Cựu phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389: Tôi nhiều lần bị đe dọa

Sự kiện: Thời sự

Hà Nội - Ông Vũ Hùng Sơn, cựu phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389, khai tuần nào bị cáo Duy Đức Tuấn cũng ký loạt đơn tố cáo ông nhằm ép đưa 10 tỷ đồng.

Ngày 23/5, bị cáo Tuấn, 50 tuổi, bị TAND Hà Nội xét xử tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị hại là ông Vũ Hùng Sơn, cựu phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả).

Đây là lần đầu tiên ông Sơn có mặt tại tòa, sau phiên hoãn hôm 11/4.

Theo hồ sơ, sự việc khởi nguồn trong giai đoạn năm 2009, khi ông Sơn chưa đảm nhiệm chức vụ nào trong cơ quan Nhà nước mà đang làm giám đốc công ty Sơn Tùng, kinh doanh lĩnh vực ôtô.

Bị cáo Tuấn muốn mua ôtô từ nước ngoài song không thể làm thủ tục nên để Công ty Sơn Tùng nhập khẩu ủy thác, chi phí 2.000 USD.

Xe sau đó được bàn giao cho bị cáo Tuấn quản lý, sử dụng. 4 năm sau, Tuấn nhờ xuất lại hóa đơn nhập khẩu xe cho một công ty khác của Tuấn. Công ty nhập khẩu đã chốt số liệu báo cáo thuế nên không làm được theo ý ông Tuấn.

Bị cáo Duy Đức Tuấn tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Bị cáo Duy Đức Tuấn tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Tháng 8/2016, ông Tuấn gửi đơn tố giác ông Sơn lừa đảo thông qua việc ký hợp đồng nhập khẩu xe. Cơ quan điều tra xác định vụ việc là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu phạm tội nên không khởi tố vụ án.

Ông Tuấn sau đó gửi nhiều đơn đến các cơ quan điều tra, cơ quan Nhà nước tố giác ông Sơn và đăng công khai ảnh hồ sơ, lý lịch công chức của ông Sơn trên Facebook.

Ông Sơn khi này là Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Lo ảnh hưởng uy tín, công việc, ông Sơn nhờ người bạn tên Cường khuyên ông Tuấn không tiếp tục gửi đơn.

Ông Tuấn yêu cầu ông Sơn phải đưa 10 tỷ đồng thì mới đồng ý rút đơn, nếu không sẽ tiếp tục gửi đơn "để ông Sơn mất nghiệp", cáo trạng nêu.

Liên tục trong 3 tháng tiếp theo, Tuấn thông qua người bạn chung, ngã giá 10 tỷ đồng. Ngày 9/10/2020, ông Sơn trình báo Công an Hà Nội, nhưng liền hai năm tiếp theo, ông Tuấn tiếp tục gửi đơn tố cáo. Tháng 4/2023, ông Tuấn bị bắt.

Ông Cường, "trung gian" giữa Tuấn và ông Sơn, được tòa triệu tập song có đơn xin vắng do nhập viện đột xuất. Phiên tòa lần đầu, ông Cường cũng vắng.

Tại phiên tòa, HĐXX trích đọc lại nhiều đoạn ghi âm cuộc gọi "ngã giá" giữa ông Cường và Tuấn, với nội dung đe dọa "làm vụ này là nó mất nghiệp luôn", "ngoan thì chồng đủ 10 tỷ"...

Thừa nhận đó là giọng mình nhưng bị cáo Tuấn khẳng định không có việc tống tiền mà "chỉ qua ông Cường để yêu cầu ông Sơn phải trả lại số tiền mua xe". Còn việc ông Cường nói gì, bị cáo không kiểm soát được.

Ông Tuấn trình bày khi lấy được xe từ cảng về, do rắc rối thủ tục không thể đăng ký nên đã gửi công ty người quen nhờ bán hộ. Nhưng "một ngày đẹp trời không biết vì lý do gì", Công ty Sơn Tùng của ông Sơn sang cẩu xe đi với lý do chưa trả hết nợ, tổng hơn 400 triệu đồng.

Ông Tuấn sau đó thanh toán hết tiền cho công ty của ông Sơn, được trả lại xe kèm giấy tờ nhưng công ty của ông Sơn lại để tên và xuất hóa đơn cho công ty khác, không phải cho công ty của Tuấn, khiến không thể đăng ký xe. "Bị cáo yêu cầu xuất lại hóa đơn cho đúng thì công ty anh Sơn lại bắt nộp thêm mấy trăm triệu mới làm", Tuấn khai đó là nguồn cơn bức xúc khiến viết đơn tố cáo.

Ông Sơn phản đối lời khai này: "Anh Tuấn đòi tôi 10 tỷ tiền bồi thường cái xe là sai, tôi làm gì có lỗi gây thiệt hại cho anh ấy đâu mà phải bồi thường".

Ông khai Công ty Sơn Tùng không có dịch vụ nhập khẩu ủy thác, do cấp phó có quen biết một công ty xuất nhập khẩu có thể làm được nên mới giúp ông Tuấn. Trong quá trình này, có thể có sai quy định, sai đến đâu và mức độ nào thì ông Sơn không biết.

Về cuộc "ngã giá", ông Tuấn khai ông Cường là người quen của cả hai. "Tôi ban đầu không biết anh Cường quen bị cáo Tuấn. Một hôm anh Cường gọi điện cho tôi bảo, nghe nói tôi và Tuấn có mâu thuẫn, muốn đứng ra dàn xếp giúp để đôi bên không ảnh hưởng công việc", ông Sơn khai.

Theo bị hại, ông chỉ nhờ ông Cường nói với Tuấn là hai người không có quan hệ cá nhân, nếu có mâu thuẫn là giữa Tuấn với Công ty Sơn Tùng, chứ không phải với mình. Năm 2012, ông không làm giám đốc công ty này nữa, nên nếu Tuấn có khúc mắc thì phải giải quyết với công ty.

"Tôi rất muốn hỏi anh Tuấn là 'có phải năm 2016, anh đọc báo biết tôi là Thư ký Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương, rõ ràng biết tôi không làm ở công ty nữa nhưng vẫn đến Bộ và tất cả cơ quan liên quan để tố cáo tôi lừa đảo?'", ông Sơn nói. Theo ông, cơ quan điều tra hai lần trả lời không có dấu hiệu lừa đảo nhưng bị cáo vẫn "ròng rã tố cáo từ 2016 đến 2022", khi ông không còn làm ở nhà nước nữa.

"Tòa có thể tưởng tượng được không, cứ mỗi tuần anh ấy lại đơn gửi khắp nơi. Một ngày tôi nhận vài chục cuộc điện thoại, những người biết tôi và cả những người không biết, đều nghĩ tôi lừa đảo", bị hại trình bày.

Quay sang bị cáo, ông Sơn nói: "Nhân đây tôi muốn hỏi anh, thực sự mục đích của anh là gì? Tại sao anh làm ăn với công ty mà cứ 'chũi búa rìu' vào cá nhân tôi thế? Công ty sai, anh cứ khiếu nại. Tôi khi đó là giám đốc sẽ có trách nhiệm trước pháp luật, chứ sao cứ đi kiện tôi, thậm chí kiện những thứ chẳng liên quan cái xe".

Tòa yêu cầu bị cáo trả lời, ông Tuấn đáp: "Rất đơn giản thôi, tôi được giới thiệu đến công ty để làm việc với ông Sơn. Thứ hai là khi ông ấy rời chức giám đốc, ông có bàn giao thông báo gì cho tôi không? Nên giờ kiện thì tôi chỉ kiện ông thôi, chứ giám đốc kế nhiệm làm sao biết việc đó".

Luật sư của ông Tuấn khi này trích đọc một tin nhắn ông Sơn gửi thân chủ ngày 26/10/2020: "Tôi thấy anh Cường nói anh vẫn đề nghị phải chuyển khoản hoặc đưa cho anh Cường để anh Cường đưa trực tiếp cho anh 9,5 tỷ đồng thì anh mới đồng ý rút đơn và từ nay không tiếp tục kiện tôi nữa. Tôi muốn xác nhận có đúng không để tôi chuyển tiền cho anh Cường".

Khi ông Sơn xác nhận đó là tin nhắn của mình, luật sư hỏi: "Tại sao 17 ngày trước ông gửi đơn tố cáo Tuấn? Ông cũng lên báo trả lời sẽ dùng pháp luật xử lý người vu khống mình mà sau đó vẫn nhắn tin thương lượng riêng?".

Ông Sơn đáp "do sợ", gửi đơn tố cáo rồi nhưng không biết bao giờ sự việc mới được công an giải quyết. Trong khi đó, ông Tuấn vẫn liên tục viết đơn tố cáo khiến cuộc sống và công việc ảnh hưởng rất nhiều.

Sau một ngày xét hỏi, xét thấy vụ án còn nhiều điểm chưa rõ, cần thu thập thêm chứng cứ, tòa hoãn xét xử. Lịch mở lại chưa được ấn định.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang, cựu Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) bị cáo buộc nhận hàng trăm nghìn USD và hơn 6,2 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cho Phan Thanh Hữu buôn xăng nhập lậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Lam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN