Hoa khôi mặc đồ công an, nói nhăng cuội: Xử sao?
Hành vi mặc trang phục công an, nói năng linh tinh đăng clip có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự; các trang mạng cần kịp thời gỡ các clip này.
Mạng xã hội đang xuất hiện nhiều clip ngắn quay cận cảnh các cô gái cùng những câu nói vô nghĩa. Các clip này ăn theo từ clip gốc trên TikTok có nửa triệu người theo dõi của một “hot girl” từng đoạt danh hiệu hoa khôi của một trường đại học tại TP.HCM.
Cần gỡ ngay các clip vô bổ
Theo nội dung clip gốc, một cô gái mặc trang phục như trang phục của ngành công an, cầm tờ giấy đọc câu: “Tháng 7 năm 1956, hơn 70% nhân dân thuốc đắng vào người anh lắc. Đưa tay em đây, anh dắt”.
Nhiều người đã làm clip ăn theo nội dung này và cho xuất hiện dày đặc trên TikTok, YouTube…
Nhận xét về vấn đề này, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng đây là những câu nói vô bổ, vô nghĩa, có tác động xấu và cần được xóa đi. Nghiêm trọng hơn, clip này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cô gái mặc trang phục công an trên clip gốc (ảnh trái) và cô gái “cover” clip trên TikTok (ảnh phải). Ảnh cắt từ clip trên TikTok.
ThS Trần Thanh Thảo phân tích: Hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng công an nhân dân sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 167/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội…).
Theo ThS Thảo, việc đăng các clip trên các mạng xã hội chỉ bị coi là vi phạm pháp luật nếu nội dung chứa đựng thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Việc mặc trang phục công an, nói những câu vô nghĩa như trong clip là hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định 15/2020 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện…).
Về mặt hình sự, ThS Thảo cho rằng nếu chỉ đăng clip để câu like, câu view nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác, theo Điều 339 BLHS 2015, với mức hình phạt cao nhất là hai năm tù.
Nhận thức chưa chín chắn, có thể phạt hành chính
TS Vũ Thị Thúy, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Văn Lang, cùng quan điểm với ThS Trần Thanh Thảo trong việc tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như đã phân tích trên.
TS Thúy cũng đánh giá việc làm này có thể xuất phát từ nhận thức chưa chín chắn của những người trẻ tuổi.
“Những lời nói của cô này trên TikTok ít nhiều có dấu hiệu xuyên tạc, làm xấu hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân nhưng chưa thực sự rõ ràng. Tôi nghĩ đây chỉ là chiêu trò câu view, câu like của bạn trẻ chưa suy nghĩ chín chắn về hậu quả của nó. Mức độ này chưa đến mức để xử lý hình sự nhưng nên phạt hành chính” - TS Thúy nói.
Theo TS Thúy, quan trọng nhất là các bạn trẻ cần hết sức thận trọng trong việc đăng tải các nội dung nhạy cảm lên nền tảng mạng xã hội.
Gây ảnh hưởng xấu cho ngành công an
Một chuyên gia về xã hội học nêu quan điểm: Đây là trang phục ngành, có những quy chuẩn, quy định rất khắt khe, cần tìm hiểu kỹ trước khi mặc. Khi mặc trang phục này, nếu có bất kỳ hành động nào không đúng mực thì sẽ gây ảnh hưởng xấu cho ngành công an.
Theo chuyên gia này, cô gái trong clip không những mặc trang phục công an mà còn nói một câu vô bổ, vô thưởng vô phạt, không loại trừ khả năng để câu view, câu “tim”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, xử lý kịp thời. Cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần kiểm duyệt khắt khe những nội dung nhạy cảm.
Nguồn: [Link nguồn]
Núp dưới vỏ bọc là bác sĩ Trưởng khoa của Bệnh viện 198, Nguyễn Văn Hào đã nói bản thân có thể giúp đỡ cho chị gái...