Vụ án vườn mít: VKSND Tối cao nói có tội
TAND Tối cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
Ngày 19-6, TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên xét xử lưu động phúc thẩm hình sự (lần 2) vụ án “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” đối với bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, ngụ tỉnh Bình Phước) - thường gọi là “vụ án vườn mít”.
Tham dự phiên tòa, ngoài cha mẹ của người bị hại Thị Út (SN 1993), còn có 2 nhân chứng là Thị Hằng (SN 1995, tỉnh Bình Phước) và ông Điểu Ky. Các nhân chứng còn lại, trong đó Trần Văn Sinh (nguyên công an viên), vắng mặt dù tòa có triệu tập.
Theo cáo trạng của VKSND, sáng 12-11-2004, Mai thấy Thị Út và Thị Hằng mót củ sắn nên nảy sinh ý định hiếp dâm. Mai lấy xe máy rủ Út đến khu vườn mít (thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân) rồi đánh vào gáy cô bé bất tỉnh để hiếp dâm. Sợ bị lộ, Mai lấy quần của Út siết cổ cô bé đến chết. Đến ngày 16-11-2004, thi thể Út được phát hiện trong quá trình phân hủy.
Tại phiên tòa, nhân chứng Thị Hằng khai Mai đi xe máy đến chở Út đi, Hằng chạy xe đạp theo nhưng không kịp nên về kể lại cho người nhà. Hằng từng khai với công an viên Trần Văn Sinh là nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh-đen chở theo bình xịt thuốc rầy màu xanh, bình nước đá màu đỏ. Còn một số bản khai sau đó, Hằng khai rõ họ tên người thanh niên chở Út là Lê Bá Mai.
Trong phần tranh luận, đại diện VKSND Tối cao cho rằng do có lúc Mai nhận tội, lúc lại kêu oan nên cần xem xét tính phù hợp của các lời khai cũng như tính phù hợp của những đồ vật liên quan đến vụ án.
Lời khai của Hằng là khách quan “vì là người dân tộc thiểu số, còn nhỏ và là nhân chứng trực tiếp”. VKSND Tối cao đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng bị cáo Mai phạm 2 tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” như kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước.
Luật sư: Chứng cứ, lời khai đầy mâu thuẫn
Bào chữa cho bị cáo, luật sư Phan Long Ẩn (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng biên bản lời khai, biên bản hiện trường, chứng cứ vụ án rất mâu thuẫn. Hồ sơ vụ án khẳng định Út ăn củ sắn nhưng khám nghiệm tử thi không thấy sắn trong dạ dày. Củ sắn khi ăn phải có vết răng cắn nhưng phần còn lại thu tại hiện trường lại là vết cắt sắc ngọt của dao.
Hồ sơ vụ án thể hiện bình xịt thuốc rầy màu xanh, bình nước đá màu đỏ nhưng trang trại của ông Tuân không có những vật này. Lời khai của Hằng cho rằng có một người giống Mai chở Út đi chứ không khẳng định người đó là Mai. Theo điều 72 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Chung quan điểm, luật sư Trịnh Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng tới thời điểm này, VKSND vẫn không chứng minh được sự phù hợp trong các lời khai, đồng thời đề nghị tòa y án sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai vô tội.
HĐXX nhận định biên bản lời khai ban đầu của nhân chứng Hằng gây tranh cãi nhiều nhất; lời khai của bị cáo (lần 1) chỉ có bản khai ngày 16-11-2004 không nhận tội, 5 bản khai tại Công an huyện Bình Long (cũ) - Bình Phước đều nhận tội.
Lần 2 có tất cả 9 bản khai và 3 bản tự khai, trong đó, 5 bản khai Mai nhận tội, 4 bản khai không thừa nhận. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước ngày 24-5-2011 phân tích có mâu thuẫn với lời khai của bị cáo, nhân chứng và các vật chứng liên quan của vụ án nhưng lại không xem xét đánh giá các mâu thuẫn này mà tuyên bố Lê Bá Mai không phạm tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” là không thỏa đáng, bỏ sót người, sót tội.
Vật chứng... “lạ”
Ông Dương Bá Tuân (SN 1960, chủ trang trại nơi Mai làm thuê) cho biết khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu hủy án để điều tra lại thì trong biên bản không có bình xịt màu xanh và bình nước đá màu đỏ nhưng khi VKSND Tối cao vào kiểm tra, trong biên bản xuất hiện bình nước đá màu đỏ với chữ “thêm vào”!
Sau đó lại xuất hiện thêm bình xịt bằng inox và cái can nhựa màu vàng trắng, trong khi các vật dụng để xịt thuốc được ông Tuân cất trong container, khóa lại. Thời điểm tháng 11-2004, Mai đi trồng mì thuê, ông Tuân không kêu Mai xịt thuốc. Hai nhân chứng làm chung với Mai khẳng định trang trại ông Tuân không có bình xịt thuốc màu xanh cũng như bình nước đá màu đỏ.