Vùng giáp ranh, nơi ẩn mình của tội phạm: Sào huyệt giang hồ
Các tuyến đường chằng chịt, hàng ngàn nhà trọ ở khu vực giáp ranh khó quản lý thành “đất hứa” của các băng nhóm.
LTS: Từ lâu vùng giáp ranh TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai được xem là đất sống, nơi đứng chân của nhiều băng nhóm. Ba địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp để tấn công tội phạm, giữ gìn trật tự. Hàng loạt băng nhóm bị triệt hạ, các trọng án được khám phá nhưng khu vực này vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trong cuộc làm việc với ba tỉnh, thành mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, nhận định: Các nhóm tội phạm từ Hải Phòng, Nghệ An, miền Trung, miền Tây… tập trung về khu vực vùng giáp ranh để gây án. Các băng nhóm hoạt động liên kết, có vũ khí “nóng” mang dáng dấp các băng nhóm tội phạm của nước ngoài làm người dân cảm thấy mất an toàn, không bình an.
Khu vực phức tạp
Vùng giáp ranh đã và đang được xem là sào huyệt, nơi đứng chân của nhiều băng nhóm tội phạm từ các nơi vì hội tụ quá nhiều yếu tố cho tội phạm hoạt động. Từ giao thông, địa lý đến tính chất phức tạp của các thành phần đến sinh sống ở đây.
Khu vực này có nhiều khu công nghiệp như Sóng Thần, Vsip (Bình Dương), Linh Trung (TP.HCM) và Khu công nghiệp 1 và 2 (Đồng Nai) với hàng chục ngàn công nhân, người nhập cư. Bao bọc điểm nóng là những cung đường liên kết (quốc lộ 1A, cầu Đồng Nai - quốc lộ 1K - cầu Hóa An; đường 743B - ngã ba Tân Vạn - quốc lộ 1K - cầu vượt Linh Trung - quốc lộ 13) rất dễ dàng cho băng nhóm phạm tội di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác sau khi gây án.
Vùng giáp ranh còn có sông lớn với nhiều kênh rạch vắt qua các tỉnh thành, thuận tiện cho tội phạm lẩn tránh. Cùng với hàng trăm ngàn công nhân, sinh viên khắp nước đến sinh sống, học tập, lao động là hàng chục ngàn nhà trọ cho đủ mọi thành phần, lứa tuổi thuê trọ rất khó kiểm soát. Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ, tiệm massage, karaoke trá hình mọc lên như nấm sau mưa.
Thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương), khái quát: Các băng nhóm giang hồ gốc Bắc như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và miền Tây... có đủ ở vùng giáp ranh. Bọn chúng chủ yếu thuê nhà ở những khu có nhiều công nhân, gần khu công nghiệp, nhà hàng, quán karaoke… lôi kéo những thành viên bất hảo vào băng nhóm để “làm ăn”.
Một nhóm nghi can bị bắt giữ cùng hung khí khi chuẩn bị thanh toán trong đợt cao điểm tổng tấn công tội phạm vùng giáp ranh vừa qua. Ảnh: ND
Nhưng không phải chỗ của giang hồ tay mơ
Mảnh đất màu mỡ cho giang hồ, tội phạm nhưng muốn hoạt động khu vực này cũng không hề dễ. Các băng nhóm cũng phải cạnh tranh khốc liệt mới có chỗ làm ăn. Để có chỗ đứng, các băng nhóm phải đủ liều và ma mãnh để tranh giành địa bàn, đối phó với công an.
Theo một tay anh chị ở Dĩ An, muốn ngoi lên hàng “anh chị”, các đại ca thường làm vài vụ đâm thuê, chém mướn, đòi nợ… để tạo tiếng vang. Sau đó đàn anh sẽ tuyển lựa, tập hợp những thanh niên có tiền án, tiền sự, thích ăn chơi và máu liều để cạnh tranh với các băng nhóm đang hoạt động.
Nhiều băng nhóm từng làm mưa làm gió địa bàn giáp ranh theo công thức trên: Bắt đầu bằng những vụ phạm pháp rồi ngoi dần lên vị trí đại ca. Băng Tuấn “chó” (Vũ Đức Tuấn, quê Nghệ An), Mười Thu (Nguyễn Trọng Mười, quê Nghệ An) trấn giữ Bến xe Lam Hồng cũng bắt đầu bằng con đường trên. Băng Minh “đen” (Nguyễn Văn Minh, quê Hà Tĩnh), băng nhóm Nguyễn Thị Hồng Loan… chuyên trộm cắp, đâm chém, bảo kê, cưỡng đoạt tài và sẵn sàng “nói chuyện” với bất cứ ai có mâu thuẫn bằng dao búa cũng không ngoại lệ.
Liên kết cả nước
Theo nhận định của Bộ Công an, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm đang thay đổi.
Nếu như trước đây các băng trộm cắp hoạt động riêng lẻ thì hiện nay có sự liên kết rất chặt. Các băng nhóm tội phạm tại chỗ liên kết với tội phạm lưu động; liên kết giữa trộm cắp với tiêu thụ, làm giả giấy tờ, văn bằng, con dấu…
Nhận định tình hình tội phạm năm 2015 tại khu vực phía Nam, Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết: Các băng nhóm có xu hướng chuyển hóa, đan xen giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và thỏa hiệp về địa bàn hoạt động, tính chuyên nghiệp của tội phạm ngày càng cao.
“Có khá nhiều băng nhóm là đồng hương, vùng miền hoạt động đủ lĩnh vực từ trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy, tiêu thụ tài sản…” - Trung tá Bùi Thành Chung, Phó Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Đặc biệt gần đây sự liên kết giữa tội phạm trong và ngoài địa phương có chiều hướng gia tăng, thách thức việc điều tra. Vì vậy không lạ khi nhiều công ty bị trộm mà đồng phạm là công nhân, bảo vệ… là người chỉ điểm, bắt tay với các băng nhóm. Các băng nhóm còn liên kết khắp nước, điều người nơi khác đến thực hiện các phi vụ đâm chém, trộm cắp, thanh toán nhau… để xóa dấu vết, đối phó công an.
Dù liều lĩnh, ranh ma nhưng hầu hết băng nhóm cướp giật, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản.... đều bị công an lập danh sách đưa vào tầm ngắm.
Kỳ sau: Các băng nhóm cộm cán vùng giáp ranh: Nhiều băng nhóm bị triệt phá nhưng vùng nóng này luôn “có chủ”…
Trong năm 2015, địa bàn giáp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương xảy ra 1.205 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, TP.HCM 795 vụ, Bình Dương 177 vụ, Đồng Nai 235 vụ. Án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng 61 vụ, chiếm 5,06%; các cơ quan công an đã điều tra, khám phá 966 vụ (đạt tỉ lệ 80,16%). Đáng chú ý tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra ngày càng nhiều. 254 băng nhóm tội phạm với 1.655 người có biểu hiện hoạt động trộm cắp, cướp giật, bảo kê, cho vay, cưỡng đoạt, đâm chém… đã được Cục Cảnh sát hình sự phía Nam (C45B - Bộ Công an) lên danh sách quản lý. |