“Giang hồ nhí” lang thang ở cầu Bình Triệu
Những đứa trẻ vào đời khi chưa kịp... lớn, sống lang thang thành dân giang hồ.
Một trong những nơi được giới giang hồ chọn để “đóng đô” hoạt động, khu vực dạ cầu Bình Triệu nổi lên như một điểm nóng về ANTT, bởi nơi đây thường là “bãi đáp” của một nhóm “giang hồ…mũi dãi (hay còn gọi là “giang hồ nhí”) mỗi lúc chiều về. Chúng thường tụ tập để chơi đùa, hít keo, đặc biệt là mua bán ma túy gây náo động cả một khu vực. Chúng tôi đã có dịp thâm nhập, tìm hiểu cuộc sống của băng nhóm này trong những bước đi chập chững vào đời. Mấy ai biết được rằng đằng sau “tuổi thơ dữ dội” ấy lại là những phận người đầy bi kịch, cuống cuồng tìm lối thoát...
Kỳ 1: Vào đời khi chưa kịp lớn
Chúng là những phận người phải sớm vào đời dù vẫn còn là một đứa trẻ. Khi bạn cùng trang lứa đang tung tăng cắp sách đến trường thì chúng phải len lỏi vào ngóc ngách của từng con hẻm nhỏ để mưu sinh, chật vật tìm một góc tối dưới dạ cầu để mong có được giấc ngủ chập chờn. Có lẽ vì vậy mà trông vẻ ngoài chúng nhỏ thó, gầy còm và đen đúa. Chúng chính là những đứa trẻ trong một nhóm “giang hồ nhí” gồm gần 20 đứa thường tụ tập ở chân cầu Bình Triệu mỗi khi chiều về.
Tập tành làm giang hồ
Cầu Bình Triệu vắt ngang sông Sài Gòn là địa bàn giáp ranh giữa các phường 13, 26, 27 (Q.Bình Thạnh) và P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), Tp.HCM. Nơi đây có một nhóm trẻ bụi đời chuyên tụ tập dưới hai bên dạ cầu.
Chờ ánh đèn đường vừa sáng, bóng tối bắt đầu xuất hiện, theo chân tình nguyện viên của một Câu lạc bộ công tác xã hội, chúng tôi chạy chiếc xe máy cà tàng rảo dọc khu vực cầu Bình Triệu nhằm tìm đám “giang hồ nhí”. Mặc dù đã lượn lờ mấy lượt quanh đây nhưng chúng tôi vẫn không tìm đâu ra bóng dáng bọn trẻ. Trong lúc tưởng chừng như bế tắc, bỗng có hai đứa nhỏ ăn mặc xềnh xoàng, tóc tai bù xù chạy đến mời chúng tôi mua vé số. Hai đứa tự giới thiệu là chị em ruột. Đứa chị tên Trang 14 tuổi và em trai tên Nam 10 tuổi.
Bán được vé số, hai đứa nhóc chẳng buồn nói thêm lời nào ù chạy về hướng dạ cầu Bình Triệu thuộc khu vực P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Không còn cách nào khác chúng tôi đành bám theo sau chúng. Trước mắt chúng tôi là 12 đứa trẻ đang túm tụm chơi đùa. Quần áo nhếch nhác, chân tay lấm lem, đầu tóc xơ xác, gương mặt “cô hồn” là bộ dạng chung của đám trẻ con này.
Chúng tôi đánh bạo hỏi chuyện, nhưng chưa nhận được câu trả lời nào thì một bé gái (sau này mới biết tên Thủy) khoảng 15 tuổi ra vẻ đàn chị, hất mặt nói trỏng kiểu gây sự: “Ê, đi chỗ khác chơi!”. Cô bé “đại tỷ” này còn đe dọa đồng bọn: “Không nói chuyện với người lạ. Đứa nào ngu, bị xử ráng chịu!”. Một lúc sau, xem chừng chúng tôi có vẻ vô hại, đám nhóc không còn đề phòng nữa. Tuy vẫn còn là trẻ con, nhưng đứa nào cũng nói chuyện rất ngang ngược và ra vẻ bất cần đời.
Băng giang hồ “mũi dãi” này hình thành dưới dạ cầu Bình Triệu từ hơn một năm nay. Nếu quy tụ đủ “quân số” thì chúng có tới gần 20 đứa. Đứa nhỏ nhất 8 tuổi và đứa lớn nhất 17 tuổi. Ban ngày chúng tủa đi nhiều hướng kiếm sống. Đứa lớn thì lượm ve chai, bán vé số, còn những đứa nhỏ lang thang đầu đường xó chợ ngửa tay xin tiền. Nhưng chúng có một điểm chung là hễ phát hiện ai để tài sản gì hớ hênh liền trổ nghề “hai ngón”.
Đang hỏi chuyện thằng nhóc tên Tí thì bất ngờ hai thằng con trai gần đó (khoảng 13 - 14 tuổi) lao vào đánh nhau như “hổ đói giành mồi”. Thấy vậy, mấy đứa đứng gần nhanh chóng kéo hai đứa tách ra. Đợi hai cái đầu nóng nguội lại, chúng tôi bắt đầu hỏi chuyện. Thằng nhóc ôm đầu máu kể: nó vừa yêu một đứa con gái trong nhóm nhưng bị từ chối. Từ nãy giờ nó tìm cách cà kê bắt chuyện với “người yêu trong mộng” nhưng cứ bị thằng kia nhảy vào phá đám nên nó tức giận, quyết “nện” cho đối phương một trận nên thân. Chúng cho biết, đánh lộn để thể hiện “bản lĩnh” là chuyện xảy ra thường ngày ở đây.
Chân cầu Bình Triệu - nơi nương náu của nhóm “giang hồ nhí”
Thấy đám giang hồ này có vẻ “dễ chịu” hơn, chúng tôi bèn gợi hỏi về gia cảnh từ một thằng nhóc người gầy như khúc củi mục thì thằng Bảo vội chen vào: “Nó tên Cường, ba nó bỏ rơi hai mẹ con nó từ lâu. Nó sống trong khu nhà trọ gần đây với mẹ. Mẹ nó hằng ngày đi lượm ve chai từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Ở nhà có một mình nên nó buồn, ra đây chơi đó”.
Qua nhiều lần tiếp xúc, mãi đến sau này chúng tôi mới phát hiện ra đám nhóc đã láu cá “phịa” tên dỏm và nói địa chỉ bậy bạ. Dường như bọn trẻ nghĩ rằng sự ma mãnh này có thể bảo vệ chúng an toàn trong cái vỏ bọc của sự lừa dối.
Nhắm mắt chơi keo
Trong lúc chúng tôi đang vui vẻ trò chuyện với đám nhóc, bỗng một thằng nhỏ người xanh xao chạy đến, trên tay cầm một hũ gì không rõ, hô to: “Hàng về, hàng về rồi tụi bây ơi!”. Nghe thế, cả nhóm nhanh chóng túm tụm vây quanh thằng nhóc. Chúng xúm nhau “chia hàng” vào từng bịch nilông nhỏ, bỏ quên cả sự có mặt của chúng tôi. Khi đã cầm chắc phần “hàng” của mình trên tay thì từng đứa bắt đầu tìm cho mình một góc riêng. Chúng bắt đầu úp bịt nilông có chứa chất vàng đục lên mũi và hít liên tục từng hơi dài với vẻ mặt đầy mãn nguyện.
Thấy lạ, chúng tôi lân la hỏi thì đứa con gái tên Hoa ngồi bên cạnh nhìn như dò xét rồi trả lời tỉnh bơ: “Muốn biết cái này hả, góp tiền vào thì tụi này cho chơi chung rồi sẽ biết!”. Khi được hỏi “vì sao lại hít chất này?”, Hoa thản nhiên đáp: “Có gì lạ đâu, hít cái này vừa rẻ vừa phê. Khi hít xong, trong đầu mình nghĩ cái gì thì nó hiện ra ngay cái đó. Rất đã!”. Vừa nói dứt lời, Hoa chỉ tay về phía một thằng nhóc và nói: “Thằng đó đang phê keo kìa, thấy chưa?”. Nhìn theo hướng Hoa chỉ, chúng tôi thấy một thằng nhóc đang bước đi nghiêng ngả, tay nó quờ quạng vẽ vào không trung, còn miệng thì lẩm bẩm nói điều gì không rõ. Đảo mắt nhìn quanh, đứa nào cũng bắt đầu có biểu hiện say keo, mặt mũi chúng trở nên đờ đẫn, bước đi loạng choạng và miệng liên tục nói nhảm, chửi bới không ngừng.
Đêm đã khuya, đường phố bắt đầu vắng bóng xe cộ. Một vài đứa co người nằm ngổn ngang dưới nền đất trong góc tối ngủ ngon lành. Hình như muỗi và cái lạnh đã quá quen thuộc với chúng. Những đứa còn thức, say keo gật gù không buồn trò chuyện. Một cặp “tình nhân” khoảng 15 tuổi vừa ôm nhau hít keo, vừa tình tự: “Ê, thằng C.Đ! Mày yêu tao, mày phải nhường cho tao hít keo nhiều hơn” hay “Mày là đồ đàn bà biết cái khỉ gió gì mà đòi hít cho nhiều!”. Nghe chúng tâm tình bằng thứ ngôn ngữ tanh tưởi ấy, chúng tôi chợt thấy rùng mình, lo ngại.
Đánh nhau sứt trán để chứng tỏ bản lĩnh“Giang hồ nhí”
Cầm bịch nilông chứa keo đã cứng lại mà lũ trẻ không nỡ quăng đi, chúng tôi biết đó là keo chó. Đây là loại keo chuyên dùng để dán giấy, gỗ, giày... được bày bán công khai khắp mọi nơi. Một cán sự tình nguyện xã hội thổ lộ: “Trong keo chó có chứa thành phần dung môi hữu cơ vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người. Ban đầu hít keo sẽ có cảm giác nhức đầu, chóng mặt nhưng hít thường xuyên sẽ gây nghiện và tạo cảm giác “phê” tương tự ma túy. Dần dà, chất độc này sẽ gây tổn hại đến hệ thống não bộ làm giảm trí nhớ, thậm chí mắc bệnh thần kinh...”.
Tội nghiệp, tuổi thơ non nớt vô tư là thế, bọn trẻ bụi đời nào có biết cái chết luôn rình rập ở xung quanh chúng khi sự tập tành học đòi làm người lớn trỗi dậy quá sớm mà thiếu vắng sự kiểm soát, giáo dục của cha mẹ, cộng đồng.
"Mơ hồ" chạm tay tử thần
Tối hôm sau, chúng tôi quay lại dạ cầu Bình Triệu thì bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Một người phụ nữ tóc vàng hoe tầm 24-25 tuổi cùng hai thanh niên bặm trợn bắt ba đứa nhóc trong băng “bụi đời cầu Bình Triệu” quỳ gối. Theo lệnh của người phụ nữa kia, hai thanh niên thay nhau đấm đá túi bụi vào mặt, ngực, bụng đám nhóc. Bị đánh bò lê, chúng lại gượng quỳ lên cho hai gã kia đánh tiếp mà không dám khóc.
Thoáng thấy chúng tôi, hai gã liền dừng tay rồi nhanh chóng chuồn mất. Chúng tôi đến gần nhỏ nhẹ vỗ về, thăm hỏi thì thấy cả ba đứa đều bị đánh sưng mặt, dù vậy chúng vẫn không dám hé môi nói nửa lời. Rồi chúng lẩn vào góc tối dưới dạ cầu và mất tăm. Một đứa con gái tên H. (13 tuổi) kéo chúng tôi ra ngoài thì thào cho biết: “Bà đó thuê ngôi nhà trọ gần đây, rủ rê ba đứa nó về ở để bà ta nuôi cơm. Bả còn cho tụi nó hít cái gì đó đã hơn keo chó. Ngoài ra, mỗi ngày tụi nó phải đi giao “hàng” cho bả. Nếu trót lọt, tụi nó được bả cho tiền và cho “phê”. Hôm nay tụi nó làm mất “hàng” nên bị trừng phạt”. Chưa kịp hỏi thêm điều gì thì từ đằng xa, thằng Th. ngoắc tay con H. bảo đi về. H. liền chạy ù khuất dần trong một con hẻm tối đen như mực.
Sau trận đòn dằn mặt, không khí dưới dạ cầu trở nên trầm lắng. Chưa đến 8 giờ tối, đám nhóc giang hồ đã lủi thủi đi vào góc tối để tìm chỗ ngủ. Những đôi “tình nhân nhí” kéo nhau tìm nơi khác “tâm sự”. Chúng tôi đành quay về và nhủ lòng đêm sau sẽ khai thác thêm về hành vi mượn tay trẻ em để vận chuyển thứ “hàng lạ” của người phụ nữ kia.
“Hàng” mà cô bé H. vừa nói đến là gì? Có thứ hàng hóa bí mật nào mà bọn trẻ không dám gọi tên nhưng khi hít có thể “đã” hơn keo chó? Phải chăng đây là đường dây buôn bán “hàng trắng” ngấm ngầm lợi dụng những đứa trẻ bụi đời để khai thác, trục lợi?
(Còn tiếp)