Người phụ nữ tìm lại “một nửa” sau thời gian ở tù
Có những lúc, chị muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời mình trong trại cải tạo. Nhưng nhờ sự động viên, khuyên nhủ của các giám thị và đặc biệt là nỗi nhớ các con đã giúp chị vượt qua mọi khó khăn. Giờ đây khi đã hoàn lương chị mới biết quý trọng những gì mình đang có.
Chị Hồng đang có được hạnh phúc bên gia đình sau khi hoàn lương. Ảnh: Đức Tùy
“Ngày bị bắt tôi nghĩ cuộc đời đã hết”
Khi gặp chị Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Hà, Hải Dương), chúng tôi được nghe câu chuyện về con đường hoàn lương trở về với cuộc sống thực tại của chị. Sau nhiều lần động viên, chị đã mở lòng chia sẻ chuyện đời đẫm nước mắt mà nhiều lúc chị muốn quên đi, chôn vùi mọi thứ để lương tâm không bị giằng xé. Những lúc như vậy nước mắt chị lại rơi và từ sâu trong suy nghĩ, chị Hồng cho rằng, chính sự vấp ngã đó đã giúp mình biết trân trọng hơn giá trị của hạnh phúc gia đình.
Bên chén trà nóng ấm của những ngày đông, chị Hồng kể về cuộc đời của mình 10 năm về trước. Cái ngày mà chị bị lực lượng chức năng bắt giữ vì tội môi giới mại dâm và sau đó kết án 8 năm tù giam. “Lúc đó, tôi nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết, vì không còn chỗ nào để tôi nương tựa và bấu víu. Trong khi, chồng thì bỏ, một nách nuôi hai con nhỏ và bố mẹ đã già yếu, nhưng biết làm thế nào được khi bản thân tự gây ra tội thì mình phải gánh chịu”, chị Hồng tâm sự.
Sau 9 tháng tạm giam tại Trại Kim Chi (TP Hải Dương), cuối năm 2007, chị được đưa về Trại giam Hoàng Tiến để cải tạo. Đối với chị, những ngày trong trại giam dài vô tận, nhưng chị không than thân, trách phận vì những lỗi lầm do mình gây ra. Khi đó, chị Hồng chỉ thương hai con gái còn nhỏ và bố mẹ sẽ sống ra sao khi chịu lời thị phi của người đời. Mỗi đêm xuống, chị nhớ con nhỏ, thèm khát mái ấm gia đình và chị lại khóc một mình. Những lúc như vậy, chị chỉ biết làm bạn với cuốn nhật ký trong trại giam đẫm nước mắt để quên đi mọi thứ. Chị cho biết: “Có nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết trong tù để được giải thoát cho bản thân, nhưng cứ nghĩ đến các con tôi lại bừng tỉnh. Nghĩ nhiều, khóc nhiều cũng chẳng ích gì bằng cảo tạo tốt sớm được ra tù để làm lại từ đầu”.
Nhờ sự động viên, hướng dẫn tận tình của các giám thị trong Trại giam Hoàng Tiến, chị Hồng đã dần nguôi ngoai về quá khứ tội lỗi của mình để lao động và giúp đỡ nhiều chị em là phạm nhân cùng cảnh ngộ. Sau những nỗ lực cố gắng và được giám thị ghi nhận, năm 2013, chị Hồng được hưởng chính sách đặc xá của Nhà nước và trở về địa phương.
Gia đình là điểm tựa
Chị Hồng kể, gia đình mình có đông anh em nhưng ai cũng được học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp THPT, chị viết đơn hăng hái tham gia nhập ngũ và sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1984, chị Hồng phục viên. Một năm sau, chị xây dựng gia đình với người chồng cùng huyện. Tuy nhiên, do sự chênh lệch quá nhiều về tuổi tác đã khiến hôn nhân của vợ chồng chị đổ vỡ sau 5 năm. Ngày vợ chồng chị ra toà li hôn, hai con gái còn quá nhỏ khiến cho chị không cầm được nước mắt. Dắt hai con về ngôi nhà được chia một nửa để bắt đầu cuộc sống mới, chị không thể tin được sự khốn khó, cùng cực sau khi li hôn và cũng chính từ đây cuộc đời chị đã rẽ theo một hướng khác.
Vốn là người tháo vát trong làm ăn, chị mở quán ăn và nhận thêm 5 sào ruộng khoán cũng đủ cho ba mẹ con sinh sống qua ngày. Từ khi mở quán ăn, chị bị nhiều bạn xấu lôi kéo rủ rê làm môi giới mại dâm. Thế rồi, chị đã đi vào con đường tội lỗi, sau đó chị bị bắt. “Những ngày trong tù, ngoài các con đến thăm nuôi thì chồng cũ của tôi cũng đến động viên và chia sẻ. Nhiều lần anh viết thư để mong tôi cải tạo tốt. Từ đó, tôi mới nhận ra hạnh phúc thật giản đơn và cũng rất xa vời nếu như bản thân mình không biết trân trọng. Cho nên ngày ra tù, hai vợ chồng tôi lại về sum họp với nhau”, chị Hồng tâm sự.
Ngày trở về, chị mừng khi được bù đắp cho các con, nhưng cũng lo về con đường hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng không hề đơn giản như chị nghĩ. Hơn 3 tháng đầu, chị không dám ra khỏi nhà vì xấu hổ với bản thân, lời dị nghị và xa lánh của mọi người. Nhưng nếu cứ trốn tránh mãi như vậy thì lấy gì để nuôi con và làm lại từ đầu. Xác định vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, được sự giúp đỡ của các ngành đoàn thể, chính quyền và động viên của gia đình, các con cùng chồng, chị dần lấy lại cân bằng cuộc sống.
Trước cuộc sống khó khăn của gia đình, chị mạnh dạn vay vốn để mua sắm một số máy nông cụ nông nghiệp làm thuê. Nhận thấy, người dân bỏ nhiều ruộng không cấy, chị đã xin hơn 4 mẫu ruộng hoang để tập trung phát triển kinh tế, đồng thời, mở cửa hàng nhỏ để buôn bán trong lúc nông nhàn. Với sự chịu thương, chịu khó và biết tính toán, sau 2 năm, vợ chồng chị đã trả được toàn bộ số tiền đi vay để mua máy móc. Số dư còn lại chị sửa lại ngôi nhà cho chắc chắn và tập trung cho các con ăn học. Đến nay, các con chị đã có việc làm ổn định và cuộc sống ấm êm. Bản thân chị được nhiều hội, đoàn thể tín cử và bầu vào tổ chức. Thậm chí, nhiều người trong họ hàng đều xóa mọi mặc cảm với chị và giúp đỡ chị nhiều hơn trong việc phát triển kinh tế. Hiện tại, chị Hồng đã có được những gì mà mình đã từng đánh mất.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hồng luôn hối tiếc mình đã để mất quá nhiều thời gian, tuổi trẻ và giờ đây chị luôn trân trọng những thứ mình đang có. Chị bảo, trong cuộc đời ai cũng có lúc mắc phải những sai lầm. Quan trọng là chúng ta có dám đối diện với thực tại, vượt qua lỗi lầm và dám đứng lên từ chỗ mình vấp ngã để làm lại từ đầu hay không thôi.