Muôn mặt lừa đảo, giết người và cướp của

Cướp, trộm cắp, giết người đang có xu hướng gia tăng qua hình thức tiếp cận các hộ kinh doanh “nhạy cảm”, những gia đình ít người, chủ nhà thường đi làm vắng chỉ có người già, trẻ nhỏ hay người giúp việc ở nhà.

Đủ trò mạo nhận

10h ngày 28/8, đang ở một mình, chị Trang, trú tại tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, nghe tiếng gọi bên ngoài. Ra mở cửa, chị Trang bắt gặp 2 phụ nữ ăn mặc khá lịch sự, nhẹ nhàng: “Em nhận thuốc phun diệt muỗi hộ bọn chị nhé. Để bọn chị vào trong nhà kiểm tra sơ bộ xem ổ muỗi ở chỗ nào”. “Xin lỗi các chị ở đâu ạ?”, chị Trang hỏi. “Bọn chị bên Ủy ban phường, đang có chiến dịch phun thuốc diệt muỗi mà em”. Vừa định mời 2 phụ nữ vào nhà thì mấy người hàng xóm của chị Trang nghe chuyện chạy sang. “Các chị ở phường, vậy có giấy tờ gì không? Sao phun thuốc diệt muỗi mà không thấy thông báo trên loa”. Thấy có người đến, lại bị chất vấn, 2 phụ nữ lấy cớ không mang theo đủ thuốc, tìm cách lủi đi. Lúc này, có thêm nhiều người dân trong ngõ ùa đến. Trông bộ dạng 2 người phụ nữ, có hàng xóm của chị Trang lớn tiếng mắng là lừa đảo. “Không nhận phun thuốc sau này bị phạt thì đừng có trách nhé”, 1 trong 2 “cán bộ phường” đe trước khi bỏ đi. Về sau ra phường hỏi, chị Trang mới biết chẳng có chiến dịch phun thuốc muỗi nào.

Nghe kể lại câu chuyện này, ông Phan - Chủ tịch UBND phường Long Biên cho biết, sự cảnh giác của người dân tổ 14 không hề thừa. Bởi trước đó ít lâu, một hộ dân trên địa bàn đã bị lừa lấy mất gần 2 triệu đồng cũng bởi trò giả danh nhân viên cấp, phun thuốc diệt muỗi để tìm cách vào nhà lục lọi, trộm cắp tài sản. Bị hại trong vụ việc là bà cụ hơn 70 tuổi mới ở quê lên chơi nhà con dâu. Khi vợ chồng con dâu đi làm hết, ở nhà một mình, bà cụ đã vô tình mời “cán bộ phụ thuốc diệt muỗi” vào nhà.

Trước đó không lâu, tại phường Thạch Bàn, “hàng xóm” của phường Long Biên, cũng xảy ra một số vụ việc với thủ đoạn tương tự. Nhưng khi đó, kẻ gian lại mạo nhận là bạn bè của một thành viên trong gia đình. Chiêu lừa diễn ra tại gia đình bà Nguyễn Thị Mai, 81 tuổi. Lúc ấy, đang lúi húi chọn mua đôi dép trước cửa nhà thì có 2 người đàn ông đi xe máy xuất hiện. “Con chào bác, bác khỏe không ạ. Chúng con là bạn của Linh đây”, hai người đàn ông, 1 khoảng gần 50 tuổi, người còn lại trên dưới 30, đon đả bắt chuyện. “Hôm trước cưới Linh bọn con không đến dự được, hôm nay tới chúc mừng nó đây”.

Nghe nói thế, bà Mai tin lắm. Bỏ dở việc mua dép, bà Mai mời 2 vị khách vào nhà. Uống chưa xong chén nước, tay trẻ hơn lấy lý do muốn xem phòng cưới của vợ chồng Linh, tự ý đi lên tầng 2. Chừng 5 phút sau, anh ta đi xuống, tấm tắc khen nhà đẹp rồi xin phép bà Mai về. Đến khi vợ chồng cậu con trai đi làm về, bà Mai kể chuyện, mới giật mình: “Bọn con làm gì có bạn bè như thế”. Lên tầng 2 kiểm tra đồ đạc, gia đình bà Mai phát hiện bị mất 2 chiếc kiềng, 1 lắc và 2 nhẫn vàng (tổng cộng khoảng 11 chỉ vàng), và 7 triệu đồng tiền mặt để ở tủ phấn.

Ghi nhận của Phòng CSHS cho thấy, thủ đoạn của đối tượng hiện nay là tự nhận nhân viên tiếp thị, nhân viên phát quà, người quen, hay giả danh cán bộ phường, mục đích tìm mọi cách để vào được nhà, từ đó lục soát lấy cắp tài sản. “Điểm đến” của loại đối tượng này là những xóm trọ, các khu dân cư xa trung tâm, vắng người sinh sống, những hộ dân biệt lập. Ngoài trò nhận làm người quen hay nhân viên tiếp thị, có đối tượng còn vờ vào nhà xin uống nước, rửa tay, đi vệ sinh, thậm chí vờ bị tai nạn giao thông để tìm mọi cách xin vào trong nhà “con mồi”. Có trường hợp, đối tượng khống chế người già, trẻ nhỏ để thực hiện đến cùng hành vi phạm tội.

“Trọng hộ” - cần nêu cao cảnh giác

“Trọng hộ” là khái niệm chỉ những người sống độc thân, có điều kiện kinh tế khá giả, hoặc những hộ kinh doanh cá thể trên lĩnh vực nhạy cảm như vàng bạc, cầm đồ. Các hộ thuộc hệ “trọng hộ” thường được chính quyền cơ sở đưa vào diện quản lý để phòng ngừa nguy cơ phạm pháp có thể xảy ra. Song hơn hết, chính mỗi “trọng hộ” cần nêu cao ý thức cảnh giác, bởi họ luôn là đối tượng bị kẻ gian nhắm đến.

Phân tích một số vụ án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây có thể thấy nguy cơ và tính chất “nhiều rủi ro” của các hộ “trọng hộ”. Vụ giết, cướp tài sản tại hiệu vàng Vững Bắc, huyện Thường Tín; vụ sát hại nữ chủ quán cà phê Hương Sen tại quận Long Biên; vụ cháu họ sát hại cô tại phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; vụ người đàn ông đồng tính, sống độc thân bị sát hại tại quận Tây Hồ… Đối tượng phạm tội có thể có quan hệ quen biết, thân thiết với nạn nhân, song cũng có khi chỉ là tội phạm hoạt động lưu động.

Quá trình lang thang, tiếp xúc với nạn nhân, chúng phát hiện sơ hở và ra tay. Như vụ cướp, giết tại hiệu vàng Vững Bắc; trước khi chọn hiệu vàng này để thực hiện hành vi phạm tội, hung thủ Nguyễn Hữu Dưỡng đã có gần nửa ngày trời để tăm tia, phát hiện sơ hở và chọn thời điểm chỉ có một mình bà chủ tại cửa hàng mới ra tay thực hiện hành vi phạm tội hết sức man rợ. Tương tự là vụ giết, cướp tại quán cà phê Hương Sen, quận Long Biên. Quán Hương Sen là điểm dừng chân cuối cùng bằng xe buýt và đi bộ của gã thanh niên đã thủ sẵn dao trong người với toan tính duy nhất: cướp tài sản để có tiền ăn tiêu. Vị trí khuất nẻo trong ngõ, vắng người, vắng khách và duy nhất nữ chủ quán có mặt đã tạo điều kiện để hung thủ thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Thậm chí trước khi bỏ đi, y còn đủ thời gian xóa bỏ một số dấu vết tại hiện trường nhằm trốn tránh tội lỗi.

Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Phòng CSHS đề nghị nhân dân: nâng cao tinh thần cảnh giác, thấy người lạ mặt làm quen xin vào trong nhà thì không nên mở cửa mà yêu cầu họ gọi điện thoại cho người cần gặp. Nếu có điều kiện nên lắp camera để ghi lại hình ảnh đối tượng. Nếu phát hiện người có biểu hiện nghi vấn, điện thoại ngay cho Cảnh sát 113 hoặc CAP gần nhất để được giải quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Quân (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN