Khi tình thân… trả giá
Đồng hành trong lúc khốn khó là bổn phận, trách nhiệm của những người trong gia đình. Song, tấm lòng và hành động cần tuân theo pháp luật.
Họ cùng nhau ra tòa. Sáu người ngập ngừng nhìn nhau khi gặp lại. Người lớn đầu bạc 2 thứ tóc. Người nhỏ tuổi nhất cũng đã làm cha. Có ai đâu xa lạ. Người em trai can tội "Giết người". Kế bên là 3 thành viên trong gia đình người chị gái can tội "Che giấu tội phạm". Cạnh đó là đôi vợ chồng bạn thân của người em trai, bởi vì tình nghĩa nên cả hai cũng bị tội.
Hành trình đào thoát
Tại phiên xử, cơ quan công tố cáo buộc 2 bị cáo Đoàn Phi Hùng (SN 1980), Nguyễn Tấn Lộc (SN 1981) tội "Giết người". Liên đới, chị ruột Hùng là Đoàn Thị Thùy Trang (SN 1970) cùng chồng và con trai là Tiêu Văn Sơn (SN 1968) và Tiêu Văn Thắng (SN 1990) bị truy tố tội "Che giấu tội phạm". Cũng tội danh trên có vợ Lộc là Trần Thị Ngọc Xuân (SN 1982).
Lần lượt từng thành viên của các gia đình tường trình diễn biến vụ án, trong đó có hành trình bỏ trốn bất thành dưới sự trợ giúp của người nhà.
Vốn thân thiết từ lâu nên Lộc chở Hùng đi đòi nợ. Đòi nợ không thành, Hùng ra tay đoạt mạng người vay nợ bằng con dao Lộc đưa. Án mạng xảy ra xong, thay vì khuyên bạn ra tự thú, Lộc cùng bạn nghĩ cách bỏ trốn. Nghĩ là làm, cả hai về gặp Tiêu Văn Sơn (anh rể của Hùng) nhờ trợ giúp. Nhớ lại sự việc, bị cáo Sơn khai thấy em chảy máu đầu nên đưa đến bệnh viện. Sau đó, Hùng báo tin cho chị gái là Đoàn Thị Thùy Trang. Lộc nhờ Sơn về nhà lấy quần áo.
Hai gia đình cùng hầu tòa
Người chị gái nhớ lại sau khi em trai và bạn bỏ trốn, người chồng nói với 2 người phụ nữ: "Con dao này tụi nó dùng đánh lộn nè". Trang e ngại bảo: "Dao đi đánh nhau mà để đây làm gì, sao không vứt đi". Con dao tang vật được người anh rể đem đi vứt bỏ. Trong lúc bối rối, Hùng điện thoại nhờ cháu là Tiêu Văn Thắng đưa đi trốn. Biết chồng và bạn sắp đi xa, người vợ đưa cho đứa cháu quen 30 triệu đồng, dặn: "Tìm đường cho cậu và chú Lộc trốn vài ngày rồi sắp xếp sau". Dây bầu kéo dây bí. Họ đồng lòng tìm người, thuê ôtô đưa 2 người thân sang Campuchia trốn chạy. Đến gần biên giới thì đôi bạn quyết định quay về vì sợ nguy hiểm. Sau đó, Xuân đưa chồng đến Công an quận 3 (TP HCM) đầu thú. Rồi công an bắt Hùng trong lúc kẻ phạm tội này chữa trị vết thương ở bệnh viện.
Tình thương không đúng lúc
Khi HĐXX thắc mắc về lý do Hùng không đầu thú cùng Lộc, bị cáo Trang trần tình: "Do tay Hùng bị đau nên cả nhà tính đưa em đi băng bó xong mới dắt đi đầu thú. Trước đó, bị cáo có điện thoại đến công an thông báo". Tuy nhiên, Công an quận 3 phản hồi rằng do gia đình chưa đưa Hùng ra đầu thú kịp thời nên cơ quan công an ra lệnh bắt.
Chủ tọa phiên tòa giải thích trong trường hợp Hùng bị thương, cơ quan điều tra có trách nhiệm chăm sóc, chữa trị. Vị chủ tọa nhận xét: "Cho dù thực sự vì lo vết thương thì việc gia đình không đưa người đến trình diện kịp thời là sai quy định. Tình thương kể như đặt không đúng lúc". Nghe chủ tọa phân tích, người chị gái đứng ở bục thẩm vấn đáp lí nhí: "Giờ bị cáo mới hiểu".
Trong phần xét hỏi người vợ tòng phạm, HĐXX nhận định bị cáo Xuân đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức bỏ trốn khi cung cấp tiền, liên hệ thuê xe. Cũng như Trang, Xuân nhận sai. Nghe người lớn trong nhà khai báo lại những chuyện đã qua, Thắng gục mặt xuống. Trẻ tuổi nhất và lại không có nghề nghiệp ổn định, thanh niên có 2 con nhỏ này biện minh mình chỉ làm theo những gì mà người lớn sai bảo. Lằn ranh đúng sai càng không thể phân định ngay lúc đó và với người chỉ mới học hết lớp 6 như Thắng.
Dù vậy, đại diện VKS không bằng lòng với thái độ khai báo của các bị cáo. Người giữ quyền công tố cho rằng bị cáo chưa thực sự thành khẩn. Đơn cử như vợ chồng Sơn có nhiều tiền án tiền sự. Tức là, ít nhất gia đình này có hai người từng được giáo dục trong thời gian cải tạo. Vì thế, vị đại diện không chấp nhận lý do thiếu hiểu biết pháp luật các bị cáo đưa ra nhằm bao biện sai phạm.
Rất nhiều người thân của 6 bị cáo này ở tuổi gần đất xa trời, lưng còng, chân mỏi cũng đến dự tòa. Họ thẫn thờ, cố nhìn lên con cháu trong xót xa, thương cảm. Nào ai biết những cái nắm níu trong vô vọng tưởng chừng vô hại lại gây họa như thế.
Sau khi dõi mắt nhìn theo những người thân lên xe tù, Thắng cùng cha vội vã trở về nhà, nơi có 2 đứa con nhỏ đang chờ. Phiên tòa ngắn nhưng những ngày tháng dài trong trại tạm giam đã là một bài học lớn cho người cha trẻ này. Bài học về chữ tình luôn cần nhưng cũng phải sáng suốt không phải ai cũng hiểu được. Bởi đôi lúc khi hiểu ra thì đã quá muộn cho tất cả.
Người vợ tòng phạm được hưởng án treo TAND TP HCM phạt Đoàn Phi Hùng 9 năm tù, Nguyễn Tấn Lộc 7 năm tù, về tội "Giết người". Phạm tội "Che giấu tội phạm", hai cha con Tiêu Văn Sơn và Tiêu Văn Thắng lãnh mỗi người 10 tháng 25 ngày tù. Do thời gian tạm giữ bằng mức án nên 2 người này được trả tự do. Cùng tội danh trên, Đoàn Thị Thùy Trang lãnh 6 tháng tù. Trần Thị Ngọc Xuân nhận mức án 12 tháng tù nhưng hưởng án treo. |
Không thấy Vinh về nhà, cha ruột cùng vợ và con trai 5 tuổi đến nghĩa địa tìm kiếm thì bị Vinh sát hại dã man.