Ô sin “ẵm” tiền chủ nhà: Lấy oán báo ân

"Chạy về nhà, bà vội vã mở tủ thì 120 lượng vàng cùng 40.000USD đã biến mất."

Đến bây giờ khi đã bị bắt trong trại tạm giam, Nguyễn Thị Ánh (SN 1979, thường trú xã EaKnốp, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn không tin đó là sự thật. Thị không thể ngờ được vì sao sau ba năm, mọi tỗi lỗi tưởng chừng như chôn kín lại bị lật tẩy. Người phụ nữa này cũng đã từng nghĩ đến luật nhân quả nhưng không ngờ nó đến nhanh như vậy. Cuối cùng, người ô sin lấy oán báo ân đã phải tra tay vào còng số tám để trả giá cho những gì mà mình gây ra.

Lấy oán báo ân

Sau ba năm xảy ra vụ trộm ở Q.3 (TP. HCM) người dân nơi đây vẫn cảm thấy như nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Theo tường trình của bà Đặng Thị N (ngụ Q.3, TPHCM), khoảng tháng 7/2008, nhờ một người quen giới thiệu, bà N. nhận Nguyễn Thị Ánh vào giúp việc gia đình. Thấy cô ô sin chăm chỉ, lễ phép nên bà N. đã tin tưởng cô bé và xem thị như con cái trong nhà. Tuy mang tiếng là ô sin nhưng Ánh được bà N. chiều chuộng và quan tâm, chăm sóc.

Một lần đang ngồi tâm sự chuyện gia đình, Ánh thỏ thẻ tâm sự với bà N. rằng mình còn một đứa em gái ở quê. Cô bé hiền lành, chăm chỉ học hành nhưng vì nghèo khó nên phải nghỉ học. Bây giờ em Ánh muốn tìm một chỗ có thể vừa học vừa làm để thực hiện ước mơ của mình. Nghe những lời “gan ruột” ấy, bà N. cảm thấy thương tâm nên ngỏ ý giúp đỡ. Bà nói với ô sin cứ đưa em gái xuống rồi bà sẽ lo việc học hành.

Được lời như cởi tấm lòng, Ánh hí hửng bấm điện thoại gọi ngay cho em gái xuống Sài Gòn để đi học. Hai ngày sau, em gái Ánh xuống ra mắt bà chủ nhà. Hàng ngày Ánh và em gái càng tỏ ra ngoan ngoãn, thức khuya dậy sớm chăm lo mọi việc trong nhà. Chưa bao giờ bà N. phải lo lắng hay nghi ngờ gì với cô ô sin “ruột” của mình. Rồi từ sự thương yêu, tin tưởng đó, bà N. đã giao tất cả chìa khóa cho cô bé ô sin ngoan hiền, chăm chỉ.

Bỗng một hôm (ngày 14/1/2009), bà N. thấy hai chị em Ánh nghe điện thoại của ai đó. Khi nói chuyện xong, bà thấy tâm trạng hai chị em Ánh buồn bã. Vốn coi ô sin như con em trong nhà nên bà N. liền hỏi chuyện. Nước mắt lưng tròng, Ánh nói rằng bà ngoại ở Bình Định đang lâm bệnh nặng. Mẹ cô muốn em gái về quê gánh vác thay một thời gian nhưng sợ sau này bà N. không nhận lại. Thấy cô bé hiếu thảo nên bà N. hối thúc, cho tiền em gái Ánh về quê. Nghe bà N. thông cảm, hai chị em Ánh tỏ ra cảm động và cảm ơn rối rít. Trước khi lên ô tô, bà chủ nhà còn hứa sẽ giúp đỡ nhiệt tình khi em gái Ánh quay lại.

Tiễn em gái về quê, Ánh một mình ở lại với bà N. như những ngày trước. Cô vẫn làm việc nhà một cách ngoan ngoãn. Ngày 15/1/209, bà N. rủ Ánh đi ăn cơm chay, rồi bảo ô sin chở ra chợ mua đồ về cúng ông Táo. Chợ đông người, lại mua nhiều đồ nên bà chủ đi trước. Tuy nhiên, khi bà chủ xách đồ nặng cả hai tay nhưng không thấy giúp việc chạy đến xách giùm như mọi khi. Người đàn bà này ngó trước ngó sau vẫn không thấy Ánh đâu, cầm điện thoại gọi cũng không liên lạc được. Đứng ở chợ một lúc lâu, linh tính có chuyện không lành, bà N. bắt xe ôm về nhà.

Khi cổng chính vừa hé mở, bà chủ lành hiền tốt bụng thấy lạ là chùm chìa khoá vẫn để trên bàn nhưng không thấy cô ô sin đâu. Bà chạy khắp nơi réo gọi nhưng đáp trả lại chỉ là sự im lặng đến ghê người. Chạy vào nhà, bà N. vội vã mở tủ kiểm tra thì 120 lượng vàng cùng 40.000USD đã biến mất. Bước đi lảo đảo ra phía phòng khách, bà N. liên lạc với em gái Ánh để tìm thị nhưng số máy đó cũng đã khoá. Lấy lại bình tĩnh, người đàn bà này đến cơ quan công an trình báo.

Sau khi nhận được trình báo từ phía người bị hại, Công an Quận 3 đã vào cuộc điều tra. Lần tìm manh mối của Ánh, cơ quan điều tra phát hiện thị đang đi du lịch cùng người tình tại Nha Trang. Công an đã yêu cầu thị về trụ sở điều tra làm rõ. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, đứng trước công an nhưng Ánh vẫn rất điềm nhiên, không chút lo lắng. Bằng sự lì lợm vốn có, thị luôn miệng phủ nhận mình đã lấy trộm vàng của chủ. Và tất nhiên, qua khám xét tại nơi ở của Ánh, cơ quan điều tra cũng không thấy có tang vật. Càng sau đó, công tác điều tra của cơ quan chức năng đi vào ngõ cụt vì không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh Ánh là thủ phạm.

Lúc này, mặc dù biết chắc cô ô sin “cưng” là thủ phạm nhưng bà N. cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Từ khi bị mất đồ, mặc dù bà chủ mời cô quay lại làm việc nhưng Ánh nhất định từ chối và mất hẳn liên lạc. Tuy nhiên những nghi ngờ cũng để trong lòng. Bà tiếc tiền một thì tự trách mình mười. Có lẽ bà đã rước “rắn độc vào nhà”.

Ô sin “ẵm” tiền chủ nhà: Lấy oán báo ân - 1

Đối tượng Nguyễn Thị Ánh

Quả báo

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án này, Ánh là một phụ nữ có lòng tham nhưng không có khôn không ngoan. Tuy thị đã cả gan ăn trộm tiền của bà chủ nhưng không đủ quỷ quyệt để dùng số tiền đó hợp lý. Chỉ vài năm sau khi lấy được số tiền trên, thị đã bỏ người tình hồi đi Nha Trang du hí với chồng cũ.

Ánh không lặng lẽ chi tiêu dè xẻn để mọi người nghi ngờ mà thị ngang nhiên mua đất mua nhà, mua xe tải… Thậm chí, thị còn mở hẳn cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng to nhất nhì huyện Eakar. Chẳng có gì là lạ nếu thị có của từ thời cha ông để lại. Nhưng đằng này, nhà Ánh vốn nghèo rớt mồng tơi. Ngày trước, cũng vì cái nghèo mà vợ chồng thị lục đục bỏ nhau. Nay đột nhiên giàu một cách bất thường khiến ai cũng phải chú ý.

Trong khi cả thôn xóm đang “mắt tròn mắt dẹt” về sự đổi đời của thị thì một sự việc lại bất ngờ được tiết lộ qua một câu chuyện tưởng như đùa. Số là sau khi giàu lên bất thường, chồng Ánh lại sa đà vào rượu chè cờ bạc. Có hôm hắn thua cả mấy trăm triệu đồng. Nói mãi chồng không nghe lời mà vẫn lao vào trò đỏ đen vô bổ nên thị sang hàng xóm than vãn rằng đó là do quả báo. Vì trước đây thị đã ăn trộm của bà chủ mà có.

Người dân nơi Ánh ở đều ngạc nhiên với câu chuyện như đùa của thị. Những lần bực tức với chồng, tên trộm này đều nói: “Chuyện này cả huyện biết hết rồi, giờ thêm mấy người biết nữa cũng không sao. Tiền đó cũng là do tôi ăn trộm mà có”. Rồi thị bô bô kể với mọi người, trong thời gian giúp việc, Ánh biết rõ quy luật sinh hoạt và nơi bà N. cất giấu tài sản nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. Biết bà chủ thường đi cúng chùa nên Ánh đoán ngày 23 tháng Chạp thế nào gia chủ cũng đi thắp hương cúng phật. Để tạo chứng cứ ngoại phạm, sau khi “diễn kịch” cho em gái về trước, cô ta điện thoại kêu chồng xuống trực tiếp ra tay. Truyền bảo không dám nên bị Ánh chửi là đồ “gan sứa”.

Đúng như kế hoạch, sáng hôm đó, trong lúc bà N. vào chợ, Ánh tranh thủ về nhà mở tủ gom 120 lượng vàng cùng 40.000 USD và mấy chục triệu đồng bỏ vào vali. Thị tức tốc đón xe về Đắk Lắk. Ánh gửi vali chứa tài sản bất chính cho cha chồng giữ rồi đi du lịch ở Nha Trang.

Hồ sơ vụ án được lật lại. Lần này biết không thể chối, Ánh thừa nhận hành vi phạm tội nhưng lật mặt khai báo không trung thực. Theo thị, trong thời gian chờ bà N. mua đồ, do bị đau bụng nên chạy về nhà để đi vệ sinh. Cùng lúc, ả nhận được điện thoại của bạn trai tên Tuấn rủ đi Vũng Tàu chơi một tuần. Sau khi nhận lời, Ánh mở tủ tìm CMND thì thấy chỉ có một lượng vàng SJC cùng hai triệu đồng nên sẵn tay bỏ túi.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục khai thác đấu tranh về vụ việc.

Dấu đầu hở đuôi

Hàng xóm của Ánh là ông Nguyễn Bá C. được trực tiếp nghe Ánh kể hành trình đánh cắp tài sản của bà chủ nhà ba năm trước. Làm chứng trước cơ quan điều tra, ông C. cho biết: Năm 2009, ông rao bán bớt mảnh đất diện tích hơn 1.000m2 ở ngay thị trấn. Tháng 2/2009, Ánh cùng chồng là Đặng Thanh Truyền đến nhận mua với giá 830 triệu đồng. Trong lúc cả hai mở vali lấy 100 triệu đồng đặt cọc, thấy bên trong đầy ắp tiền, ông C. hỏi tất cả trong đó có bao nhiêu thì Truyền trả lời gần hai tỷ. Truyền cho biết đó là tiền vừa bán vàng để mua nhà ở Gia Lai nhưng thương lượng bất thành. Sau khi hoàn tất thủ tục sang tên sở hữu tài sản, vợ chồng Ánh đã giao đủ số tiền mua đất. Truyền dặn hờ ông C., nếu công an đến điều tra thì nói một mình anh ta bỏ tiền ra mua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tô Hương Sen ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN