Hối lộ tình dục thì thu hồi thế nào?

Tại hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương cùng VKSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 13.3.

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đặt vấn đề: “Tham nhũng không chỉ có tài sản mà còn hối lộ tình dục, trao đổi chức vụ, bằng cấp, học hành… Những trường hợp tham nhũng ngoài tài sản vật chất thì vấn đề thu hồi TSTN phải thực hiện như thế nào?”. Đây là vấn đề khá mới ở ta nhưng ở nhiều nước thì họ đã làm rồi.

Hối lộ tình dục thì thu hồi thế nào? - 1

Ảnh minh họa

Ở nhiều nước tiên tiến, luật đều quy định dù hối lộ vật chất hay phi vật chất thì đều bị xếp vào hàng tội phạm tham nhũng. Như tại Anh, Mỹ hay Singapore, hối lộ tình dục được xếp vào loại tội phạm tham nhũng nguy hiểm không kém so với các loại tham nhũng thông qua hối lộ tài sản, tiền bạc. Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng cũng định nghĩa “của hối lộ” hoặc những thiệt hại do tham nhũng gây ra là những lợi ích bất chính, tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, vô hình hoặc hữu hình, vật chất hoặc tinh thần, tiền tệ hoặc phi tiền tệ.

Vậy ở Việt Nam thì sao?

Trong các hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia cũng đưa vấn đề này để bàn bạc. Nhiều người khẳng định Việt Nam chắc chắn đã có hành vi hối lộ bằng tình dục. Tình dục được xếp vào một loại lợi ích phi vật chất, được dùng để hối lộ cho quan chức trong giai đoạn hiện nay. Thực tiễn cũng cho thấy có tình trạng người phạm tội không cần đến tài sản mà người đó chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu phi vật chất khác.

Như vậy là đã đến lúc pháp luật phải đặt ra các quy định để thu hồi TSTN trong những trường hợp trên, không chỉ dừng ở thu hồi tài sản vật chất mà cần tịch thu hoặc hủy bỏ tất cả lợi ích phi vật chất khác liên quan đến hành vi tham nhũng. Và những điều này cần phải được luật pháp hóa và nghiêm trị để chống vấn nạn tham nhũng.

Trước hết nhà làm luật cần xác định lại cấu thành của tội nhận hối lộ trong BLHS hiện hành theo hướng: Không chỉ coi hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất mới phạm tội nhận hối lộ; cần mở rộng khái niệm “của hối lộ” bao gồm cả các lợi ích phi vật chất khác. Đó là những lợi ích về tinh thần như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu, thậm chí các lợi ích “nhạy cảm” khác.

Một vấn đề khác cũng có thể gặp khó khăn trong thực tế, đó là cơ sở để “định lượng” mức độ phạm tội. Như hối lộ tình dục thì khó có thể đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội này thông qua số lần quan hệ tình dục hay số người quan hệ tình dục để xếp vào khung hình phạt tương ứng…

Cạnh đó, việc thu hồi các TSTN phi vật chất không đơn thuần như những của cải hiện hữu có thể nhìn thấy và nắm bắt được. Vì vậy, pháp luật cần quy định các biện pháp tư pháp cụ thể để có thể xử lý, tịch thu tất cả lợi ích mà người phạm tội có được từ việc thực hiện tội phạm. Ví dụ dùng tình cảm, tình dục để hối lộ nhằm được thăng quan tiến chức thì ngoài việc xử tù người phạm tội, cần thiết phải hủy bỏ tất cả quyết định đã bổ nhiệm nếu chức vụ đó được đánh đổi bằng việc hối lộ tình dục.

Ngoài ra, để tăng tính răn đe đối với các hành vi tham nhũng, ngoài quy định nghiêm khắc về hình phạt chính, cần quy định thêm hình phạt bổ sung bằng các biện pháp kinh tế theo hướng mức phạt tù (hình phạt chính) càng cao thì hình phạt bổ sung về tiền người phạm tội phải nộp cho ngân sách nhà nước càng lớn...

Cuối cùng cần phải nhấn mạnh, không thể chỉ nhìn nhận vấn đề xử lý khi có vụ việc đã xảy ra mà cần thiết đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

PHẠM CÔNG HÙNG, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN