Nỗi lòng của con rể giết mẹ vợ

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Câu chuyện buồn về chàng rể hiếu nghĩa nhưng kém hiểu biết đã gây ra hậu quả đau lòng.

Sau khi đưa mẹ vợ đi khắp nơi chữa căn bệnh vảy nến nhưng kết quả chẳng ăn thua, Lý Văn Tư nghĩ rằng hạ sát mẹ vợ sẽ là cách giải quyết tốt nhất, vừa để giải thoát cho bà khỏi phải chịu đựng sự hành hạ của căn bệnh khó trị, vừa để tránh cho những người trong nhà bị lây bệnh. Chính Tư cũng không ngờ, chỉ vì sự hiểu biết nông cạn của mình mà Tư phải trả giá bằng án tù chung thân về tội giết người.

Từ chàng rể hiếu nghĩa …

Chúng tôi gặp phạm nhân Lý Văn Tư ở trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII – Bộ Công An). Với đôi mắt ướt nhòe, Tư than thở: “Giá như tôi được ăn học tử tế, hiểu biết pháp luật thì dại gì tôi hành động như thế, để bây giờ vào đây, bố mẹ già và đám con nhỏ dồn hết lên đôi vai vợ tôi phải chăm sóc”.

Gia đình Tư vốn ở xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Kể về hoàn cảnh gia đình minh, phạm nhân này cho biết, nhà anh ta thuộc diện khó khăn nhất xóm. Quanh năm suốt tháng, Tư chỉ biết đến có mấy sào ruộng. Đến vụ thu hoạch mía, Tư lại sang các làng khác đi chặt mía thuê cho người ta nhưng công xá chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, ba đứa con của gia đình Tư đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa giúp gì được cho bố mẹ. Hơn thế nữa, bố mẹ Tư tuổi cũng đã cao nên vợ chồng anh ta bàn nhau đón bố mẹ về nuôi dưỡng. Một gia đình nhiều miệng ăn, trong khi đó, chỉ dựa vào đồng tiền công ít ỏi của Tư thì chẳng thấm vào đâu. Vì thế, vợ Tư đành phải để mấy bố con ở nhà tự chăm sóc nhau, rồi xin vào làm công nhân cho một công ty ở địa phương khác. Mỗi tháng, trừ tiền chi phí sinh hoạt, vợ anh ta cũng dành dụm gửi được về cho gia đình vài trăm nghìn đồng. Còn Tư, Tư vừa đi làm thuê, vừa thay vợ quán xuyến gia đình, chi tiêu dè xẻn cũng chẳng đủ ăn.

Kể đến đây, Tư đưa ánh mắt liếc nhìn những người đang ngồi đối diện, rồi anh ta khẽ thở dài: “Vợ chồng tôi đi làm ăn quần quật suốt ngày mà cũng chẳng nuôi nổi các con theo học hết cấp một. Trước đây, nhà tôi năm nào cũng được nhận tiền trợ cấp của nhà nước. Nhưng cách đây vài năm, vì ngôi nhà tranh của chúng tôi đã quá cũ, hễ mưa là dột tứ tung, vợ chồng tôi làm đơn và được ưu tiên vay 6 triệu đồng để xây mới lại. Nhưng không ngờ, khi nhà vừa mới cất xong thì “danh hiệu hộ nghèo” cũng bị tước luôn. Từ đó, chúng tôi chẳng được ưu tiên hỗ trợ gì của nhà nước nữa”.

Tư bảo rằng, tuy nghèo nhưng gia đình mình vẫn trong ấm ngoài êm. Thỉnh thoảng anh ta lại về huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc thăm hỏi và động viên mẹ vợ, vì mẹ vợ Tư sống một mình. Ngay từ khi vợ Tư mới bi bô tập nói thì bố mẹ vợ anh ta đã chia tay nhau, mẹ vợ anh ta ở vậy nuôi con.

Lúc này, Tư hơi cúi mặt bộc bạch: “Không phải tôi là con rể mà nói xấu mẹ vợ đâu, nhưng bà ấy nổi tiếng là khó tính và chanh chua ở làng. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ dẫu sao bà cũng là người sinh thành ra vợ mình nên dù có đôi lúc bà nói rất khó chịu nhưng tôi không bao giờ để ý chuyện đó. Nhiều lần tôi bàn với vợ đón mẹ về ở cùng để tiện bề chăm sóc. Nhưng, chỉ được dăm bữa nửa tháng là bà ấy lại lấy cớ gây sự với mọi người trong nhà. Sau đó, bà ấy nhất quyết đòi xuống Hà Nội làm ô sin cho người ta. Rồi, cách đây vài năm, trong một lần về quê thăm cháu, mẹ vợ tôi chỉ vào mái tóc tả tơi, nhuốm vảy trắng mà than phiền gội phải dầu gội rởm nên bị dị ứng ngứa ngáy rất khó chịu đã nhiều ngày, bôi đủ thứ thuốc mà vẫn không đỡ. Lúc đó, tôi cũng nghe thấy nhưng chỉ nghĩ chắc vài bữa, khi hết chất dầu gội rởm trên đầu thì bà hết ngứa nên cũng chẳng bận tâm lắm. Nào ngờ, vài tháng sau, mẹ vợ tôi điện thoại về nhà thông báo, những vệt mốc ở đầu đã loang lổ khắp chân tay. Chủ nhà ở Hà Nội đã đưa đi khám chữa nhưng không khỏi, suốt ngày mẹ tôi ngứa ngái gãy sồn sột không làm được việc nên họ cho nghỉ luôn. Mẹ tôi kể, sau đó, bà tiếp tục đi xin việc nơi khác nhưng chỉ được vài bữa họ lại đuổi việc. Biết bệnh của mẹ đã trở nên nghiêm trọng, tôi vội vàng bỏ hết công việc nhà để xuống Hà Nội đưa mẹ đi khám. Lúc đó, bác sỹ đã tư vấn bệnh tình của mẹ có thể chữa khỏi nhưng nhất thiết phải nằm viện điều trị và sẽ tốn kém một khoản không nhỏ.

Nghe vậy, tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết bấu víu vào đâu để lo tiền chữa chạy thuốc thang cho mẹ nên đã bàn với bà xin về nhà điều trị ngoại trú, rồi mua thuốc và đi kiểm tra đều đặn theo khả năng kinh tế của gia đình, cố được tới đâu thì hay tới đó. Để tiện chữa trị mà tiết kiệm được chi phí ăn ở so với Hà Nội, tôi bàn với mẹ vợ xin ở nhờ nhà em gái của bà ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, khi nào đến hẹn khám lại, tôi sẽ xuống nhà dì, đón mẹ về Hà Nội khám cho tiện. Gần một năm ở nhờ nhà em gái để điều trị ngoại trú, nhưng bệnh tình của mẹ tôi không hề thuyên giảm, những đốm trắng đã lan ra khắp người. Suốt ngày bà chỉ ngồi một chỗ, chân tay gãi liên hồi, miệng thì rên rỉ khó chịu. Nhiều chỗ bà ấy gãi tứa cả máu, vẩy trắng bay tứ tung khắp nhà. Cực chẳng đã, dì vợ lại gọi điện với tôi là sẽ thuê phòng trọ cho mẹ vợ tôi ở để cách ly và tiện chữa bệnh. Nghĩ phận làm con, tôi không đành để mẹ đi ở trọ mà thu xếp đón bà về Tuyên Quang ở cùng. Hơn nữa, có thầy lang gần nhà cũng quả quyết là có thể chữa được căn bệnh vảy nến của mẹ vợ tôi nên tôi càng yên tâm đón bà về …”

Rồi, như thể muốn thanh minh điều gì đó cho việc làm sau này của mình, Tư ngước lên nhìn chúng tôi, giọng nghe nói rõ ràng hơn. Tư nói: “Khi tôi chuẩn bị thu dọn đồ đạc để đưa mẹ về Tuyên Quang, thì bỗng dì ghé tai nói nhỏ rằng, bênh này lây lan kinh lắm đấy, chỉ cần một cái vẩy rơi vào người là có thể bị nhiễm ngay. Vì thông tin đó mà khiến tôi bị ám ảnh suốt và đã khiến tôi đưa ra quyết định tội lỗi sau này”.

… biến thành kẻ sát nhân

Theo lời của Tư, khi đưa mẹ vợ từ Vĩnh Phúc về Tuyên Quang, hôm đầu tiên anh ta sắp xếp cho bà T. (tên mẹ vợ Tư) một manh chiếu nằm riêng ở một chỗ, để cách ly với những thành viên khác trong gia đình. Theo Tư lý giải, dù không có thành kiến gì với bà T., nhưng những lời của dì vợ nói cứ khiến Tư lo lắng không yên. Tư luôn nhắc mọi người trong nhà tránh xa bà T. nếu không sẽ lây bệnh.

Mấy ngày sau, Tư mua bạt ni lông dựng một túp lều cách nhà anh ta ở khoảng 200m để cách ly bà T. cho an toàn. Tư bảo rằng mỗi ngày anh ta phải gánh đủ cho mẹ vợ 6 đến 7 gánh nước để bà T. tắm táp giặt giũ cho sạch, không để vẩy nến trên người bay tứ tung. Mỗi lần vào lều mang cơm nước cho bà T., Tư đều phải cẩn thận đi ủng, găng tay kín mít để tránh bị lây nhiễm.

Thế nhưng, vì nghĩ căn bệnh của bà T. vẫn có thể chữa trị được nên Tư cố gắng đưa mẹ đến gặp hết thày lang này đến thày lang khác. Có người kê đơn, bảo bà uống hết vài thang thuốc là sẽ khỏi, Tư vẫn miệt mài sắc thuốc cho mẹ uống, nhưng kết quả không khả quan. Hằng đêm, bà T. luôn rên rỉ vì sự ngứa ngáy khó chịu.

Rồi, một hôm, bà T. nói với Tư: “Chắc bệnh của mẹ không chữa được đâu. Mày mua cho mẹ lọ thuốc sâu để mẹ uống cho chết quách đi là xong!”. Cả đêm đó, Tư không thể nào chợp mắt được vì những suy nghĩ vẩn vơ. Tư nghĩ hay là cứ để bà T. chết đi, chứ cứ để bà ấy trong nhà thì sớm muộn gì mọi người cũng sẽ bị lây căn bệnh vẩy nến khó trị đó?. Hơn nữa bà ấy sống chắc cũng sẽ khổ không bằng chết. Nghĩ vậy nên Tư quyết định rat ay sát hại mẹ vợ. Nửa đêm hôm đó, anh ta đeo ủng, mặc áo mưa, đeo găng tay cao su, rồi cầm một túi ni lông đựng dây thừng để siết cổ bà T. Nhưng sau đó, sợ bị lộ, Tư bỏ cuộn dây thừng, lấy chiếc búa đinh vẫn thường gài trong lều của bà T. ở đập liên tiếp nhiều nhát chí mạng vào người bà T., khiến mẹ vợ anh ta tử vong ngay sau đó.

Ngày 26/5/2011, Tư bị TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên phạt tù chung thân vì tội giết người.

Giờ đây, ngồi phía sau song sắt, Tư không khỏi hối hận về tội lỗi của mình đã gây ra. Nước mắt giàn giụa, Tư tự trách bản thân rằng: “Tôi chỉ nghĩ giết người bị bệnh như mẹ vợ tôi thì tội chắc sẽ nhẹ, không ngờ tôi đã tự gây họa cho mình …”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo C.C ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN