Giấc mơ tan vỡ của quý tử mang tội chết

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Trong giấc mơ chờn vờn, gã thấy mình được nép đầu vào ngực cha, một lồng ngực rộng mở, mặn mòi và phảng phất hương vị biển khơi. Hắn nhớ quay quắt và thèm ghê gớm thứ mùi rất riêng biệt mà chỉ người dân biển quen với sóng gió như cha hắn mới có được. Thảng thốt giật mình tỉnh giấc, xung quanh hắn là bốn bức tường giam lạnh lẽo, yên lặng tới mức nghe được tiếng côn trùng nỉ non, thê thiết.

Một ngày mới nữa đã đến, tia nắng le lói vượt thoát qua chiếc cửa sổ tí tẹo bằng bàn tay hắt những tia nắng mảnh xuống chiếc giường lạnh lẽo, đôi mắt hắn nheo lại, bụng nhủ thầm: “Vậy là thêm một ngày được sống”…

Đứa con ngỗ nghịch

Điều đặc biệt ở tử tù Nguyễn Nghị (Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng) là nụ cười luôn nở tươi rói trên đôi môi hắn. Hắn bảo, còn được sống thêm một ngày, cho dù ngắn ngủi nhưng sẽ cố gắng mỉm cười với tất cả mọi người, nhìn đời qua con mắt lạc quan, hi vọng, biết đâu may mắn sẽ mỉm cười. Cũng chính vì suy nghĩ đó, Nghị là một trong số ít những tử tù không có hành vi chống phá, gây rối sau khi bị tuyên án tử, bởi theo hắn: “Khi ngoài xã hội mình đã gây tội ác rồi, vào đây rồi còn quấy rối nữa thì mọi người sẽ ghét bỏ. Sống không ai thương buồn lắm”.

Là anh cả trong gia đình có 3 anh em, Nghị là con trai duy nhất. Vì thế, ba má thường tỏ ra nghiêm khắc với cậu. Ba má không để con trai thua kém bạn bè bất cứ thứ gì nhưng chưa bao giờ dễ dãi đáp ứng tất cả yêu cầu của cậu. Mọi đề nghị từ cậu con quý tử đều được ba má cất nhắc, suy xét hợp lý mới chấp thuận. Con cả, lại có sức vóc hơn hẳn hai cô em gái, từ nhỏ, Nghị đã biết cùng má ra đồng làm cỏ, cuốc đất, sản xuất lúa gạo lo liệu cho cả gia đình. Ba Nghị là dân đi biển. Ông cùng những người đàn ông vạm vỡ của mảnh đất Hoài Nhơn – Bình Định cưỡi sóng ra khơi, mang theo giấc mơ ấm no, hạnh phúc cho những hòn vọng phu, những đứa trẻ thơ dại như Nghị nơi quê nhà.

Giấc mơ tan vỡ của quý tử mang tội chết - 1

Giấc mơ được cùng bố ra chốn biển khơi đã bị tan vỡ vì lòng tham của Nghị (ảnh minh họa)

Trong kí ức của cậu, trước ngày ba ra biển, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm nóng hổi, sung túc với những sản vật của biển do chính tay má nấu. Và lần nào mẹ cậu cũng ngổn ngang bao tâm trạng, lo lắng về chuyến ra khơi dài ngày của chồng. Bởi, cả cuộc đời gắn bó bên chồng, sinh ra từ biển, hơn ai hết bà hiểu những bất trắc mà biển khơi, sóng dữ mang lại.

Ba đi đánh cá dài ngày, có khi kéo dài cả tháng trời, Nghị trở thành người đàn ông duy nhất, trụ cột “tạm thời” của gia đình. Đáng lẽ, thay bằng việc nhận ra trọng trách lớn lao của mình, sống có trách nhiệm, Nghị vẫn không thoát khỏi cám dỗ của những thú vui con trẻ và những tật xấu học được từ đám bạn hư. Khi là con gà, con vịt, lúc là trái táo, trái mận đỏ ối trong vườn hàng xóm bị cậu cùng lũ trẻ ngang tuổi tổ chức lấy trộm.

Đổ lỗi cho sự khờ dại của tuổi thơ nông nổi, bồng bột, nhưng mỗi lần bị gọi ra phường bảo lãnh và trả phạt hành chính cho con trai, mẹ Nghị buồn phiền nhiều lắm. Con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, tâm sinh lý bất ổn, bà không dám nặng lời, thậm chí còn che giấu tội lỗi của con trai mỗi bận chồng trở về sau những ngày quăng quật trên sóng nước. Thế nên, trong mắt của bố, Nghị vẫn là đứa con trai hoàn hảo mà ông rất mực tin yêu.

Nghị kể, bố cậu là một người nghiêm khắc nhưng rất tình cảm và thương con cái. Có lần Nghị bị té xe, trầy xước khắp người. Nhìn cảnh con trai nằm trên giường bệnh, ông cáu gắt và mắng cậu với những lời rất nặng, nhưng khi bước ra ngoài hiên, Nghị thấy đôi mắt ba đỏ hoe, ướt nước.

Nhiều lần, Nghị xin ba cho đi biển cùng. Trong tâm hồn của cậu có âm thanh của sóng biển, của nắng vàng; có vị oi nồng, ngai ngái đặc trưng mà chỉ ngươi dân biển như ba, như các bác ở cùng thôn mới có được. Hình như, cái mùi đó do nắng gió biển khơi nhuộm phủ lên cuộc đời ba, nhưng trước lời đề nghị khẩn khoản của con trai, ông chỉ cười hiền từ: “Con còn nhỏ lắm. Ở nhà với má, đỡ đần má nuôi hai em ăn học. Sau này con lớn, con sẽ được ra biển cùng ba…”. Nhưng ngờ đâu, mong ước được một lần cùng ba đi đánh bắt cá xa bờ, được tự do giữa bốn bề mông mênh sóng nước mãi mãi là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực của ba và bản thân Nghị…

Ngọn lửa lòng tham thiêu cháy giấc mơ

Nhớ lại tội ác kinh hoàng của mình cách đây gần 3 năm trước, Nguyễn Nghị cúi mặt buồn bã: “Chỉ vì một phút nảy sinh lòng tham, em đã tước đoạt mạng sống của người đàn bà bất hạnh ấy. Đặc biệt sau khi gây án, em ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần mình xoá sạch giấu vết thì tội ác của mình vĩnh viễn vùi chôn dưới ngọn lửa bỏng rát. Giết hại nạn nhân, cướp tài sản và em còn đốt nhà bà ấy. Nhưng, chỉ ngày hôm sau, các chú Công an tới tận lán – nơi em đang làm phụ hồ bắt gọn. Sự hối hận đã quá muộn, em chẳng thể sửa chữa sai lầm của mình được nữa”.

Nghị làm công trình ở gần nhà bà Xinh. Tuy không phải quá gắn bó, thân thiết, nhưng Nghị thường sang nhà bà Xinh xin nước sinh hoạt. Chính vì đó, buổi tối ngày 29/12/2009, Nghị sang nhà bà Xinh lấy nước như mọi khi, bà không tỏ ra đề phòng hay nghi ngờ động cơ của Nghị.

Làm gần nhà bà, Nghị biết bà Xinh có tiền mặt và nữ trang cất trong nhà. Nhân buổi tối sang xin nước, biết chắc ông Hùng – chồng bà Xinh đi vắng, chỉ còn một mình bà chủ nhà ở nhà, lòng tham nổi lên và Nghị quyết định ra tay, hòng cướp số nữ trang và tiền mặt phục vụ mục đích tiêu xài. Đúng như những gì hắn hoạch định, 0 giờ ngày 29/12/2009, Nghị mang theo con dao nhỏ của nhóm thợ xây vẫn thường dùng sang nhà bà Xinh. Người đàn bà chân yếu tay mềm không thể chống cự được sức vóc của một gã trai đang lớn.

Sau khi sát hại nạn nhân, hắn lục tìm thấy một chiếc túi nilon, bên trong có ba sợi dây chuyền vàng và 29 triệu đồng được giấu dưới gầm giường trong phòng ngủ. Nguyễn Ngị mang hết những đồ dễ cháy quấn quanh xác bà Xinh rồi châm lửa đốt. Không dừng lại ở đó, vì nhà bà Xinh làm bằng gỗ thông, dễ bén lửa trước khi bỏ đi, hắn bồi thêm một mồi lửa. Gây án xong, hắn mang tiền, vàng đi giấu. Ngay sáng hôm sau, Nghị rút 3 triệu đồng mua điện thoại và tiêu xài cá nhân.

Hắn cười trừ chua chát: “Cứ nghĩ ngọn lửa sẽ xoá tan mọi dấu vết, không ngờ các chú Công an tìm ra nhanh như thế”. Rồi hắn buồn bã nhớ về ba má và hai cô em gái của hắn. “Lúc nghe tin em bị bắt vì tội giết người, má em ngã gục, bà suy sụp và đau đớn không thể hình dung đứa con bà cất công mang nặng, đẻ đau, nuôi dạy, uốn nắn cẩn thận lại phạm tội tày trời, dã man đến thế”. Vụ án của Nghị gây chấn động khắp vùng nên trong phiên xử sơ thẩm, quần chúng nhân dân đến xem rất đông. Họ tỏ ra hài lòng khi Nghị bị toà tuyên án tử hình với 3 tội danh: giết người, cướp tài sản và huỷ hoại tài sản. Khi toà tuyên án, Nghị không dám nhìn về phía sau lưng – nơi có ba và má đứng, phần vì quá xấu hổ, không dám chứng kiến cảnh ba má héo tàn vì mình, và cậu còn sợ bắt gặp ánh mắt căm phẫn, hả hê của những người dự khán.

Đôi mắt Nghị đỏ hoe khi nhắc nhớ về gia đình. Và hình như, đó là nỗi nhớ thường trực, đau đáu nhất đối với bất cứ gã tử tù nào. Mỗi lần ba má lên thăm, khi trở về buồng biệt giam, lòng dạ hắn lại cuộn trào, nhức nhối và y rằng đêm ấy hắn lại mất ngủ, đôi mắt mở to, hướng về chiếc cửa sổ tí tẹo bằng bàn tay cao tít sát mái nhà.

Có hối hận cũng không thể bù đắp được nỗi đau, sự tang tóc, thảm thương của Nghị dành cho gia đình nạn nhân. Sống ở đời gieo nhân nào, gặt quả ấy như một triết lý được đúc kết từ bao đời, và bản thân Nghị phải nếm trái đắng từ chính bàn tay mình gieo nên từ quá sớm.

Trước khi chia tay tôi, Nghị xin phép cán bộ quản giáo hát tặng tôi một bài hát về kiếp tù tội, về chiếc cửa sổ nhỏ, về chiếc cùm cột chặt tự do. Tôi biết, Nghị hối tiếc, nhưng mọi sự đã quá muộn màng. Cái giá phải trả cho lòng tham vô đáy quá đắt, nhưng luật pháp nghiêm minh, đó là bản án răn đe, nghiêm khắc dành cho những kẻ lười lao động, muốn hưởng thụ, sung sướng bằng cách chiếm đoạt của cải, thậm chí cả mạng sống của người khác. Và giấc mơ về tự do, về biển mãi mãi chỉ có thể hiện hữu trong giấc mơ xa xôi, ngợp ngạp của hắn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Dương (Công An Nhân Dân)
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN