Phá kỳ án từ điện thoại “4 không” cắm lại nhà nghỉ

Thượng tá Nguyễn Văn Năm, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an Quảng Ngãi) chia sẻ, đối với những “án mờ”, cơ quan điều tra vừa phải xác định, sàng lọc hàng trăm đối tượng lưu manh, giang hồ.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn gặp phải những chuyện tréo ngoe như người làm chứng khẳng định “chắc như đinh đóng cột” người vô tội chính là hung thủ gây án… Những khó khăn trên khiến một vụ “án mờ” tưởng như đi vào bế tắc.

“Gái bán hoa” gặp họa trong nhà nghỉ

Chia sẻ với PV, Thượng tá Nguyễn Văn Năm cho hay, vào đêm 8/1/2011, Phòng PC45 nhận được tin báo tại một nhà nghỉ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) xảy ra một vụ chết người chưa rõ nguyên nhân. Sau khi xác định được danh tính nạn nhân là N.T.Tr. (SN 1984, ngụ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hành nghề “bán dâm”) và qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra xác định nạn nhân chết là do người khác bóp cổ. Sau khi gây án, hung thủ cướp đi của nạn nhân một chiếc điện thoại di động…

Thượng tá Năm kể lại: “Thời điểm xảy ra vụ án đúng dịp giáp Tết Nguyên đán năm 2012, lại đúng thời điểm trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Do đó, chúng tôi xác định phải điều tra, làm rõ đối tượng gây án trong thời gian sớm nhất. Ngay lập tức, lãnh đạo Phòng PC45 điều động những trinh sát, điều tra viên có thâm niên, kinh nghiệm đánh “án mờ” (vụ án chưa xác định được đối tượng gây án – PV) vào cuộc điều tra, truy xét”.

Sau khi tiến hành triển khai, rà soát, khoanh vùng, cơ quan điều tra lên danh sách hàng trăm đối tượng hình sự trên địa bàn các huyện, thị của tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, các trinh sát hình sự tiến hành rà soát các mối quan hệ quen biết của nạn nhân, làm việc cùng những nhân chứng gặp đối tượng tại nhà nghỉ. Đặc biệt, cơ quan điều tra còn thu thập thông tin từng đặc điểm của đối tượng như: Độ tuổi, tầm vóc, khuôn mặt, màu da, sắc màu quần áo, giọng nói... Từ đây, cơ quan điều tra đã phác họa được chân dung đối tượng gây án.

Tuy nhiên, một điều tréo ngoe là nhân chứng mới đầu xác định đối tượng tình nghi chính là hung thủ gây án, nhưng sau đó khẳng định lại là nhầm. Chính điều này khiến vụ án đi vào bế tắc. Thượng tá Năm cho biết: “Sau 5 ngày xảy ra án mạng và phác họa được chân dung của đối tượng gây án, qua lời mô tả của chủ nhà nghỉ, chúng tôi cho mời 5 “đối tượng” nghi vấn qua sàng lọc hàng trăm đối tượng lên, để chủ nhà nghỉ nhận mặt. Vừa bước vào phòng, bà chủ nhà nghỉ đã chỉ ngay 1 trong 5 “đối tượng” nói: “Đây chính là hung thủ gây án, tôi không thể nhầm được, đúng người này 100%, nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm…”. Tuy nhiên, sau đó bà chủ nhà nghỉ thừa nhận nhầm. Từ đây, cơ quan điều tra quyết định chuyển sang phương án khác”.

Phá kỳ án từ điện thoại “4 không” cắm lại nhà nghỉ - 1

Đối tượng Nguyễn Nam.

Tìm ra kẻ gây án… từ chiếc điện thoại “4 không”

Sau khi phương án nhận dạng đối tượng từ nhân chứng thất bại, cơ quan điều tra chuyển sang hướng điều tra nghiệp vụ khác là truy tìm tang vật. Thượng tá Năm kể lại: “Trong quá trình xác minh, chúng tôi nhận được một thông tin quý giá là bà chủ nhà nghỉ đang giữ một chiếc điện thoại được cho là của hung thủ. Trước đó, do đối tượng này thiếu tiền nên cắm lại. Khi tiếp nhận chiếc điện thoại, chúng tôi phát hiện chiếc điện thoại này lại “4 không” (không danh bạ, không sim, không tin nhắn, không cuộc gọi đi và đến)… Chúng tôi nhận định đối tượng đã xóa sạch trước khi mang xuống lễ tân cắm lại…”.

Bằng phương pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định được những số điện thoại gọi đến và đi từ chiếc điện thoại này. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định chủ nhân chiếc điện thoại chính là Nguyễn Nam (SN 1991, ngụ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi xác định Nam chính là đối tượng nghi vấn số 1 trong vụ án giết người, cướp tài sản. Cơ quan điều tra cử ngay một tổ trinh sát hình sự xuống địa bàn cư trú của đối tượng, để xác minh về thân nhân, lai lịch, các mối quan hệ bạn bè cũng như việc sử dụng thời gian của Nam trong đêm xảy ra án mạng… Sau khi xác minh tại địa phương, được biết Nam cùng vợ đang thuê nhà trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và mở cửa hàng mua bán điện thoại di động mang tên Nguyễn Nam.

Tuy nhiên, qua làm việc với vợ Nam, chủ nhà trọ cho thuê, họ đều khẳng định, trong thời gian xảy ra án mạng, Nam ở nhà. Trước thông tin này, cơ quan điều tra nhận định nếu thực tế như vậy thì Nam vô can. Tuy nhiên, với kinh nghiệm phá án lâu năm, cơ quan CSĐT phán đoán chỉ có thể Nam là hung thủ gây án. Sau đó, một tổ trinh sát hình sự bí mật theo dõi, giám sát hoạt động của Nam 24/24h. Cuối cùng, bằng chứng cứ điều tra, chân tướng kẻ gây án được xác định chính là Nam. Ngay lập tức, Nam được áp giải về cơ quan điều tra để đấu tranh làm rõ.

Thượng tá Năm kể lại: “Khi vừa bước vào phòng của tôi, đối tượng Nam tỏ thái độ, tâm lý rất bình thường, không tỏ ra lo lắng, sợ hãi… Thậm chí, Nam còn ngó nghiêng trong phòng và nói: “Chú giờ lên thượng tá rồi à…”. Không chỉ vậy, đối tượng còn trả lời rõ ràng các câu hỏi của điều tra viên. Bởi đối tượng luôn cho rằng mình có chứng cứ ngoại phạm. Tuy nhiên, hành vi của Nam đã bị bóc mẽ khi điều tra viên xác định, sau khi gây án, lo sợ bị phát hiện, Nam dặn chủ nhà cùng vợ, ai có hỏi thì nói tối hôm xảy ra án mạng là Nam ở nhà, để có chứng cứ ngoại phạm nhằm mục đích đối phó với công an. Phải đến khi điều tra viên đưa ra các bằng chứng cụ thể, Nam mới cúi đầu nhận tội”.

Tại cơ quan điều tra, Nam khai nhận, tối 8/11/2011, sau khi nhậu cùng chủ nhà trọ xong, khoảng 22h, do có hơi men nên Nam đi tìm “đào” để vui vẻ do vợ đang “mang bầu”. Sau khi lựa chọn “đào”, Nam ưng ý “đào” Tr. (nạn nhân). Trước khi vào nhà nghỉ, Tr. đòi Nam trả tiền trước rồi mới vào. Sau khi trả tiền, cả hai vào nhà nghỉ hành lạc. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc vui, Nam càu nhàu là Tr. không làm mình thỏa mãn. Tức giận, Tr. liền mắng: “Ông đi chơi đĩ mà đòi hỏi nhiều quá”. Chưa hết, Tr. còn tát Nam một cái.

Do tức giận, Nam lao vào bóp cổ Tr. đến chết. Sau đó, Nam lấy gối đè lên mặt nạn nhân, lấy chăn đắp lên người Tr. để tạo hiện trường giả. Do sợ bị phát hiện, Nam vẫn ở bên xác nạn nhân trong đêm. Đến sáng hôm sau, biết nếu ở lại sẽ bị phát hiện, Nam móc túi nạn nhân lấy 240 ngàn đồng, 1 điện thoại đi động rồi đi xuống thanh toán tiền phòng. Do Nam chỉ có 240 ngàn đồng tiền cướp được của nạn nhân và 20 ngàn đồng mang theo, không đủ trả 500 ngàn đồng tiền nhà nghỉ, Nam đành cắm điện thoại di động của mình lại. Sau 7 ngày phập phồng lo sợ, Nam đã sa lưới công an.

Nhanh nhưng phải chính xác Thượng tá Nguyễn Văn Năm chia sẻ: “Chúng tôi xác định việc triệt phá các vụ “án mờ” thì cần tìm ra hung thủ một cách nhanh nhất, nhưng phải chính xác. Bởi trong quá trình điều tra, chỉ cần sơ sẩy một tình tiết nhỏ, thì công việc điều tra sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Trong vụ đối tượng Nam gây án thì Nam chính là 1 trong 5 “đối tượng” để bà chủ nhà nghỉ nhận dạng, nhưng bà chủ lại nhận nhầm người khác chứ không phải Nam. Sau này, chúng tôi nhận định có thể do đêm tối nên chủ nhà nghỉ nhận nhầm…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phi (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN