Thiếu nữ Mường và đòn cắt tình phụ tử

Uất hận tột cùng, Giang như người mất trí, cô rút thanh củi ở gần đó rồi dùng tất cả sức mạnh bình sinh giáng xuống…

Từ nhỏ, cô đã phải chứng kiến cảnh người bố nát rượu đánh đập, hành hạ mẹ hết ngày này sang tháng khác. Mỗi lần nhìn bà đau đớn, nhẫn nhục hứng chịu đòn roi, ngọn lửa oán hờn trong cô lại tích tụ ít nhiều, để rồi vào một đêm đông, ngọn lửa ấy đã bùng lên thiêu trụi tình phụ tử…

Án mạng nảy sinh từ bạo lực gia đình

Chuyện huyết thống nhạt nhòa hay nồi da xáo thịt bao giờ cũng khiến cho người ta thấy nghẹn đắng. Bởi đằng sau những câu chuyện đau lòng đó là biết bao nỗi đau, cảnh đời ngang trái của gia đình họ. Nhưng, trong câu chuyện “lỡ tay đánh chết bố” của Bùi Thị Giang (SN 1991, ở Kim Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình) từng làm “kinh thiên, động địa” xứ Mường, thì người ta không khỏi có cái nhìn ái ngại, cảm thương cho thân phận những người phụ nữ phải sống triền miên trong cảnh bạo lực gia đình.

Cha mẹ Giang đều rổ rá cạp lại, bố cô 41, kém mẹ cô gần 10 tuổi. Đã "đò nát đụng nhau", tưởng là họ tìm được chốn yên bình cuối cùng để nương tựa phận người. Ấy nhưng, những bức bách về kinh tế, về cuộc sống nghèo túng khó khăn khiến bố cô suốt ngày say sỉn, rượu chè be bét. Mỗi lần chân nam đá chân chiêu về nhà, ông thường trút lên đầu mẹ con cô những trận đòn thừa sống, thiếu chết.

Nhiều khi, cũng chả cần đến ma men “dẫn lối”, “hứng chí” lên ông lôi mẹ cô ra đấm đá túi bụi rồi đạp bà lộn nhào vì cái tội “làm ông ngứa mắt”. Xong việc, ông bình thản nằm ngáy pho pho. Mấy mẹ con nước mắt ngắn dài xoa bóp cho nhau.

Giang bảo, từ nhỏ cô đã thấy cha mẹ mình không hạnh phúc, gần như ngày nào cũng xảy ra xô xát, mà khởi đầu cho mọi mâu thuẫn, xung đột đều từ người mà cô gọi là cha. Có lần đi uống rượu về, ông nổi cơn điên túm tóc mẹ cô dìm vào bể nước, cô và đứa em gái Bùi Thị Dự (SN 1996) quỳ lạy bố như tế sao, ông vẫn không hề lay chuyển. Phải đến khi có người hàng xóm đi làm nương về chạy vào can ngăn mới giải cứu mẹ cô khỏi bể nước “tử thần”. Tuy thoát chết, nhưng mẹ cô khi được vớt lên, bụng bà òng ọc nước, mặt mũi tái nhợt, dớt dãi ròng ròng.

Sau lần đó, nhiều người thân hai bên nội ngoại cũng bảo mẹ cô, vợ chồng cạn nghĩa, không ở được với nhau thì giải thoát đi, níu giữ làm gì. Nhưng mẹ cô vốn bản tính nhu mì, hiền hậu, bà nhất định không chịu ly hôn. Bà cam chịu “vì con cái”.

Chán cảnh gia đình, hết lớp 9 Giang bỏ học xuống Hà Nội kiếm việc làm thuê. Thương mẹ ở nhà khổ cực, cô đón bà xuống ở cùng được vài tháng thì bà lại nhất quyết trở về quê vì lo cho đứa con gái thứ hai. Bà sợ, mẹ với chị vắng nhà, đứa trẻ 13,14 biết sống làm sao với người bố mải rượu, cạn tình thương mà có thừa bạo lực kia.

Cuối năm 2010, Giang về quê ăn tết. Cô cũng không thể nghĩ rằng đó là cái tết định mệnh, cái tết cổ truyền cuối cùng cả gia đình cô sum họp. Khoảng 20h30 ngày 15/2/2010 (tức mùng 2 Tết Canh Dần), Giang đang đi chơi cùng chúng bạn thì thấy chị họ ở cùng xóm gọi điện bảo về có việc gấp. Tức tốc chạy về nhà chị, Giang thấy mẹ mình ở đó, mặt và người bê bết máu lẫn bùn đất.

Mẹ cô nghẹn ngào kể vừa bị bố cô treo ngược hai chân lên trần nhà, rồi lấy dây thắt lưng quật liên tiếp vào mặt đến trào máu mồm máu mũi. Sau đó, ông còn chạy đi lắp súng để định bắn bà, nhưng may mà bà cố lê được xuống nhà người chị và trốn ở đó nên thoát chết.

Nghĩ đến người cha tàn bạo cô càng uất ức, nỗi căm giận bao nhiêu năm bị dồn nén tích tụ giờ sôi lên sùng sục. Giang quyết định về nhà để muốn hỏi xem tại sao bố mình lại đọa đày vợ con đến thế, ngày tết cũng không tha. Khi gần đến nhà, cô thấy bố mình đang lần tìm từng bui cây, gốc chuối. Đoán là ông lại đang đi tìm mẹ cô để đánh tiếp. Uất hận tột cùng, Giang như người mất trí, cô rút thanh củi ở gần đó rồi dùng tất cả sức mạnh bình sinh giáng xuống…

Thấy bố nằm im bất động, Giang chỉ nghĩ ông bị choáng chốc lát thôi, nào ngờ sáng sau, khi nhờ cô bạn quay về xem sự thể thế nào, Giang mới biết bố mình đã mất. Ngay sau đó, Giang ra cơ quan công an đầu thú…

Thiếu nữ Mường và đòn cắt tình phụ tử - 1

Mẹ ruột Giang, bà Bùi Thị Dinh (SN 1950), đau đớn khi con mình phạm tội.

Nước mắt sám hối của đứa con lầm lỗi

Bị đưa ra xét xử, Giang nhận mức án 2 năm tù về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Một bản án thấu tình đạt lý, thể hiện tính nhân văn cao cả, pháp luật thượng tôn nhưng cũng thấu hiểu tận cùng những nỗi đau của thân phận con người.

Vào trả án tại Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), Giang ngày nào cũng khóc. Cô khóc vì hối hận đã gây nên tội ác “tày trời”. Cô bảo, “…tội của em ngàn lần đáng chết. Em chỉ mong được một lần thắp nén hương tạ tội cùng bố. Dù đôi lúc nhớ lại những ngày mấy mẹ con bị bố hành hạ đánh đập, em vẫn còn kinh hãi. Nhưng dù thế nào đi nữa, em đã phạm phải tội mà người đời khinh ghét, và điều quan trọng là em sẽ không bao giờ được nhìn thấy cha mình nữa...”!

Nỗi ân hận, day dứt đến với Giang từng đêm trong giấc ngủ không trọn vẹn. Cô nói, cứ nhắm mắt vào là hình ảnh người cha gục xuống dưới những miếng đòn oan nghiệt của cô, và mẹ nữa, gương mặt mẹ sưng húp lại hiện ra. Được sự quan tâm, động viên, an ủi của cán bộ trại giam cũng như các bạn tù, cô phần nào vơi đi nỗi đau mà yên tâm cải tạo.

Khoảng thời gian 2 năm trong trại là không nhiều, nhưng cũng đủ để Giang hiểu cái giá mình phải trả cho lỗi lầm. Chôn chặt nỗi lòng, Giang chỉ biết cố gắng cải tạo, vùi đầu vào công việc để tìm cách quên đi quá khứ đau buồn. Lao động giúp cô khuây khoả. Cũng chính vì thế mà ngoài giờ đi làm ngoài đồng, buổi tối cô vẫn miệt mài học thêm nghề dệt thảm đay, thảm cói, mây tre đan trong trại giam, để mong ngày hòa nhập cộng đồng sẽ có cái nghề trong tay, ổn định cuộc sống.

Giang bảo, “thời gian cải tạo, giúp cho em bình tâm soi xét, thấm thía cái giá mình phải trả cho tội lỗi đã gây ra. Nếu như giờ cho em được quay ngược thời gian, thì em sẽ không bao giờ có quyết định ngu dại như thế và sẽ trân trọng cái cuộc sống của mình hơn cho dù bố có là người như thế nào đi chăng nữa…”.

Mới đây, Giang mãn hạn tù và được trở về với mẹ, với em, tái hòa nhập cộng đồng. Cô lặng lẽ thắp lên bàn thờ bố một nén hương sám hối. Đứng trước vong linh người cha quá cố, cô cầu mong ông tha thứ. Có lẽ, ở đâu đó nơi chín suối, ông cũng thấu hiểu nỗi lòng con dại.

Giờ Giang khăn gói xuống Hà Nội làm thuê để bắt đầu một cuộc sống mới. Với một thiếu nữ đã trải qua một thời lầm lỗi như cô, tuổi 21 chưa phải là quá muộn. Mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu.

Giông bão qua đi, dù nó có làm Giang bầm dập, nhưng cũng giúp cô ngộ ra rằng, cuộc sống đôi khi ẩn chứa bên trong ít nhiều trúc trắc, nhưng vẫn còn đó muôn vàn điều tốt đẹp, phải biết trân quý những gì mình đang có, xem mỗi ngày được sống đã là một niềm vui. Và cô càng quyết tâm, sau này nếu lập gia đình, duyên kiếp ba sinh, vợ chồng một ngày là tình, hai ngày là nghĩa, cô sẽ cố gắng giữ gìn hạnh phúc được đến cuối cùng, để không đành lòng tạo ra những cảnh đớn đau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Trung Thành ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN