Thủ đoạn 4.0 của những tay trùm ma túy

Trong thời đại hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, kết nối trên không gian mạng, tội phạm ma túy cũng triệt để lợi dụng để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến công tác phòng chống cũng ngày càng khó khăn, phức tạp.

Trốn nã ở nước ngoài vẫn điều hành nhiều đường dây tội phạm trong nước

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, hiện nay, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy (TPMT), đặc biệt là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình diễn biến hết sức phức tạp. Các tay trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây.

Dẫn giải Vũ Hoàng Oanh về nước

Dẫn giải Vũ Hoàng Oanh về nước

Vốn là những kẻ thừa ranh ma, xảo quyệt, những kẻ cầm đầu không bao giờ trực tiếp đứng ra giao nhận và vận chuyển ma túy - khâu yếu nhất trong toàn bộ hoạt động của đường dây bởi thường dễ dàng bị bắt giữ. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và mạng xã hội, chúng không cần ra mặt, chỉ đạo trực tiếp, ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ. Công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng là hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng có máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, zalo, Instagram, Viber, Telegram, Whatsap, Line, wechat, Signal... , sử dụng sim số điện thoại nước ngoài như: Anh, Mỹ, Campuchia... để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện. Sau đó, chúng chỉ đạo đàn em dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa pp, dạ dày lợn...). Mỗi khi trực tiếp sử dụng video call chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy,, kẻ cầm đầu đều dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh như: Mưu, Ốc, Vít, Mẩy, Khẹc, Tép, Búa, Kìm...., để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.

Bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”, SN 1965, tại Hải Phòng) là một ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành nhiều đường dây ma tuý. Sau khi trốn truy nã sang Campuchia mở sòng bài ngay tại khu vực biên giới, Oanh "Hà" vẫn tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy. Bà trùm này chủ yếu điều hành qua điện thoại với sim số nước ngoài, sử dụng các mạng xã hội; dùng tên giả, xe ôm công nghệ để nhận và vận chuyển ma túy trong nước, các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia,… Ma túy được bà trùm gom về tập kết tại các kho ở khu vực biên giới, sau đó chỉ đạo đám tay chân thân tín vận chuyển từ Campuchia qua cửa khẩu Thomo (Long An) về TP Hồ Chí Minh. “Hàng” sẽ được giao cho các đầu nậu trên địa bàn TP hoặc đưa ra Hà Nội, Hải Phòng, vận chuyển sang nước thứ 3 tiêu thụ. Với thủ đoạn này, dù đám tay chân lần lượt bị bắt, rất nhiều kẻ đã lãnh án tử, Oanh "Hà” vẫn ung dung ở các sòng bài tại khu vực cửa khẩu Campuchia, tiếp tục lập đường dây ma túy xuyên quốc gia với những "con thiêu thân" mới. Thế nhưng, "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", sau khi liên tiếp lập 2 chuyên án, bắt gọn cả đường dây ma tuý xuyên quốc gia nhưng chưa tóm được kẻ cầm đầu, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Vũ Hoàng Oanh. Bà trùm này cũng bị Tổ chức Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã “đỏ”. Xác định với những kẻ có đến 7 tiền án như Oanh “Hà”, chắc chắn bà ta sẽ không dừng hoạt động phạm tội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã lên kế hoạch “giăng lưới”. Ngày 23/9/2022, Cục phối hợp cùng Cơ quan đại diện Bộ Công an tại nước ngoài và các lực lượng chức năng Campuchia tóm gọn bà trùm Vũ Hoàng Oanh cùng một số đàn em và đối tượng Nguyễn Ngọc Sơn bị Công an tỉnh Quảng Ninh truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép chất ma túy, dẫn giải về Việt Nam chịu án. Sau khi bà trùm Oanh “Hà” bị bắt, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp tục mở rộng vụ án, đến nay đã khởi tố, bắt giữ gần 40 đối tượng, thu 131 kg ma túy các loại, bước đầu làm rõ các đối tượng đã mua bán, tiêu thụ trái phép trên 1,6 tấn ma túy.

Một trang mạng tiếp thị cần sa dưới dạng “trà giảm cân”

Một trang mạng tiếp thị cần sa dưới dạng “trà giảm cân”

Bán ma túy qua kênh thương mại điện tử

Lợi dụng sự phát triển rất nhanh chóng, phủ sóng rộng khắp của các trang thương mại điện tử, hiện nay, TPMT coi đây như một kênh thông tin, mua bán, giao dịch hiệu quả.

Các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram để quảng cáo, rao bán các chất ma túy, phổ biến nhất là cần sa. Bọn chúng đăng thông tin quảng cáo mua bán tiền chất ma túy, ngụy trang bài đăng bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử. Khi có người liên hệ thông qua hệ thống tin nhắn trên các trang này, chúng sẽ không trực tiếp trả lời các nội dung liên quan đến việc giao dịch để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng. Các đối tượng sẽ yêu cầu người mua liên hệ qua ứng dụng Messenger (ứng dụng nhắn tin trực tiếp của Facebook) hoặc chuyển sang một ứng dụng OTT khác như Zalo, Viber, Line,...để giao dịch.

Sau khi đã thống nhất, các đối tượng sẽ chuyển hàng đến cho người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang dưới dạng các sản phẩm như thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ vận chuyển như Grab, Go Việt, VN Post, Viettel Post… Đương nhiên, kẻ bán hầu như không bao giờ “xuất đầu lộ diện”, tuyệt đối không giao dịch trực tiếp để tránh bị lực lượng chức năng theo dõi, bắt quả tang hành vi vi phạm pháp luật.

Không chỉ dừng lại ở việc lập các tài khoản ảo, các đối tượng chủ mưu cầm đầu còn thành lập các hội, nhóm trên mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo, trao đổi, mua bán các loại chất gây nghiện, chất hướng thần, phổ biến nhất là cần sa, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”, “rượu 138” (rượu ngâm cành, quả tươi cây thuốc phiện). Còn đối với các loại ma túy nguy hiểm hơn như ma túy tổng hợp dạng đá, ketamine, các đối tượng lập ra các hội nhóm kín trên các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin OTT để trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán. Các hội nhóm kín hoạt động rất bí mật, kiểm soát chặt chẽ, chỉ bao gồm nhóm nhỏ người đã quen biết nhau từ trước hoặc được các thành viên “có uy tín” giới thiệu. Bên cạnh việc giao dịch, mua bán, trong các hội nhóm này, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn thường xuyên tuyên truyền sai lệch rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện, khiến cho các thành viên có những hiểu biết không đúng, không đầy đủ về sự nguy hại của những loại ma túy này. Cùng với việc lợi dụng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin OTT để phạm tội, các đối tượng cũng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, xu hướng mới của thị trường thương mại.

Lập Deepweb mua bán ma túy

Đáng lo ngại hơn, hiện nay, các đối tượng còn nghiên cứu, tìm hiểu việc sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm (Deepweb) để mua bán trái phép chất ma túy. Deepweb hay còn gọi là web chìm, web ẩn, mạng chìm dùng để chỉ các trang hoặc nội dung trên mạng WWW không thuộc về web nổi (surface web), gồm những trang không được đánh dấu, chỉ mục và không thể tìm kiếm được khi dùng các công cụ tìm kiếm thông thường như Chrome hay Firefox mà phải dùng một trình duyệt chuyên dụng mới có thể kết nối. Các trang deepweb được truy cập thông qua một mạng ngầm phức tạp, có tính ẩn danh cao và có sự tham gia của nhiều loại tội phạm nguy hiểm nhất như mua bán người, giết người, mại dâm trẻ em, mua bán trái phép chất ma túy…

Thủ đoạn 4.0 của những tay trùm ma túy - 3

Tang vật thu giữ trong các đường dây mua bán ma túy

Tang vật thu giữ trong các đường dây mua bán ma túy

Điển hình trên thế giới là trang chợ đen chuyên mua bán ma túy Silk Road 2.0 đã bị Cơ quan điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Cảnh sát Châu Âu (Europol) vô hiệu hóa vào năm 2014. Các đối tượng sử dụng những ứng dụng có tính ẩn danh cao, mã hóa phức tạp như sử dụng Bitcoin để thanh toán và sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế để khó xác định danh tính.

Cục C04 cho biết, mặc dù việc sử dụng các trang mạng, diễn đàn ngầm vào việc mua bán trái phép chất ma túy ở nước ta chưa thực sự dễ dàng và phổ biến như đối với mạng xã hội và trang mua bán điện tử, nhưng hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng này. Cùng với đó, các đối tượng người nước ngoài sẵn sàng chi tiền và tìm cách móc nối với các đối tượng trong nước để đào tạo, huấn luyện việc sử dụng, khai thác các trang mạng, diễn đàn ngầm nhằm phục vụ cho hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang tính chất xuyên quốc gia.

Ngoài ra, TPMT còn sử dụng các thành tựu, phương tiện khoa học công nghệ để điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp, pha trộn với bột phụ gia, hương liệu hoa quả, cà phê… để đóng gói thành nhiều loại với tem nhãn mác và hương vị khác nhau để tiêu thụ nội địa, nhắm tới đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên hoặc vận chuyển đi các nước…

Để phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, hiện nay, lực lượng Công an đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ, tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây ma túy, ngăn chặn từ sớm, từ xa ma túy thẩm lậu vào nước ta. Đồng thời, cũng tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng trong công tác phòng chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, khu vực biên giới, khu công nghiệp, chế xuất, trường học. Để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống loại “tội phạm của tội phạm” này, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, không bao che, tiếp tay cho TPMT, đồng thời tham gia tố giác tội phạm, vì một xã hội ngày càng bình yên.

Nguồn: [Link nguồn]

Bí mật đáng sợ trong căn nhà của trùm ma túy Hà ”Lợi”

(NLĐO) – Bên trong căn nhà của trùm ma túy Hà "Lợi", cảnh sát phát hiện 1 túi heroin, hàng trăm viên ma túy và 2 khẩu súng bắn đạn chì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Tội phạm ma túy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN