Đường vào vòng lao lý của một cán bộ ngân hàng đam mê cờ bạc

Được đánh giá là một cán bộ ngân hàng có năng lực, nhưng vì dính vào lô đề đến độ mê mẩn, Ngô Minh Thuyên (SN 1977, ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã không còn biết đâu là điểm dừng. Chỉ đến khi vướng vòng lao lý, Thuyên mới nhận ra rằng anh ta đã đánh mất tất cả.

Nếu như trước đây Thuyên là niềm tự hào của gia đình thì bây giờ tên của anh ta làm cha mẹ tủi hổ. Giờ đây, khi đang thi hành bản án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở phân trại số 2 Trại giam Hoàng Tiến, Thuyên bảo rằng ân hận thì đã quá muộn.

Mất tất cả vì cờ bạc

Nước da trắng, dáng người thư sinh nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt Ngô Minh Thuyên lúc nào cũng nhìn xuống. Thuyên bảo, 7 năm qua, từ ngày bước chân vào trại giam, anh ta hầu như không dám ngẩng mặt nhìn lên vì vẫn không sao vượt qua được cảm giác xấu hổ.

Thuyên đang cắt tỉa cây cảnh trong khu vườn trước cửa phân trại số 2.

Thuyên đang cắt tỉa cây cảnh trong khu vườn trước cửa phân trại số 2.

Theo lời Thuyên kể thì anh ta sinh ra trong một gia đình cơ bản, có bố mẹ đều là cán bộ nhà nước, vì thế mà không chỉ chuyện học hành, ngay cả lối sống, tác phong ăn nói và xử lý tình huống trong cuộc sống hằng ngày của anh em Thuyên cũng luôn được cha mẹ uốn nắn, rèn rũa, kèm cặp. Thuyên bảo một phần do sự kỳ vọng của bố mẹ vào anh em Thuyên, một phần do đặc thù nghề nghiệp và công việc hằng ngày của bố mẹ.

"Nhà có 5 anh chị em, ai cũng học giỏi. Tôi là con trai út nên được cưng chiều nhất nhà. Bố mẹ tôi làm cán bộ thật nhưng giữa thời buổi bao cấp, ngoài đồng lương công chức ra, xin được mảnh vườn trồng rau là qúy lắm rồi, làm gì có việc làm thêm để tăng thu nhập.

Thế nên nhìn cảnh nhà tôi ăn gạo tem phiếu, tháng nào phải ăn độn là nháo nhác trước sau, thì việc nuôi cả một đàn con ăn học đến nơi đến chốn là một kỳ công đáng phục lắm rồi, lấy đâu ra của ngon vật lạ hay quần là áo lượt mà chiều chuộng", Thuyên kể.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Thuyên nộp hồ sơ thi vào Học viện Ngân hàng và ngay năm đầu tiên đã thừa điểm đỗ. Bố mẹ Thuyên thở phào nhẹ nhõm vì cả 5 đứa con đều đỗ đạt. Thuyên bảo, ngày đó khắp vùng đều biết đến gia đình anh ta, không phải vì giàu có mà vì có 5 con thi đỗ đại học. Thế nhưng niềm tự hào đó của cha mẹ đã bị Thuyên làm hoen ố. Hỏi Thuyên bắt đầu sa ngã từ bao giờ, anh ta ngập ngừng: "Tôi bắt đầu hư từ lúc đi làm".

Theo lời Thuyên kể, ban đầu anh ta chơi lô đề theo kiểu a dua theo đám đông, đánh cho có phong trào, nhưng dần dần những con số như có ma lực khiến anh ta bị mê hoặc. Thuyên chơi nhiều hơn, ngày nào cũng đánh với số tiền không ngừng tăng lên. Thu nhập không đủ chơi thì Thuyên tìm cách vòng vo, trí trá,… miễn sao có tiền để tiếp tục "nuôi" con đề hòng gỡ gạc.

Theo hồ sơ phạm nhân, thời điểm đó, Thuyên đang giữ chức Trưởng phòng giao dịch Tiên Sơn kiêm Phó giám đốc Chi nhánh Bắc Ninh của Ngân hàng Techcombank. Lợi dụng công việc được giao là quản lý, điều hành mọi hoạt động tại phòng giao dịch Techcombank Tiên Sơn, Thuyên đã 4 lần làm giả hồ sơ vay vốn để "rút" gần 9 tỷ đồng. Số tiền này, Thuyên dùng cả vào việc đánh lô đề cho đến khi không còn khả năng thanh toán thì bị bắt.

Hỏi Thuyên gia đình biết chuyện từ bao giờ, có hỗ trợ được gì không, anh ta bảo: "Mình làm thì mình tự chịu, tôi cũng không nói gì với gia đình vì biết có nói thì mọi người cũng không lo nổi". Lời nói của Thuyên có lý bởi khi anh ta gây tội, bố mẹ Thuyên đã về hưu và với đồng lương công chức thì dù có bán cả căn nhà đang sống cũng không bù đủ số tiền con trai mình đã làm tiêu tán. Cả gia đình Thuyên cũng xúm vào lo cho đứa em nhưng cũng chỉ gom được 100 triệu đồng. Thuyên bảo khi biết về số tiền đó, anh ta vô cùng ân hận.

"Khi đứng trước tòa, nghe thông báo gia đình tôi đã nộp được 100 triệu đồng khắc phục, tôi quặn lòng xót xa. Cả đời bố mẹ tôi thanh bạch, vợ tôi lương giáo viên không dạy thêm và cả sự trợ giúp của các anh chị cũng chỉ lo được chừng ấy. Thế mà tôi chỉ vì mấy con số cờ bạc nỡ ném đi cả một gia tài có khi cả đại gia đình cũng không có được", Thuyên tâm sự.

Về Trại giam Hoàng Tiến cải tạo, điều khiến Thuyên ân hận nhất chính là khiến cha mẹ tuổi già sống không an yên và khiến đứa con trai đang học lớp 7 sống trong mặc cảm, tai tiếng.

Ngày về còn xa

Do có trình độ nên từ khi về phân trại số 2 cải tạo, Thuyên được về làm việc ở đội tự quản của trại giam. Nhiệm vụ của đội tự quản là quán xuyến nếp ăn ở, sinh hoạt, lao động của các phạm nhân trong phân trại. Theo lời Thuyên kể thì đội của anh ta có 8 người, hằng ngày có nhiệm vụ đi kiểm tra vệ sinh tất cả các buồng giam trong phân trại để đôn đốc, nhắc nhở mọi người ăn ở gọn gàng, giữ vệ sinh chung.

"Ngoài làm những việc đó ra, chúng tôi còn có nhiệm vụ giúp cán bộ một số công việc khác như ghi chép, chấm công lao động, lên lịch sinh hoạt của những phạm nhân ốm, xin nghỉ ở nhà và kiểm tra khẩu phần ăn hằng ngày của các phạm nhân toàn phân trại. Hằng tuần thì viết bản thu hoạch để giải đáp thắc mắc, kiến nghị của phạm nhân", Thuyên kể.

Ngô Minh Thuyên.

Ngô Minh Thuyên.

Nói về gia đình, Thuyên bảo anh ta là người may mắn: "So với anh em cùng buồng giam, tôi may mắn hơn họ rất nhiều vì chuyện học hành của con đã có mẹ cháu kèm cặp. Điều khiến tôi áy náy chính là khoản tiền phải bồi hoàn không biết phải xoay xở thế nào để trả nợ".

Bố mẹ Thuyên giờ đã nghỉ hưu, nhưng tuổi già của ông bà kể từ ngày Thuyên bị bắt đã không còn được an nhàn, thanh thản. Cứ nghĩ đến điều đó là Thuyên lại cảm thấy day dứt. Anh ta bảo ngày mới chơi cờ bạc, Thuyên không nghĩ sẽ có một ngày bản thân lại nhận kết cục bi đát như bây giờ. 

"Không phải tôi chưa từng nghe ai cảnh báo, mà mỗi khi nghe nói ai đó vỡ nợ hoặc vì nợ tiền cờ bạc mà phạm tội, tôi đều cười thầm. Tôi nghĩ chuyện đó chỉ xảy ra với những người không có bản lĩnh. Tôi tin rằng tôi đủ khả năng biết đâu là điểm dừng để chấm dứt. Nhưng tôi đã không đủ can đảm để dừng lại. Cứ mỗi lần thua đau, tôi lại tự nhủ chỉ đánh một trận nữa để gỡ gạc rồi thôi. Đến lúc nhìn lại thì thấy mình đã đi quá xa rồi", Thuyên bộc bạch.

Niềm an ủi lớn nhất đối với Thuyên bây giờ là hằng tháng gọi điện về nhà, được nghe giọng nói của bố mẹ, biết bố mẹ vẫn khỏe mạnh. "Tôi đã từng không dám ra gặp khi biết tin bố lên thăm. Tôi cũng đã từng không dám nói chuyện qua điện thoại với mẹ vì xấu hổ. Ngay cả quà của các anh chị gửi vào, tôi cũng không dám nhận. Nhưng rồi bố mẹ chính là người xóa đi những tự ti mặc cảm trong tôi, giúp tôi lấy lại thăng bằng. Vợ tôi cũng giúp tôi rất nhiều trong lúc hoạn nạn này. Cô ấy luôn đồng hành với tôi", Thuyên kể.

Hai tháng một lần, vợ Thuyên lại lên thăm chồng, đem theo rất nhiều thông tin về gia đình, con cái kể cho Thuyên nghe, khiến anh ta có cảm giác gia đình lúc nào cũng ở bên cạnh. Thuyên bảo, đã ở trại cải tạo được gần 8 năm rồi và dịp đầu năm vừa qua, anh ta lần đầu đủ tiêu chuẩn được xét giảm án.

"Tôi được xét giảm 12 tháng, mừng lắm. Cho dù thời gian cải tạo còn hơn chục năm nữa nhưng với tôi đây chính là một sự kiện đáng nhớ. Với những người lầm lỗi như chúng tôi, mỗi lần được xét giảm án là mốc sự kiện vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là thành tích của cả một năm phấn đấu mà còn thể hiện sự khoan hồng, là động lực để chúng tôi có thêm quyết tâm trên con đường hoàn lương", Thuyên nói.

Phạm nhân này cho biết, sẽ cố gắng làm tốt công việc được giao để năm nào cũng có tên trong danh sách được giảm án, sớm có cơ hội trở về đoàn viên cùng gia đình.

"Tôi nghiệm ra rằng, cuộc đời này không ai nói trước được điều gì, nhất là với những người như tôi. Lúc này, tôi chỉ biết cầu mong gia đình bình an, bố mẹ mạnh khỏe, ở trong này tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt. Còn dự định làm gì thì phải để gần ngày về mới tính chứ tính trước, sợ rồi lại không thực hiện được", Thuyên cười, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện chưa kể về ông chủ salon tóc vướng vào lao lý

Câu chuyện về ông chủ salon tóc thời trang như một minh chứng cho sự vượt qua lỗi lầm để trở thành người có ích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN