Á khoa Báo chí: Học cho mẹ được ngẩng cao đầu
Chàng trai dân tộc Cao Lan Lại Ngọc An vừa vinh dự nhận học bổng Vừ A Dính và được Chủ tịch nước tuyên dương.
Gặp tân Á khoa trường Học viện báo chí – Tuyên truyền sau lễ vinh danh, chúng tôi cảm nhận được rất rõ niềm vui sướng vẫn hiển hiện trên khuôn mặt cậu. Chàng trai dân tộc Cao Lan với nước da ngăm đen, nụ cười tươi rói, hồ hởi: “Em muốn được lên báo, cầm tấm bằng khen chủ tịch nước trao tặng để mẹ em trong Sài Gòn nhìn thấy”. Cậu con trai hiếu thảo trong giây phút hạnh phúc nhất vẫn luôn nghĩ về người mẹ đang tần tảo mưu sinh nơi đất khách quê người.
“Học cho mẹ được ngẩng cao đầu”
Lại Ngọc An (sinh năm 1996) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ chia tay từ lúc An chưa đầy 7 tháng tuổi nên cậu phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương và sự dạy dỗ của cha.
Lên 5 tuổi, mẹ An bắt đầu vào Sài Gòn mưu sinh, cậu sống ở quê với bà ngoại và người bá (chị gái của mẹ).
Chàng trai dân tộc thiểu số khiến nhiều người khâm phục bởi nghị lực mạnh mẽ
Ngọc An chia sẻ: “Hồi nhỏ, mỗi khi mình khóc đòi mẹ, bà đều nói dối mẹ đi chợ chưa về. Mình cứ đứng, ngồi ở đầu ngõ ngóng mẹ hết ngày nọ, qua ngày kia nhưng không thấy. Lớn lên một chút mình mới biết, mẹ phải vào Nam làm thuê trong quán ăn để nuôi mình và ngoại”.
Gánh nặng áo cơm đè lên vai mẹ khiến An không khỏi xót xa. An chia sẻ, mẹ cậu không chỉ vất vả mưu sinh mà còn phải chịu nhiều điều tiếng trong làng như: không giữ nổi chồng, sinh con hoang rồi bỏ về nhà mẹ… Bản thân An hồi nhỏ phải sống trong mặc cảm khi bị bạn bè trêu chọc, bàn tán chuyện mình không có cha, phải mang họ mẹ…
Nhưng những “điều tiếng” đó là chính là động lực để An vươn lên trong cuộc sống. An bảo: "mình phải học cho mẹ được ngẩng cao đầu".
Suốt những năm cấp một, An là học sinh giỏi. Lên cấp hai, An thi đỗ vào trường dân tộc nội trú của huyện, học xa nhà 25 cây số.
An tâm sự: “Nhà nghèo nên em quyết tâm thi vào trường nội trú để mẹ và ngoại đỡ vất vả. Nhưng đi học xa nhà, phương tiện đi lại lại khó khăn nên mỗi lần nhớ ngoại, em phải mượn xe đạp chạy về, lùa vội bát cơm lại vội vàng quay về trường trả xe cho họ”.
Năm 2010, An thi đỗ vào trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Mọi người vui vì An được học trong môi trường tốt, còn An chỉ vui vì mẹ bớt đi được một phần vất vả.
Suốt ba năm phổ thông, An luôn là học sinh giỏi toàn diện và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử. Trong kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua, An đã xuất sắc đạt 26 điểm (9,5 điểm môn Địa, 9 điểm môn Sử và 8 điểm môn Văn), trở thành Á khoa của trường HV BC&TT và là thủ khoa của khoa Phát thanh – Truyền hình.
Ngọc An còn vinh dự nhận được học bổng Vừ A Dính, được vinh danh trong “Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2014” và được Chủ tịch nước tuyên dương.
“Ông hoàng” môn Sử
Đó là biệt danh các bạn trong lớp đặt cho An suốt 3 năm THPT, đơn giản bởi An có biệt tài ghi nhớ tất cả các sự kiện lịch sử. Chỉ cần học qua một lần, An đã có thể nhắc lại “vAch vách” các mốc sự kiện. Đặc biệt, An có niềm say mê với nền văn hóa của các triều đại phong kiến VN mà theo An "chỉ học Sử mới có được".
Trở thành tân sinh viên của trường Học viện báo chí - Tuyên truyền. Ngọc An quyết tâm "săn" học bổng
Cô Thu Hương (cô giáo chủ nhiệm lớp phổ thông của An) chia sẻ: "Được nghỉ ôn thi trước một tháng nhưng An vẫn thường xuyên tới tìm tôi để trao đổi về các môn học và tâm lý trước khi thi. An đã nhiều lần nói với tôi, em quyết tâm phải đỗ đại học để lo cho bà và mẹ".
An chia sẻ: “Để học tốt Văn, Sử, Địa cũng cần có bí quyết. Bí quyết của mình rất đơn giản, với môn Sử, mình thường gắn các mốc sự kiện với những ngày kỷ niệm, đáng nhớ của bản thân. Với môn Văn, mình thường đọc thật nhiều sách văn học, những bài văn tham khảo, văn mẫu, những câu chuyện bên lề… Còn với môn Địa, mình chỉ cần học thuộc kết hợp với việc tư duy về các hiện tượng, điều kiện tự nhiên, xã hội".
Chia sẻ về lựa chọn ngành báo, An cho biết: "Mình muốn được tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh nên quyết định thi vào ngành báo. Hơn nữa, mình cũng muốn được lên truyền hình để mẹ và ngoại nhìn thấy”.
Trở thành tân sinh viên báo chí, An cũng đặt ra rất nhiều mục tiêu cho mình: "quyết tâm săn học bổng để giúp mẹ phần nào tiền học phí". An cũng đăng ký tham gia nhiều CLB trong trường như “CLB Báo chí điều tra”, “CLB MC”… để trau dồi kiến thức cũng như tích lũy kinh nghiệm.
Vẫn nụ cười rạng rỡ, chàng trai đất tổ chia sẻ: “Chặng đường mới đầy gian nan, thử thách với em giờ mới chính thức bắt đầu”.