Tử tù có thai: Nhìn từ góc độ pháp lý
Vụ nữ tử tù thoát chết bằng cách cố tình có thai trong trại giam tại tỉnh Quảng Ninh đã gây chấn động dư luận, đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Tử tù Nguyễn Thị Huệ bị dẫn giải về trại giam sau phiên xử sơ thẩm về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” - Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 6-1, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi; ngụ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) có thai hơn 25 tuần tuổi.
Vướng việc tìm ra “tác giả”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội), cho biết theo điều 35 Bộ Luật Hình sự quy định về án tử hình, trường hợp tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai trong thời gian chờ thi hành án tử hình sẽ được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân. Sau khi cơ quan chức năng đã làm rõ vụ việc, cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước ân xá, giảm án từ tử hình xuống chung thân cho Nguyễn Thị Huệ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thị Huệ đã tìm cách làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt tù về tội “Trộm cắp tài sản”) giúp đưa tinh trùng để tử tù này tự bơm vào cơ thể.
Theo luật sư Toàn, hành vi mua bán tinh trùng của Huệ có thể bị xử lý hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, Nguyễn Thị Huệ sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 2, điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP “Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản”. Theo đó, “phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật”.
Tương tự, người bán tinh trùng cũng chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP như Nguyễn Thị Huệ chứ chưa có quy định xử lý hình sự. Mặt khác, chưa có quy định về cưỡng chế để xác định ADN trong việc xác định “tác giả” đứa bé trong bụng nữ tử tù.
Có thể khởi tố vụ án
Phân tích về trách nhiệm của cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh, luật sư Trần Văn Toàn cho rằng khi để tử tù mang thai trong trại giam, trách nhiệm thuộc về cán bộ quản giáo trông coi phạm nhân.
Công tác giam giữ phạm nhân, đặc biệt đối với tử tù, được quy định nghiêm ngặt, chi tiết bởi Luật Thi hành án hình sự và một loạt văn bản liên quan hướng dẫn. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tạm giam, một chế định đặc biệt trong pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh có thể khởi tố vụ án để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
“Cán bộ trại giam có thể bị quy tội danh nào phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra có làm rõ được hình thức để tử tù thụ thai hay không. Trong vụ việc này, có nhiều nghi vấn cho rằng rất khó để thụ thai bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung mà có thể bằng một hình thức khác. Nếu như nữ tử tù cố tình thực hiện như lời khai nhận ban đầu mà cán bộ quản giáo không biết thì chỉ bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” - luật sư Toàn lý giải.
50 triệu đồng giúp mang thai Nguyễn Thị Huệ bị bắt từ tháng 4-2012 vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Trải qua 2 phiên tòa sơ thẩm năm 2014, Huệ đã bị tuyên án tử hình. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình bị giam giữ, Huệ đã làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”) giúp mình mang thai với giá 50 triệu đồng. Trong tháng 8-2015, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi ni-lông kèm theo bơm tiêm rồi để vào nơi Huệ sắp đặt trước. Sau đó, Huệ lợi dụng sơ hở trong thời gian được vệ sinh cá nhân vào buổi sáng để lấy túi tinh trùng mang vào nhà vệ sinh, dùng bơm tiêm tinh trùng vào tử cung… Đến khi VKSND và cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện thì tử tù Nguyễn Thị Huệ đã mang thai hơn 25 tuần. Thời gian Huệ dự sinh là vào cuối tháng 4-2016. |
Quản giáo từng để phạm nhân quan hệ với nữ tử tù Theo luật sư Trần Văn Toàn, nếu cán bộ quản giáo cố ý tạo điều kiện cho tử tù có thai sẽ phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nếu giả thiết cán bộ quản giáo tạo điều kiện để cho phạm nhân quan hệ tình dục trực tiếp với nữ tử tù thì sẽ là tình huống điển hình của tội danh này. Việc này đã diễn ra với 2 nguyên cán bộ quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình là Nguyễn Thuyên - bị xử phạt 60 tháng tù và Bùi Văn Quyết - lãnh 42 tháng tù cùng về tội danh trên. Hai cán bộ này 10 năm trước đã tiếp tay để tử tù Nguyễn Thị Oanh (ngụ tỉnh Thái Nguyên) quan hệ với người khác trực tiếp và có con. Dù vậy, theo luật sư Toàn, việc này cần phải được cơ quan điều tra của Quảng Ninh làm rõ, còn mọi giả định hiện nay chỉ mang tính tham khảo. |