Nước mắt của người cha có con là tử tội
Ngày 20/6/2012, Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM đã tuyên mức án cao nhất "tử hình" dành cho Trần Hà Duy (nữ, 23 tuổi) với tội danh "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Đau lòng nữa là cô gái này còn lôi kéo thêm em ruột của mình là - Trần Hạ Tiên vào vòng lao lý với mức án 20 năm tù. Khi nghe tuyên án, người cha của hai nữ sinh viên này đã sụp xuống. Nay ông mang lá đơn kêu cứu, trình bày nỗi lòng của người cha và nhờ chuyển lời cầu xin cho con thoát án tử ...
Rơi vào cạm bẫy
Tối 18/7/2011, tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi kiểm tra hành lý của hành khách, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu và Tổ kiểm soát ma túy của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay nhận thấy chiếc vali có dấu hiệu đáng ngờ và lập tức khám xét. Sau khi gỡ tấm lót của đáy vali chứa hành lý, một túi màu trắng dạng tinh thể đóng trong một bao nilon màu đen quấn chặt bằng băng keo, nặng 4,1kg, lộ ra. Một mẩu tinh thể được chuyển cho Viện Khoa học hình sự tại Tp HCM giám định, và được cơ quan này kết luận là chất có thành phần Metaphetamine, gọi là ma túy tổng hợp.
Ngay lập tức, cô gái bị tạm giữ cùng với chiếc vali. Cô gái tên là Trần Hạ Tiên, 21 tuổi, thường trú tại 37 Bùi Thị Xuân, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tạm trú tại quận Bình Thạnh, Tp HCM, đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Tài chính ngân hàng, Trường đại học Văn Lang.
Chỉ 2 ngày sau đó, Trần Hà Duy (23 tuổi), là chị của Tiên, được ông Trần Văn Tường là cha, đưa đến Bộ Công an Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an (C47) phía Nam tự thú. Trần Hà Duy đang là sinh viên năm cuối khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Hồng Bàng. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/3 và phiên phúc thẩm 20/6 mới đây, những người dự khán nghe câu chuyện mà không khỏi ngỡ ngàng, đau xót.
Cuối năm 2007, trên một chuyến xe từ miền Tây về Tp HCM, một người đàn ông da đen xưng tên là Francis, quốc tịch Kenya, lân la làm quen với Duy. Người đàn ông này vui vẻ cởi mở, còn cô sinh viên thì cũng muốn trau dồi vốn tiếng Anh, nên cả hai nhanh chóng bắt chuyện. Đến Tp HCM, Trần Hà Duy cho số điện thoại trước khi tạm biệt.
Tháng 8/2010, Francis nhờ Duy vận chuyển một số hàng mẫu từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại, tiền công từ 500 đến 1.000 - 1.500 USD mỗi chuyến. Hai chuyến đầu, Duy được Francis trả tổng cộng 2.000 USD.
Sau đó, Francis nói rằng cần nhiều người vận chuyển hàng, nhờ Duy tìm kiếm. Và từ đây, từ chỗ một mình phạm tội, Trần Hà Duy đã lôi kéo thêm em gái của mình. Thấy công việc nhàn hạ, dễ kiếm tiền, lại được ra nước ngoài có cơ hội trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, Trần Hà Duy đã rủ Trần Hạ Tiên, chị họ là Huỳnh Thị Phương Minh và bạn là Huỳnh Ngọc Lợi tích cực tham gia công việc. Tất cả 4 cô gái đều là sinh viên, rơi vào cái bẫy của bọn tội phạm quốc tế.
Đầu tháng 7, Duy bay sang Cotonou (thuộc Tây Phi), gặp một người tên là Johllss nhận một vali hàng mẫu quần áo, giày dép. Lần này thấy vali có dấu hiệu lạ, Duy đã gọi điện thoại hỏi nhưng Francis đáp ỡm ờ. Sau đó Duy bay về Việt Nam gặp Francis cật vấn, thì tên da đen gốc Phi này thừa nhận trong các vali đều có ma túy. Hắn giở giọng đe dọa Duy nếu không tiếp tục làm việc thì sẽ bị xử. Lúc này từ Cotonou, Trần Hạ Tiên cũng phát hiện trong vali có ma túy, báo cho Duy. Biết mình đã rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn ma túy nhưng sợ em gái ở nước ngoài bị khống chế và thủ tiêu, Duy buộc phải đi giao hàng bên Campuchia. Ngày 18/7/2011, Trần Hạ Tiên về đến Việt Nam thì bị bắt với chiếc vali giấu chất ma túy.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/3/2012, TAND Tp HCM tuyên hai chị em tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", buộc Trần Hà Duy chịu trách nhiệm với 7,1kg ma túy do Trần Hạ Tiên và Huỳnh Ngọc Lợi chuyển từ nước ngoài về. Huỳnh Ngọc Lợi do không biết trong vali có ma túy nên không bị truy cứu. Với tội danh này, Trần Hà Duy nhận bản án chung thân, còn Trần Hạ Tiên 20 năm tù. Sau đó VKS kháng nghị, đề nghị xét xử phúc thẩm với mức án cao nhất cho Trần Hà Duy là tử hình. Và bóng tối đã sập xuống, phiên tòa phúc thẩm của TAND tối cáo tại Tp HCM ngày 20/6 vừa qua đã tuyên án như kháng nghị của VKS.
Nước mắt đàn ông
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, ông Trần Văn Tường, cha ruột của hai cô gái đang bị tù tội khóc. Người cha gửi đơn lên Chủ tịch nước kêu xin. Ông không phản đối bản án, mà chỉ xin cho đứa con gái đầu lòng được thoát án tử hình. Lý do, theo ông, hai đứa con của ông thực sự không có mục đích động cơ vận chuyển ma túy, chỉ do cả tin ngây thơ mà bị rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm. "Sinh con ra, khổ công nuôi nấng lớn chừng ấy, cho ăn học và sắp trưởng thành. Giờ nó bị xử như vậy, tui cũng thấy như mình chết đi", ông vừa nghẹn ngào vừa lau dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo. Người đàn ông 48 tuổi này, trông khắc khổ như người đã ngoài tuổi 60. Một người thân của ông nói rằng, ông già đi chỉ trong vòng nửa năm qua, và thực sự suy sụp chỉ trong một tuần rồi, khi tòa phúc thẩm tuyên cô con gái lớn của ông - Trần Hà Duy án tử hình.
Nghe đoạn trường làm lụng nuôi con của cha mẹ 2 nữ sinh này không khỏi chạnh lòng. Tiếng là ở miền Tây nhưng ruộng đất không nhiều, cuộc sống khó khăn. Nghe nói Tây Nguyên màu mỡ dễ sinh sống, nên gia đình ông chuyển lên Đức Trọng, Lâm Đồng. Mua mấy hécta rẫy làm cà phê nhưng bị lừa bán rừng đầu nguồn, bị nhà nước thu lại, từ đó gia đình trắng tay. Chuyển sang buôn bán, làm thuê, nai lưng cật lực, gặp gì làm nấy. Bà bán chuối chiên, ông chạy xe ba gác. Bà mua rau từ Đức Trọng lên Đà Lạt bán thì ông chạy xe thuê. Thế chấp căn nhà vay được 200 triệu đồng, ông mua chiếc xe, có tải trọng 1 tấn để chở thuê. Nhiều nhất là chở rau từ Đức Trọng lên Đà Lạt. Một chuyến được trả 200 ngàn trọn gói, kể cả công bốc xếp. Nhọc nhằn và thức đêm nhiều nên mới 46 tuổi nhưng sức khỏe của mẹ Duy sa sút thê thảm. Căn bệnh hạ huyết và thấp khớp hành hạ khiến bà không đi buôn rau được nữa, phải chuyển sang bán bánh tráng trộn, và bánh kẹo cho các quán nhỏ vùng sâu vùng xa.
Cực nhọc nhưng gia đình thương nhau, đầm ấm hạnh phúc. Và niềm vui tràn dâng trong lòng ông bà khi hai đứa con gái lần lượt vào đại học. Kể từ đó ông bà càng cố sức làm lụng bất kể ngày đêm, để có tiền cho con về Tp HCM trọ học. Chưa kể tiền học phí cố định mỗi năm hai chị em đã mười mấy triệu, còn lại các chi phí bình quân trong tháng khoảng 5 triệu đồng. Mỗi tháng vợ chồng ông phải làm cho ra 10 triệu thì mới đủ sinh sống. Làm đâu ăn đấy nên cũng chỉ trả được lãi ngân hàng chứ không trả được nợ vốn, nên cứ đến kỳ là ông đi vay tiền nóng về đáo hạn cho ngân hàng.
Được cái là hai cô con gái hiếu thảo, thương cha mẹ, ngoài việc học, Duy-Tiên cũng cố tìm việc làm thêm để đỡ đần cha mẹ. Nếu không có chuyến đi định mệnh kia để gặp phải tên tội phạm ma túy, thì với công việc dạy kèm và tiền của cha mẹ, Hà Duy cũng vẫn xoay xở được, chăm lo học hành. Ngờ đâu, giờ đây không chỉ Duy bị khép án tử hình khiến cha mẹ mất con, mà cô còn đưa em gái mình vào vòng lao lý. Khi Duy và Tiên bị bắt giữ, công việc gia đình đã bỏ bê, lại đi lên xuống nhiều, tiền bạc càng thêm khó khăn tốn kém. Ngay cả chiếc xe máy cà tàng của mình mới đây ông cũng đã phải bán đi để có tiền bù lỗ vào gánh hàng của vợ và đi lại, chi dùng. Nhìn những dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô cằn của người đàn ông cả đời tần tảo vì con, chúng tôi thấy xót xa trong lòng.
Tại tòa, hai cô gái Hà Thị Ngô và Nguyễn Thị Phước chỉ biết khóc nức nở và không dám ngẩng lên nhìn ai
Lời cảnh báo cho các nữ sinh viên
Tại phiên tòa phúc thẩm, khi nghe vị đại diện VKS đề nghị mức án "tử hình" cho Trần Hà Duy, mấy chục sinh viên bật khóc nức nở. Các bạn không thể nào tin được một người bạn hiền lành, chăm học của mình lại có thể là người tay vận chuyển ma túy. Tuy nhiên, sau phiên xử phúc thẩm Duy 6 ngày, TAND Tp HCM tiếp tục mở phiên xét xử một sinh viên người Thái Lan, cũng với hành vi và tội danh tương tự. Tháng 1/2011, Preeyanooch Phuttharaksa (23 tuổi, sinh viên ngành kiến trúc, ngụ TP Bangkok) "tình cờ" quen một người đàn ông người Nigieria tên Nalin tại Bangkok. Từ đây cô cũng đã rơi vào bẫy của bọn tội phạm, chuyển ma túy cho chúng từ các nước châu Phi về.
Ngày 17/10/2011, cô từ Thái Lan bay sang Benin, xách chiếc vali bay ngược từ Benin - Casablanca - Doha đến TP HCM. Ngoài việc được bao chi phí vé máy bay, tiền tiêu xài 1.000 USD, cô còn được trả công 50.000 baht cho lần vận chuyển ma túy này. Tối 29/10/2011, khi Preeyanooch đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thì bị lực lượng an ninh và hải quan cửa khẩu sân bay kiểm tra, phát hiện trong đáy vali với hơn 3kg tiền chất Methamphetamine.
Trước đó, ngày 28/4, TAND TP HCM cũng đưa ra xét xử và tuyên Hema Malini Kandasamy (quốc tịch Malaysia) tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Hema được một người là Valen quốc tịch Nigieria làm quen. Valen nhờ Hema qua Việt Nam với danh nghĩa là du lịch để mang giúp túi xách về tới sân bay Malaysia. Ngày 28/6/2011, Hema bị bắt cùng với một túi du lịch trong đó chứa một khối lượng lớn hêrôin. Do Hema không biết trong đó có ma túy, nên tòa tuyên phạt 20 năm tù.
Trước khi Hà Duy và Hạ Tiên phạm tội đúng 1 năm, ngày 29/7/2010 TAND TP HCM cũng đã đưa ra xét xử hai sinh viên là Hà Thị Ngô, sinh viên Đại học Kiến trúc Tp HCM, và Nguyễn Thị Phước, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng. Một người da đen xưng tên Kenvil quốc tịch Nigieria đã làm quen và nhờ hai cô gái này vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam sang Trung Quốc, được cất giấu trong sách và dép. Bản án dành cho hai cô gái này là 20 và 18 năm tù…
Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nhận định: Tội phạm ma túy gốc Phi đang chuyển hướng mạnh vào việc sử dụng các nữ sinh, học sinh tham gia vận chuyển xuyên quốc gia. Thủ đoạn của chúng là lân la làm quen với các nữ sinh viên, hoặc lên mạng làm quen qua các phương tiện kết nối như Yahoo! Messenger, Facebook… sau đó nhờ vả và có trả công. Các nữ sinh mất cảnh giác, sau mấy chuyến trót lọt và khi phát hiện được âm mưu của bọn tội phạm, phần thì bị khống chế dọa xử thủ tiêu, phần bị dọa nếu tố cáo thì cũng bị pháp luật xử lý, có lúc lại thấy việc làm cũng dễ có tiền…, nên đã khó lòng rút ra.
Rõ nhất về tình hình tội phạm ma túy gốc Phi, trước phiên xử Ngô và Phước 1 tháng, Cục CSĐT tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an đã đề nghị truy tố 8 bị can về tội "Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý", trong đó 5 đối tượng có quốc tịch Nigieria. Thủ đoạn của chúng vẫn như trên, nhờ phụ nữ, nữ sinh viên vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam, rồi từ Việt Nam chuyển sang các nước thứ ba, dưới danh nghĩa nhờ mang giùm hàng mẫu, quà tặng, trong đó chúng giấu ma túy trong cúc áo, giày dép, sách vở, vali, giấu trong cơ thể... Từ năm 2008 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã vận chuyển tới 11kg chất ma túy.
Mặc dù là rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm, nhưng các nạn nhân vẫn phải chịu hình phạt với khung cao nhất là tử hình. "Tương lai của tất cả cô gái bị bắt trong đường dây ma túy xuyên quốc gia nêu trên đều đã đóng sập lại", một đại diện Hải quan cửa ngõ hàng không phía Nam nói. Ông còn cho biết, càng về sau này, tội phạm ma túy có xu hướng chuyển sang sử dụng cả người lao động nghèo, phụ nữ lớn tuổi… để vận chuyển cũng theo cách gài bẫy như trên.
Thiết tưởng đã có quá nhiều câu chuyện, nhiều vụ án để các nữ sinh viên cảnh giác