Trẻ con “lạc lối”: Mặt măng sữa chứa tâm đen

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Nhìn những đứa trẻ ở tù mới thấy chúng quá già dặn, quá lọc lõi, quá lạnh lùng.

Trước khi tiếp xúc, tôi luôn tự nhủ rằng, trước mặt mình chỉ là những đứa trẻ. Nhưng chỉ một lát, những tâm niệm ấy lại bay đâu mất. Chúng quá già dặn, quá lọc lõi, quá lạnh lùng. Không chỉ phát triển về thể xác, những “mầm non” ấy đã già cỗi cả trong tâm hồn. Tôi sợ phải nhìn vào mắt chúng, bởi ở đó những tia sáng đã tắt từ lâu…

Nhàn cư vi bất thiện

Thằng bé ấy khi đặt chân vào trại mới hơn 16 tuổi. Dù trước đó khi đọc hồ sơ phạm nhân, Trung tá Nguyễn Văn Lâm - cán bộ Đội Giáo dục phân trại K1, Trại giam số 5 - Bộ Công an đã “phím” trước với tôi rằng: “Trẻ con mà phạm tội này thì cần phải hiểu rằng chúng chẳng hề “bé” như ta tưởng”. Thế mà lúc gặp Nguyễn Văn Hòa, tôi vẫn cứ giật mình.

“Thằng bé” của tôi cao hơn 1m7, chân tay vâm váp, rắn chắc cứ như thể nó đã 25 và đặc biệt, gương mặt già hơn tuổi rất nhiều. Nếu ở ngoài nhìn bộ dạng này, Hòa khai mình là vận động viên điền kinh chắc cũng khối người tin sái cổ. Có lẽ chính vì phát triển thế nên Hòa bảo, cháu vào đây vì tội “thích làm người lớn”, án phạt 8 năm. Cái tội nhạy cảm ấy được Hòa thực hiện với một cô bạn quen… qua điện thoại. Mà nào quen biết có lâu gì cho cam. Mới gặp nhau lúc 21h, chuyện trò dăm câu thế mà chỉ 2 tiếng sau nó đã dụ dỗ cô bé kia vào nhà nghỉ. Kinh khủng hơn, Hòa còn rủ rê thêm 3 đứa bạn nữa tham gia trò đồi bại. Nó kể lại câu chuyện cho tôi với giọng tưng tửng, chốc chốc lại mỉm cười. Với Hòa, cái chuyện “làm người lớn” ấy chẳng có gì xấu hổ, nó cười như thể - tôi, kẻ đang há hốc mồm nghe chuyện của “giới teen” - là một anh già cổ lai hy. Không hiểu sao, nhìn nụ cười của Hòa tôi chợt nhớ đến Nguyễn Đức Nghĩa. Nụ cười không có sự ăn năn.

Nhà Hòa nghèo, thế nên học đến lớp 8 thì nó bỏ. Bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho ruộng rồi lại quần quật với nghề chạm đá thuê kiếm miếng ăn. Thế nên, khi thấy con bỏ học ngang lưng cũng chỉ biết tặc lưỡi: “Ừ! Thì kiếm cái gì mà làm con ạ”. Nhưng Hòa biết làm gì? Ở cái xã Phú Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội này, 16 tuổi, không bằng cấp thì chỉ đi đánh giậm hoặc đẽo đá thuê. Đánh giậm thì có các vàng Hòa cũng chẳng làm. Nó gạt phắt câu hỏi vui của tôi bằng câu nói xách mé: “Chú điên à, thời buổi này thanh niên ai lại đi làm cái nghề ấy. Người ta cười chết”. Không đánh giậm thì Hòa đi đẽo đá vậy. Lương cũng không quá thấp, độ 180 nghìn đồng/ ngày, lại chẳng ai cười. Khốn thay cho nó (hay là cho bố mẹ nó), Hòa lại còn cái thú thích chơi game và “chat”. Dù sinh ra ở quê, nhưng Hòa cũng ra dáng dân phố lắm. Chết là chỗ đó.

Làm ít chơi nhiều, được đồng nào Hòa nướng vào “net” sạch. Nhờ cái thú ấy nó đã có người yêu quen qua mạng từ đời tám hoánh nảo nào rồi. Nhà cô người yêu lại mở quán “cà phê thư giãn” gần quốc lộ, bố mẹ nối đuôi nhau đi tù. Hai đứa càng rộng cẳng.

Lối sống lệch lạc

Hòa có đông bạn, người yêu nó cũng thế. Toàn dân chơi. Có tiền là tụ tập, đàn đúm. Không có tiền cũng tụ vạ, hội hè. Làm gì có người quản, chúng thích đi đâu thì đi. Tuy có người yêu, nhưng với Hòa khái niệm yêu là thế nào bản thân nó cũng rất mơ hồ. Thế cho nên tối hôm đó, khi người yêu gọi điện nhờ đón hộ đứa bạn, Hòa đã nảy ra ngay ý nghĩ đưa cô bạn của người yêu đi… nhà nghỉ. Hòa bảo, chuyện đó bình thường mà chú. Thanh niên bây giờ… toàn thế!?

Cô bạn của Hòa mới có tí tuổi đầu, đi chơi muộn là tính ngay chuyện kiếm chỗ ngủ nhờ. Hòa bảo, thanh niên chúng cháu dạt 1-2 đêm là chuyện thường. Nhưng Hòa chẳng để tâm đến một điều không bình thường là cô bạn của nó mới có 13 tuổi. Bây giờ thì Hòa đang ngồi tù. Thậm chí nó thú nhận: Cháu cũng chẳng còn nhớ mặt con bé đấy nữa. Gặp đúng một đêm rồi sáng ra “bái bai” luôn. Mấy tháng sau thì “hình như” có gặp lại tại tòa, nhưng cháu không nhìn mặt. Tôi nghe nó kể mà rợn người bèn hỏi: “Thế cháu nghĩ thế nào mà lại còn rủ thêm 3 đứa nữa cưỡng bức cô bé”. Hòa đáp tỉnh rụi: “Lúc ấy bọn cháu uống rượu cũng phê rồi. Với lại, mấy thằng kia cứ í ới điện thoại chửi cháu liên tục là ăn mảnh”. Rồi nó thanh minh: “Cháu đâu có biết chính vì thế mà hôm sau gia đình cô bé kia viết đơn tố cáo. Nếu biết cháu đã chẳng làm vậy”.

Lý do đi tù của Hòa nghe cứ trơn tuột và giản đơn đến đau lòng. Hòa kể, lúc mới bị bắt bọn cháu sợ lắm. Đứa nào cũng khóc tu tu. Ngay cả mẹ Hòa lúc nghe tin con bị công an tạm giữ cũng khóc sưng húp cả mắt. Tại công an huyện, người mẹ ấy cứ một mực thề thốt, nào nhà em có dạy con điều xấu bao giờ. Cứ nghĩ chúng nó đi chơi bạn bè với nhau ai ngờ nó lại sinh ra thứ việc đốn mạt ấy.

Pháp luật không trách người mẹ ấy, nhưng tôi không tin chị không ngờ được hậu quả mà Hòa gây ra ngày hôm nay. Mầm mống của tội ác đã vô tình được gieo khi gia đình quá dễ dãi với con trẻ. Không dạy con điều xấu có lẽ chưa đủ. Buông lỏng quản lý con cái trong một môi trường không lành mạnh, cộng với bản chất thích nổi loạn của thanh niên mới lớn chính là lý do khiến không ít đưa trẻ đã phải chôn vùi tuổi xuân và cơ hội của mình phía sau song sắt. Nhưng điều khủng khiếp nhất và cũng là điều mà hầu hết các cán bộ quản giáo Trại giam số 5 tâm sự với chúng tôi, đó là sự chai sạn đáng sợ trong chính tâm hồn những đứa trẻ “lạc đường”.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Long - Đức Tuấn ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN