Nhói đau vụ xử xe Matiz kéo lê nạn nhân đến chết

Thái Bình đang tăng cường xét xử các vụ án vi phạm Luật GTĐB gây TNGT nghiêm trọng.

Nhói đau vụ xử xe Matiz kéo lê nạn nhân đến chết - 1

Rất đông người dân tham dự phiên xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Hữu Đăng trong mưa rét

Thái Bình đang tăng cường xét xử các vụ án vi phạm Luật GTĐB gây TNGT nghiêm trọng. Các phiên xét xử không chỉ tạo hiệu quả răn đe mà còn để lại những bài học, thông điệp quý về việc phải chấp hành nghiêm Luật GTĐB.

Phiên tòa “nóng” giữa ngày đông lạnh

Sáng 14/1, dù trời mưa, lạnh, rất đông người dân huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) vẫn tạm gác bộn bề công việc cuối năm để tập trung tại Trung tâm Thể thao, văn hóa huyện Quỳnh Phụ xem xét xử lưu động bị cáo Nguyễn Hữu Đăng (SN 1981, trú tại thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Bị cáo Đăng có GPLX B2 nên mở quán sửa chữa xe máy và kiêm luôn dịch vụ taxi. Khoảng 18h ngày 31/7/2015, Đăng lái ôtô Matiz loại 4 chỗ ngồi, BKS 16H-7482 dùng kinh doanh dịch vụ taxi đi đón khách ở Ninh Giang (Hải Dương). Khi đến Km 11+955 đường 396B, cách cầu Hiệp khoảng 300m, xe của Đăng lấn vào làn đường xe thô sơ, chạy tốc độ nhanh (60-65 km/h) nên đã đâm vào phía sau hai xe đạp điện của em Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Lưu (cùng SN 1998, trú tại thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ).

"Năm 2015, Thái Bình đã xét xử lưu động hàng chục vụ án vi phạm Luật GTĐB. Do tính chất và sự quan tâm của nhân dân trong các vụ án này, các phiên xét xử lưu động vừa lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật TTATGT, vừa có tác dụng răn đe, giáo dục người dân cần chấp hành nghiêm Luật GTĐB”.

Ông Lê Phương Huy- Chánh văn phòngBan ATGT tỉnh Thái Bình

Cú đâm khiến em Tuyên đập người vào kính trước ôtô, cuốn vào gầm và bị ôtô đẩy đi; còn em Lưu bị ngã vào lề đường. Lúc này, vợ chồng anh Nguyễn Viết Vinh (SN 1988) và chị Phạm Thị Duyên (SN 1983), trú tại xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ đi xe môtô AirBlade ngang qua, thấy gầm xe ôtô của Đăng có hai bàn tay (không nhìn thấy đầu và thân người) đang bám vào ba-đờ-sốc của ôtô và có tiếng kêu “Dừng xe lại”. Anh Vinh lập tức điều khiển môtô đuổi theo gọi Đăng dừng xe. Đến đỉnh cầu Hiệp, anh Vinh đuổi kịp và chạy song song với xe ôtô của Đăng. Anh hô to: “Dừng xe lại” nhưng Đăng tiếp tục tăng tốc chạy. Đến địa phận thôn Hào Khê, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, xác em Tuyên rơi khỏi gầm xe, còn Đăng tiếp tục lái ôtô chạy và bị bắt giữ tại Ninh Bình.

Tại phiên tòa, Đăng khai, khi gây tai nạn, nghĩ em Tuyên đã tử vong nên quá hoảng sợ, điều khiển xe ôtô bỏ trốn và không biết Tuyên bị giắt vào gầm xe, cũng không nghe tiếng kêu cứu. Đăng có thấy một người đàn ông chạy xe AirBlade đuổi theo nhưng nghĩ là người nhà nạn nhân đuổi đánh nên vẫn bỏ chạy.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, sau khi gây tai nạn, Đăng đã bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm chứ không chỉ đơn thuần vì sợ hãi. Bởi bị cáo đã điều khiển phương tiện chạy một quãng đường dài từ Thái Bình qua Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình và có gọi điện cho người thân, kể về vụ tai nạn và dặn ai hỏi thì nói là đã đi Nghệ An đón khách. Với tình tiết tăng nặng này, Tòa đã tuyên phạt Đăng mức án 6,5 năm tù, tước GPLX, cấm hành nghề kinh doanh vận tải trong 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Nỗi đau để lại

Trong suốt phiên xét xử, bà Đặng Thị Bính, mẹ nạn nhân Tuyên liên tục khóc. Chồng mất sớm do tai nạn lao động, bà Bính dồn sức nuôi cậu con trai duy nhất là Tuyên. “Lớp 12, cháu đã cao hơn 1m7, nặng 65 kg. Không thể có chuyện cuốn một người to lớn như vậy vào gầm xe mà nói là không biết. Bị cáo đã bồi thường 85 triệu đồng cho gia đình. Tôi không có yêu cầu về mặt dân sự, chỉ mong Tòa xử đúng người, đúng tội để con tôi ra đi thanh thản”, bà Bính nghẹn ngào.

Ông Nguyễn Văn Tú, lái xe “ôm” ở bến xe thị trấn Quỳnh Côi cho hay, hoàn cảnh gia đình bị cáo và nạn nhân đều khốn khổ sau tai nạn. Chị Bính giờ chỉ còn lại một mình, gia đình Đăng lao đao khi Đăng là lao động chính, hai con còn nhỏ dại. “Giá như cậu ấy cẩn thận hơn khi tham gia giao thông”, ông Tú nói.

Tại phiên xét xử, ông Phạm Xuân Hà, Đại diện Viện Kiểm sát huyện Quỳnh Phụ nhấn mạnh, hiện nay, vi phạm TTATGT trên địa bàn Quỳnh Phụ tương đối nhiều. Chỉ tính đến đầu tháng 12/2015, huyện đã xảy ra 23 vụ làm chết 26 người, 7 người bị thương. “Nguyên nhân chính gây TNGT do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế. Bị cáo Đăng đã học Luật GTĐB nhưng vẫn chạy xe nhanh, đi không đúng phần đường trong thời tiết mưa, tầm nhìn hạn chế, trời tối là điển hình cho việc vi phạm Luật GTĐB. Sau khi gây tai nạn, bị cáo còn điều khiển xe bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Hành vi cùng với suy nghĩ của bị cáo rất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cần bị xã hội lên án”, ông Hà nói.

“Qua phiên tòa này, đề nghị mọi người cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, biết tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân mình và người khác để xã hội trật tự, an toàn hơn”, ông Hà kêu gọi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Quỳnh (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN