồng tôi đã nghe lời, sang tên toàn bộ đất vườn, nhà cửa cho chồng tôi đứng tên. Coi như đó là tài sản của vợ chồng tôi nên chẳng cần phải hỏi ý kiến đám em chồng.
Làm ăn thất bại, chồng tôi chán nản sinh rượu chè. Ngày nào anh cũng nhậu. Cho tới một bữa cách nay hơn 2 tháng, chồng tôi đi nhậu về, tự tông xe vô cột điện, chấn thương sọ não, gãy chân. Bệnh viện yêu cầu tạm ứng chi phí 60 triệu đồng. Tôi chết điếng. Bây giờ mà có bán hết tài sản trong nhà cũng không đào đâu ra số tiền đó.
Tôi quýnh quáng gọi điện cho mấy cô em chồng nói rõ sự tình. Tụi nó hộc tốc về, mang theo 60 triệu đồng đóng cho bệnh viện. Nhờ vậy, chồng tôi đã được mổ kịp thời, giữ được mạng sống. Tôi nghĩ trời phật cũng còn thương tình…
Ngày chồng tôi ra viện, tôi nhìn biên lai thanh toán tất cả các khoản chi phí từ khi nhập viện mà xanh mặt: Gần 150 triệu đồng! Tất cả đều do mấy cô em chồng tôi lo liệu. Giờ tôi mới thấy tấm lòng của tụi nó chớ hồi nào tới giờ, tôi chỉ chăm chăm giành giật tài sản với chúng. Số tiền đó, tôi làm sao mà trả được đây?
Càng nghĩ thương mấy cô em chồng, tôi càng giận vợ chồng Quân. Tụi nó về thăm rồi đi, chẳng cho một đồng! Nhân lúc vui chuyện, tôi nói với mấy cô: “Vợ chồng thằng út thiệt tệ. Anh hai bị như vậy, mấy cô lo hết, còn tụi nó khá giả mà không hề cho một đồng. Tôi thấy mặt con Mai câng câng thấy ghét. Giàu có gì mà lên mặt? Có cho ai được đồng nào mà lên mặt…”.
Mấy cô em chồng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi cô em thứ năm lên tiếng: “Không phải vậy đâu chị hai. Tiền bạc từ trước tới giờ tụi em đưa cho anh chị, cả tiền anh hai nằm viện lần này cũng là của tụi nó nhưng mợ út không cho tụi em nói…”.
Tôi tưởng mình nghe nhầm. Tiền của vợ chồng thằng út? Cả tiền đám tang ba má chồng tôi cũng là tiền của tụi nó. Chưa hết, vợ chồng thằng út cũng đã trả hết số nợ chồng tôi cầm cố đất. Thảo nào mà mãi chẳng thấy người ta làm thủ tục sang tên…
“Chị nên lên thăm tụi nó, nói phải quấy và cám ơn một tiếng… Nếu không có tụi nó, chưa chắc anh hai đã qua khỏi…”. Cô em chồng thứ tư căn dặn như vậy trước khi ra về.
Thú thật là tôi chẳng thể nào tin được chuyện lại như vậy. Phương Mai không giận hay là cố chứng tỏ cho tôi thấy bây giờ tiền bạc đối với cô ta không thành vấn đề? Gởi tiền về mà không cho nói là nghĩa làm sao? Cô ta có ý gì? Đời thuở nào chị em bạn dâu mà thuận thảo, yêu thương nhau thật lòng?
Chắc chắn là Phương Mai muốn trả thù tôi bằng cách này đây. Như vậy, tôi càng ghét cô ta hơn. Thế nhưng… nghĩ cho kỹ thì tôi đã mắc nợ cô ta quá nhiều. Tôi nợ cả tiền lẫn, tình. Nợ thì phải trả mà tôi thì không có tiền. Giờ tôi mới biết nghèo nó nhục như vậy.
Nghĩ tới chuyện phải vác mặt đến gặp cô em dâu để hạ mình xuống cảm ơn cô ta, tôi chỉ muốn chết phức cho xong…
Xem thêm các bài viết liên quan: