Nữ sinh trường múa chết chìm trong khói trắng
Trời phú cho khả năng nghệ thuật. Nếu không gặp phải gã bạn trai hư hỏng và được sống trong một gia đình tốt thì chắc hẳn giờ này, Nguyễn Thu Trang đã trở thành một nghệ sĩ múa. Cô càng không phải ngồi ở đây để gặm nhấm quãng đời đen bạc của mình...
Nhân thân “đặc biệt”
Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1987, đến từ TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái và bị kết án 8 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Hiện, Trang đang phải trả án ở Phân trại số 5, Trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ. Mới hơn hai chục tuổi đời, vậy mà Trang có đến non nửa quãng thời gian ấy không sống cùng gia đình. Trong ký ức của cô, gọi là gia đình, song thực ra chẳng mấy khi Trang được hưởng một không khí gia đình trọn vẹn và đúng nghĩa của nó. Chỉ vài tháng trước đây, cô mới thực sự cảm nhận tường tận được nét mặt của bố khi ông xuống thăm con gái ở trại giam. Trang bảo: “Cái số của em nó thế nên chẳng biết làm sao được!”. Rồi Trang kể, cô là đứa con độc nhất, nhưng khi vừa mới sinh ra thì bố cô đã phải đi ở tù. Lớn lên một chút, mẹ cô cũng “nối gót” chồng. Tất cả cũng tại ma túy. Và điều không còn xa lạ đối với Trang là phần lớn những người đã “trót” bị ma túy trói buộc thì dù là “con nghiện” hay chỉ buôn bán kiếm lời cũng khó lòng mà dứt được ra. Với cái thực tế cay đắng đó, thế nên bố mẹ Trang cứ hết lần này đến lần khác thay nhau ra vào trại.
Trang lý giải về cái sự tăm tối của gia đình mình bắt nguồn từ việc người cha “không may” nghiện ngập. Trước đó, bố cô là một cán bộ ngành thuế của tỉnh. Khi cơn lốc ma túy ùa về, bố Trang lập tức “dính chưởng”. Bị sa thải, trong khi không có tiền để thỏa mãn ảo giác, bố cô đã trở thành một kẻ buôn bán “cái chết trắng” từ lúc nào không hay. Ông ta bị bắt, bị đưa đi cải tạo, nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Nhắc đến bố, Trang khoe: “Giờ thì bố em hết nghiện rồi. Bố cũng đã tỉnh ngộ và làm ăn chân chính bằng việc đi bỏ mối sim, thẻ điện thoại”. Tuy cô khoe với chúng tôi thế, nhưng tận đáy lòng, Trang vẫn chưa thật sự tin tưởng, lạc quan. Nói đến mẹ, Trang ậm ừ: “Thú thật giờ em cũng chẳng biết mẹ ra sao nữa. Mẹ em cũng đang phải ở trại mà”. Thế rồi cô lảng tránh, mặc cho chúng tôi cứ gạn hỏi chuyện gia đình.
Hồi tưởng lại tuổi thơ, Trang hồ hởi: “Em lớn khôn là do ông bà nội nuôi dưỡng và vun đắp. Ông bà thay nhau đút cho em từng thìa cơm, rồi dạy em từng nét chữ”. Ngày nhỏ Trang là một cô bé học rất giỏi, lại có tài năng trời phú về nghệ thuật múa. Vì thế mà chẳng bao giờ cô bé vắng mặt trong các kỳ cuộc, lễ tết ở trường và ở địa phương. Trang tham gia sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh và nhanh chóng trở thành hạt nhân. Đầu năm học lớp 9, trường Múa Việt Nam về Yên Bái săn tìm nhân tài. Chỉ sau vài động tác cơ bản, cô bé đã là 1 trong 3 người được tuyển chọn và đưa về Thủ đô học tập, rèn giũa để thành tài. Vậy nhưng ngay sau cái thời điểm ấy, cuộc đời của Trang bỗng bị bẻ ngoặt sang một hướng khác, mà ở đó chẳng có ai trông đợi.
Và ngã rẽ cuộc đời
Trong gần 800 phạm nhân nữ đang phải trả án ở Phân trại số 5, mỗi người đều có một con đường, hoàn cảnh phạm tội riêng và đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Những ngón tài lẻ, năng khiếu của họ vì thế mà cũng không ai giống ai. Phạm nhân này thì rất tinh xảo trong đan lát, thêu thùa hoặc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Phạm nhân kia thì lại có tài nấu nướng, chế biến các món ăn. Chỉ nói riêng về khả năng nghệ thuật thôi cũng đã có đến hàng tá “sao mai”, “diễn viên”. Vậy nhưng đối với loại hình ngôn ngữ hình thể thì không ai bằng được phạm nhân xuất thân từ trường múa. Cũng chính nhờ cái “ngón nghề” ấy mà ngay ở môi trường đặc biệt này, Trang vẫn trở thành một “nghệ sĩ” của vô số người.
Nhớ lại cái quãng đời đen bạc, Trang tâm sự mà như tự trách bản thân và trách số phận: “Tại hồi đó em còn quá nhỏ dại, lại không có người lớn uốn nắn, kèm cặp. Em trượt ngã một cách đơn giản mà chẳng tài nào đứng lên nổi”. Thời kỳ sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh Yên Bái, cô học sinh lớp 9 này thường “chạm phải” ánh mắt vời vợi của một thanh niên hơn cô đến gần chục tuổi, thường ngồi ở quán nước ngoài cổng mỗi khi Trang ra về. Những ngày đầu, Trang chẳng thèm quan tâm. Nhưng dần dà, ánh mắt như có lửa kia đã làm cô xao động.
Một buổi chiều nọ, anh chàng kiếm cớ làm quen và lẵng nhẵng theo sau. Trang hốt hoảng, xua đuổi anh ta chẳng khác nào đuổi tà. Song trước vẻ công tử, điển trai, ga lăng và bám “dai như đỉa” của anh ta, cô bé đang tuổi dậy thì đã hoàn toàn bị “đánh gục”. Đầu năm học lớp 10, trước khi khăn gói về Hà Nội theo nghiệp múa, Trang chính thức nhận lời làm người yêu của anh chàng công tử kia. Ít lâu sau, bạn trai Trang tổ chức sinh nhật ở một quán bar tại Yên Bái. Trước sự nài nỉ của người yêu, cô trốn học lẳng lặng nhảy tàu về dự tiệc. Tối đó, người yêu cô khoản đãi bạn bè món đặc biệt - heroin. Lúc mọi người chia nhau thứ bột trắng, Trang cũng lờ mờ nhận thức được “vấn đề”, nhưng vẫn không cưỡng lại được đám người trong bữa sinh nhật thác loạn ấy. Và rồi, ngay trong đêm đó, cô bé chính thức trở thành… đàn bà.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Trang bảo: “Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy mình và người yêu tồng ngồng trong nhà nghỉ, em thật sự hoảng. Lúc đó, em mới biết người yêu em chơi ma túy. Em bật khóc và khóc như mưa. Anh ấy dỗ dành, hứa hẹn, rồi em cũng nguôi ngoai”. “Vì sao sau đó, em không rời xa bạn trai ngay đi?” - chúng tôi ướm hỏi. Đôi mắt cô gái ngồi đối diện thoáng buồn, nhưng giọng nói thì uất hận: “Trót yêu rồi… Em lại không còn là con gái nữa nên rất sợ bị anh ấy bỏ rơi”. Bắt thóp được điểm yếu này của Trang, thế nên sau cái lần đầu tiên ấy, gã bạn trai của cô càng đẩy cô lún sâu vào ma túy. Thời kỳ đầu, anh ta cố gắng chu cấp tiền mua “thuốc” để Trang được “lên mây”. Nhưng khi nhận thấy cô bé đã thực sự biến thành một con thiêu thân rồi thì anh ta quay sang ngả bài. Do đó, số lần Trang bỏ học và nói dối ông bà ngày một dày thêm. Toàn bộ số tiền ăn học hàng tháng nhận được từ ông bà, chú bác, cô đều dùng cả vào việc “thưởng thức” những làn khói mờ sương. Thời điểm đó cũng là thời kỳ Trang biết đến quán bar, vũ trường ở Hà Nội. Thế nhưng đến cuối năm học, cô bé bị nhà trường phát hiện nên bị đuổi học. Trang xách ba lô hồi hương để tiếp tục cuộc sống sa ngã với gã người yêu và cũng là bạn nghiện.
“Gần như là một quy luật, nghiện và cung cấp hàng cho các con nghiện khác luôn là những giai đoạn kế tiếp nhau”, Trang bảo thế. Thế nên cô cũng khó mà thoát khỏi cái vòng xoáy tội lỗi ấy, nhất là khi cô bị gã người yêu “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” vì đói ma túy. Để có tiền, ngày 3-4 lần đưa “thuốc” vào người cho cả mình và bạn trai, Trang quay sang “sáo” ma túy. Cô tìm mối mua heroin, sau đó mang về xé lẻ ra bán và giữ lại một phần để dùng. Vậy nhưng con đường tội lỗi của Trang đã nhanh chóng phải chấm dứt. Đó là ngày 17/1/2008, cô bị lực lượng Công an Yên Bái bắt quả tang khi đang bán ma túy cho một con nghiện… Giờ đây nghĩ lại, cô nữ sinh trường múa thuở nào không khỏi ớn lạnh, hãi hùng. Song nhìn về tương lai, cái ngày mãn hạn tù không xa, Trang vẫn thấy hơi mờ mịt: “Em cũng chưa biết thế nào và cũng chẳng có gì chắc chắn cả. Chỉ sợ mình không vượt qua nổi chính mình”!