Vỡ hụi triền miên

Sự kiện: Tin pháp luật

Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục xảy ra tình trạng vỡ hụi tiền tỉ khiến người tham gia lao đao. Thậm chí, nhiều người mất vốn, nợ nần phải bỏ xứ ra đi.

Trước đây, việc chơi hụi không được pháp luật cho phép. Song, Bộ Luật Dân sự 2015 đã công nhận chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này. Ngoài ra, Nghị định 19/2019 của Chính phủ cũng có những quy định cụ thể về điều kiện làm thành viên, làm chủ hụi cũng như quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý về dân sự lẫn hình sự của các bên.

Có thể thấy, việc chơi hụi từ trước đến nay tập trung chủ yếu ở những vùng nông thôn và bà con tiểu thương. Ở vùng nông thôn, bà con sau khi bán được con cá, mớ rau thì ngoài chuyện lo cái ăn trong nhà xong, số tiền còn lại dùng để chơi hụi như một kiểu tích góp để khi trong nhà có đám tiệc, ma chay… thì có tiền lo liệu. Ở các chợ, thay vì bỏ heo đất, bà con tiểu thương cùng nhau chơi hụi để vừa để dành vừa có lãi nhằm xoay xở nguồn vốn khi cần. So với lãi suất tiền gửi ngân hàng, lãi suất chơi hụi lúc nào cũng "ngon" và đỡ mất thời gian hơn nên bà con thường chọn cách này.

Trong khi đó, nhiều chủ hụi không có vốn nhưng vay tiền sắm sửa xe, tân trang nhà cửa… để tạo lòng tin. Sau đó, họ tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn khiến người chơi mất tiền. Những chủ hụi không bỏ trốn và không thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của các "hụi viên" thì "thoát" truy cứu hình sự. Ngược lại, các chủ hụi gian dối hoặc bỏ trốn nhưng sau đó bị khởi tố, bắt giam và bị phạt tù thì việc đòi lại tiền cũng khó trăm bề.

Theo thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Cần Thơ, từ năm 2018 tới nay, cơ quan này đã thụ lý điều tra 5 vụ tố giác tội phạm về việc tổ chức chơi hụi với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn. Trong đó, 1 vụ chủ hụi chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng nên bị xử phạt 18 năm tù, 2 vụ đã khởi tố vụ án với số tiền chiếm đoạt 5 tỉ đồng, 2 vụ còn lại đang trong quá trình xác minh.

Thượng tá Phạm Quốc Anh cho rằng thời gian qua, việc tổ chức chơi hụi và việc quản lý của chính quyền địa phương chưa thực hiện chặt chẽ theo quy định. Chủ hụi không thông báo với UBND cấp xã, phường nơi cư trú về việc tổ chức các dây hụi có giá trị một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên theo quy định; không thực hiện ký tên, điểm chỉ cho các hụi viên mỗi kỳ góp hụi, lãnh hụi… Vì vậy, chủ hụi dễ dàng dùng thủ đoạn gian dối (bán hụi, lấy tên của hụi viên để hốt hoặc lập các dây hụi ảo) để chiếm đoạt tài sản của hụi viên.

"Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc tổ chức chơi hụi, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn chiếm đoạt tiền hụi viên. Ngoài ra, hụi viên cần có mặt đầy đủ vào các kỳ mở, khui hụi; biết mặt và biết rõ nhân thân, lai lịch của những hụi viên cũng như chủ hụi trước khi quyết định chơi" - thượng tá Quốc Anh khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Cả xóm lo mất Tết vì vỡ hụi 7 tỉ đồng

Trong khi rất nhiều người mong mỏi được hốt hụi chót vào dịp Tết Nguyên đán tới đây để có tiền sắm sửa trong gia...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Quân ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN