Tâm sự của cha về đứa con thành “siêu trộm” từ tuổi 15
Biết con trai lại bị khởi tố, bắt giam về hành vi trộm cắp tài sản, ông Nguyễn Văn Trúc (SN 1948, trú tại thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) không khỏi đau đớn khi nghĩ về đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Bất lực trước tội lỗi của con, người cha đành giải thích rằng con mình trở thành “siêu trộm” là do “ma xui, quỷ khiến”.
Chân dung kẻ thực hiện 70 vụ đột nhập
Trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Văn Trúc buồn rầu nói về đứa con của mình. Hiện cơ quan chức năng thị xã An Nhơn (Bình Định) đang hoàn tất hồ sơ để xử lý Nguyễn Văn Phú (SN 1980, con trai ông Trúc) về hành vi trộm cắp tài sản. Người cha này buồn lòng khi thấy các bạn cùng trang lứa với con mình đã ổn định gia đình, kinh tế, có người đã thành danh, đóng góp ít nhiều cho xã hội. Lấy ngón tay ra nhẩm tính, ông Trúc thẫn thờ cho biết, con trai ông đến giờ đã có 3 tiền án về các tội trộm cắp tài sản, đã có tổng cộng 10 năm 6 tháng ngồi tù, gần bằng 1/3 số tuổi đời. Lần này, Phú lại tiếp tục đối diện với một bản án mới.
Phú vừa bị bắt giữ khi anh ta đột nhập vào nhà ông Võ Thanh Hiền (xã Nhơn Hậu) để trộm cắp tài sản. Theo đó, trong một lần lang thang “tìm mồi”, Phú phát hiện nhà ông Hiền sơ hở, quên khóa cửa tầng trên. Với bản năng của một “người nhện”, Phú nhanh chóng lẩn vào nhà và trốn dưới hương án bàn thờ. Khi cả nhà gia chủ say giấc, Phú nhẹ nhàng như con mèo bò ra khỏi nơi ẩn nấp và “cõng” các tài sản nhà ông Hiền tẩu thoát. “Ở địa phương ai cũng biết Phú là tên siêu trộm cắp. Người dân khi thấy mặt nó ai cũng đề phòng, chính tôi cũng đề phòng không kém nhưng rồi nó nhanh như mèo làm tôi không biết đâu mà lần. Nhà ba, bốn tầng đối với Phú là chuyện bình thường, không có gì khó khăn khi đột nhập”, nạn nhân Võ Thanh Hiền chia sẻ.
Khi bị bắt, Phú luôn miệng phân bua cho mỗi lần phạm tội của mình là do anh ta bị bệnh từ nhỏ. “Làm nặng thì đau lưng lắm nên không chịu nổi. Tìm công việc gì nhẹ nhẹ để khỏi mang tiếng là ăn bám gia đình nhưng ngoài ăn trộm thì không có công việc gì nhẹ hơn. Nếu may mắn trúng thì có khi tiêu xài cả tháng mới hết. Sau đó mới đi trộm lại. Công việc này chỉ làm ban đêm nên cũng sướng”, cái lý của “siêu trộm” này giải thích cho hành vi trộm cắp.
Theo lời khai của Phú, hắn đã thực hiện gần 70 vụ đột nhập vào nhà dân để trộm cắp tài sản. Hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng cho thấy, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2010, Phú đã gây ra 41 vụ đột nhập, lấy 46 chiếc điện thoại di động và gần 13 triệu đồng. “Siêu trộm” này thừa nhận chỉ lấy những thứ tài sản gọn nhẹ như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, tiền, vàng. Số tài sản trộm được, anh ta đem bán lấy tiền để đánh bạc.
Nỗi đau của người cha
Ngôi nhà của ông Trúc.
Được biết, ông Trúc sinh được 3 người con, Phú là con thứ 2. Mặc dù gia cảnh khốn khó nhưng vợ chồng ông Trúc vẫn gắng cho các con đi học. Trong khi những người con khác của ông Trúc chăm ngoan, học giỏi thì Phú lại đối nghịch hoàn toàn. Ngay từ khi cắp sách đến trường, Phú đã tỏ ra là một đứa trẻ ngỗ ngược, chuyên bắt nạt các bạn học cùng lớp. Chỉ vài tháng đến lớp, Phú đã nghỉ học khi chưa biết con chữ là gì. “Nó có làm được cái gì đâu, chỉ biết ăn bám rồi gây họa thôi, ngay từ nhỏ nó đã như thế rồi. Vợ chồng tôi nói thế nào nó cũng không nghe. Nó còn bảo, làm chi cho khổ, ăn trộm nhanh giàu mà sướng hơn đi làm rất nhiều. Lúc đó, tôi cũng nhờ chính quyền can thiệp nhưng rồi nó vẫn chứng nào tật ấy, không chịu nghe lời ai cả”, ông Trúc nghẹn lời.
Từ khi bỏ học, Phú lún sâu vào việc đua đòi theo đám bạn xấu. Mới 10 tuổi, Phú bắt đầu rình mò các gia đình trong thôn, lợi dụng sơ hở để ăn trộm tiền. Khi đến tuổi 15, Phú được mệnh danh là “siêu trộm” ở địa phương. Bà Trần Thị Thu Thảo (người dân thôn Vân Sơn) cho biết, mỗi khi Phú ra tù thì người dân ở đây lại nơm nớp lo sợ Phú sẽ “đến chơi” nhà mình.
Nhắc đến đứa con trai hư đốn, ông Trúc thở dài: “Những lần nó vào trại giam, tôi đến thăm cũng khuyên nhủ suốt nhưng sau khi ra tù nó lại đâu vào đấy. Mỗi lần nó đi ăn trộm vợ chồng tôi phải đi vay tiền để trả cho người ta. Đã khổ sở như thế, chúng tôi còn bị người ta cười khinh là không biết dạy con, bị mang tiếng nhục là có đứa con trộm cắp”.
Theo ông Trúc, trước Tết Nguyên đán vừa rồi, sau khi đi tù về, Phú lục lọi rồi lấy hết tiền bạc mà vợ chồng ông cày thuê cuốc mướn dành dụm cất giữ trong tủ để đi mua xe máy. Khi đem xe về, Phú nói là vừa trúng xổ số. Lúc đầu, vợ chồng ông cũng mừng vì nghĩ con trúng số rồi mua xe để lấy phương tiện đi làm công nhân ở xưởng gỗ gần nhà, nhưng không ngờ khi kiểm tra lại mới phát hiện số tiền mua xe là tiền dành dụm cả đời của gia đình. “Lúc đó, tôi tức lắm, còn mẹ nó thì ngất xỉu vì không thể tin được nó lại trộm cắp tài sản của bố mẹ rồi nói dối như vậy. Thế rồi, nó chơi bời xong cái Tết thì bán xe luôn”, ông Trúc nói.
Bất lực trước vết trượt của con, ông Trúc đổ lỗi là Phú bị “ma xui, quỷ khiến” nên mới đi ăn trộm. Đó là cái cách giải thích đầy mê muội bởi những người dân ở đây không thể lý giải được vì sao đối tượng Phú lại có thể thoắt ẩn, thoắt hiện như ma vào trộm cắp tài sản của người dân.
Ông Trương Văn Anh - Trưởng thôn Vân Sơn cho biết, Nguyễn Văn Phú bắt đầu trộm cắp từ khi mới 15 tuổi. Sau nhiều lần vào tù ra tội vì trộm cắp, Phú vẫn chứng nào tật ấy. “Phú có tài treo người ở lan can tầng 2, tầng 3 đợi khi chủ nhà mở cửa hóng gió rồi ngủ quên thì đột nhập lấy trộm tài sản. Thậm chí, nhiều gia đình xây tường rào cao quá đầu người, trên gắn dây thép gai, nhưng Phú cũng dễ dàng trèo qua dù trên người không hề có một đồ nghề bảo hộ nào”, ông Anh cho biết. |