"Con sẽ nói với bạn là mẹ không ở tù"
Sau khi chị bị khởi tố oan, có lần con gái chị đi nhà trẻ về khóc như mưa đòi nghỉ học. Hỏi thì cháu nói cô giáo và các bạn nói mẹ sắp phải đi tù...
Sau gần hai năm vướng vào vòng lao lý, mới đây chị Lê Thị Ngọc Mai đã được VKSND quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì không phạm tội.
Giờ đây chị Mai đã có thể yên tâm chăm sóc bà ngoại và con gái. Ảnh: D.HẰNG
VKS: Không chứng minh được, phải xác định vô tội!
Trước đây, sau khi TAND TP Đà Nẵng xử phúc thẩm hồi tháng 9-2014 hủy bản án sơ thẩm (phạt chị Mai bảy năm tù về tội cướp tài sản) vì chưa đủ căn cứ kết tội, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Khê chịu trách nhiệm điều tra lại vụ án. Ngày 12-5-2015, cơ quan điều tra (CQĐT) đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chuyển tội danh từ cướp tài sản sang cưỡng đoạt tài sản đối với chị Mai. VKS quận không đồng ý nên ngày 15-6 đã hủy bỏ các quyết định thay đổi của CQĐT.
Dù đã bị VKS quận hủy bỏ các quyết định thay đổi tội danh, ngày 23-6, CQĐT vẫn ra kết luận điều tra lại với quan điểm chị Mai phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo CQĐT, chị Mai đã lợi dụng mối quan hệ yêu đương nam nữ bất chính với người bị hại Trần Ngọc Ngữ để khống chế, uy hiếp tinh thần của ông Ngữ, buộc ông Ngữ miễn cưỡng để chị lấy đi tài sản.
Tuy nhiên, VKS quận không đồng tình với quan điểm này. Ngày 2-7, VKS quận đã ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ tất cả hoạt động tố tụng đối với chị Mai vì hành vi của chị không cấu thành tội cướp tài sản.
Phó Viện trưởng VKSND quận Thanh Khê Võ Văn Xử khẳng định: “Trong một vụ án, cơ quan tố tụng chứng minh được tới đâu thì xử lý tới đó, không chứng minh được thì phải xác định bị can, bị cáo không phạm tội. Ở vụ án này, sau quá trình điều tra, lời khai của chị Mai và ông Ngữ có rất nhiều mâu thuẫn, không phù hợp nội dung sự việc xảy ra. Lời khai của ông Ngữ trong các thời điểm khác nhau cũng có nhiều mâu thuẫn nên không có cơ sở và căn cứ chứng minh chị Mai phạm tội”.
“Mẹ con không phải ở tù”!
Chúng tôi tới thăm khi chị Mai đang cùng con gái nhỏ chăm sóc bà ngoại ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam). Hơn tháng nay, bà ngoại của chị bị bệnh nặng nhưng khi hay tin cháu gái đã được minh oan, bà như khỏe ra, cười nhiều.
Bé gái sáu tuổi, con của chị Mai hồn nhiên khoe: “Con sẽ nói với các bạn là mẹ con không phải ở tù”.
Sau khi bị khởi tố, công việc gia sư của chị bị cắt ngang. Dù được tại ngoại, chị cũng không dám xin vào làm việc ở đâu khi đang bị vướng vào lao lý. “Tôi có cảm giác đi đâu cũng bị những cái nhìn dè bỉu, ra chợ cũng bị người ta xì xào bàn tán. Thế nên tôi không muốn về quê, họ hàng tôi cũng không dám gặp. Có lần con gái đi nhà trẻ về khóc như mưa đòi nghỉ học. Hỏi thì con nói cô giáo và các bạn nói mẹ sắp đi tù. Tại phiên xử phúc thẩm, không có ai giữ bé, tôi phải đưa cháu lên tòa cùng. Về nhà cháu cứ lầm lì, hỏi tôi: “Mẹ có phải lên tòa nữa không?” rồi cháu khóc. Mỗi lần như vậy tôi không biết trả lời con ra sao. Tôi sợ các cơ quan tố tụng không làm rõ được sự thật mà lại tuyên một mức án như tòa sơ thẩm thì có lẽ tôi chỉ còn biết tìm đến cái chết” - chị Mai ngậm ngùi.
Sau lần đó, chị đưa con về quê ở với bà ngoại. Có lần mẹ chị ở nhà gọi điện thoại khóc kể rằng tổ dân phố họp nói gia đình không đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” vì có con đi tù. Nghe mẹ nói, chị cũng chỉ biết khóc.
“Nhiều lúc nghĩ dại nhưng sợ con gái còn quá nhỏ không ai nuôi. Rồi nghĩ nếu có chết cũng phải chết cho đàng hoàng, không thể để mọi người nhìn mình với con mắt khinh khi. Cũng may, vụ việc của tôi được nhiều người ủng hộ, nhiều cán bộ mỗi lần mời tôi lên làm việc đều rất nhẹ nhàng, tử tế. Vậy nên tôi có niềm tin rất lớn rằng trắng đen rồi sẽ rõ ràng”.
Chị nhận được quyết định đình chỉ điều tra vì không phạm tội, cả nhà ai cũng mừng. “Bà ngoại nói bà khỏe ra cả chín phần rồi, nói tôi được minh oan thì bà có chết cũng an lòng. Hết hè, tôi sẽ đưa con ra Đà Nẵng để cháu vào lớp 1. Giờ thì tôi yên tâm rằng cháu sẽ không phải tự ti trước các bạn vì có mẹ bị ở tù nữa rồi. Tiếp đó tôi sẽ nộp đơn xin đi dạy” - chị cười tươi khi nói về những ngày sắp tới.
Nhìn nụ cười của chị, chúng tôi cũng thấy thật nhẹ lòng!
Tự giao dây chuyền, nhẫn cho bạn gái Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tối 8-10-2013, chị Mai đến xưởng than nơi ông Ngữ (bạn trai, đã có vợ) làm việc để nói chuyện rồi xảy ra mâu thuẫn. CQĐT Công an quận Thanh Khê cho rằng chị Mai có hành vi cướp tài sản vì đã dùng tay đánh ông Ngữ nhiều cái, sau đó giật sợi dây chuyền ông đang đeo bỏ vào túi. Chị còn lấy hai con dao đưa vào gần cổ ông Ngữ khống chế, yêu cầu ông tháo nhẫn vàng đeo trên tay đưa cho chị. Không có khả năng tự vệ, ông Ngữ đã đưa nhẫn cho chị. Sáng hôm sau, ông đi trình báo công an... Tại hai phiên tòa sơ, phúc thẩm, chị Mai đều khẳng định đã bị ép cung, mớm cung, buộc ký khống. Chị khai đích danh tên hai cán bộ điều tra ép cung và yêu cầu triệu tập hai cán bộ này để đối chất. Theo chị Mai, sự thật khác hẳn với quy kết của CQĐT. Trước khi xảy ra sự việc, ông Ngữ đòi “quan hệ” nhưng chị từ chối, dẫn tới hai bên lời qua tiếng lại. Ông Ngữ nói chị là “đồ giáo viên thấp cấp”. Tức giận, chị đã tát ông Ngữ, kề dao vào cổ yêu cầu ông Ngữ xin lỗi. Còn dây chuyền và chiếc nhẫn là do ông Ngữ tự tháo, bỏ vào phong bì có logo của công ty than (nơi ông làm việc) nói chị mang về vì muốn chị không đi lấy chồng. Sau khi ông Ngữ đưa cho chị, cả hai còn ngồi nói chuyện tầm 30 phút... Chị Mai khai vài ngày sau ông Ngữ còn mang cam tới biếu mẹ chị và liên tục nhắn tin nói lời yêu thương chị. Tại phiên xử phúc thẩm, chị Mai đã công khai nhiều tin nhắn của ông Ngữ có nội dung yêu thương, xin chị quay lại. Ông Ngữ thừa nhận có chuyện này. Nhiều chuyên gia pháp lý phân tích chị Mai không phạm tội cướp tài sản bởi ông Ngữ không hề bị tê liệt ý chí. Theo cáo trạng, khi chị Mai kề dao vào cổ ông Ngữ yêu cầu tháo nhẫn ra, ông Ngữ có nói “cô cầm đi, mai nói chuyện…”. Điều này chứng tỏ ông mặc nhiên chấp nhận việc chị Mai giữ tài sản của mình và còn hẹn nhau nói chuyện tiếp. |