Côn đồ trỗi dậy
Thời gian gần đây, trên địa bàn miền Trung xảy ra hàng loạt vụ thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm, gây bất an cho người dân
Vụ thanh toán gần đây nhất xảy ra đêm 5-6 ở đường Trường Chinh, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi giữa 2 băng nhóm giang hồ từ Bình Định và Quảng Ngãi với hơn 70 đối tượng tham gia, khiến người dân vô cùng hoang mang.
Sống trong sợ hãi
Chứng kiến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ tổ dân phố 1, phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) không khỏi lo lắng. Khi 2 nhóm côn đồ Bình Định và Quảng Ngãi giáp mặt nhau để thanh toán, cả gia đình ông Thanh đang ngồi ngoài vỉa hè. “Lúc đầu, các đối tượng cầm mã tấu, tuýp sắt trông dữ tợn xông vào nhau. Liền sau đó, tôi nghe tiếng súng nổ liên tiếp cùng tiếng hô “bật lựu đạn lên”, “bật lựu đạn lên”... Không những gia đình tôi, xung quanh ai cũng sợ” - ông Thanh kể. Theo ông Thanh, cuộc sống người dân ở Quảng Ngãi vốn rất bình yên, giờ đã không còn như trước khi các băng nhóm côn đồ đâm chém nhau liên tục xảy ra.
Thực tế, trước vụ 2 nhóm giang hồ Bình Định và Quảng Ngãi hẹn nhau thanh toán, cuối năm 2015, người dân Quảng Ngãi cũng từng chứng kiến sự việc khi 2 nhóm côn đồ khác xông vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi đâm chém nhau loạn xạ. Các đối tượng này còn liều lĩnh đuổi chém bảo vệ, đập phá tài sản của bệnh viện.
Không những hẹn nhau thanh toán, gần đây, ở Quảng Ngãi còn nổi lên nhiều băng nhóm giang hồ chuyên trấn lột các cơ sở buôn bán, quán ăn, nhà hàng, bất chấp pháp luật. Bà Nguyễn Thị Thi, chủ một nhà hàng ở TP Quảng Ngãi, thường xuyên bị những nhóm giang hồ vào “xin đểu”. “Cứ khoảng một tuần, nửa tháng là xuất hiện một nhóm thanh niên bặm trợn vào ăn nhậu, xin tiền, đập phá tài sản. Tôi điện thoại báo công an nhưng không ăn thua” - bà Thi bức xúc.
Hiện trường vụ 2 băng nhóm giang hồ truy sát nhau ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào ngày 6-4Ảnh: Trần Thường
Tuổi đời còn trẻ
Nhiều người dân ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vẫn còn nhớ như in vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm thanh niên truy sát nhau xảy ra tối 26-10-2015. Trong lúc Lê Vũ Tuấn cùng nhóm bạn đang ngồi chơi trước một cổng trường ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, thì bị nhóm của Nguyễn Đức Trung (ngụ xã Bình Ngọc) đến gây hấn. Khi rút đến Công viên Diên Hồng, nhóm của Tuấn tiếp tục bị nhóm của Trung kéo đến kiếm chuyện. Hậu quả là một cuộc ẩu đả kịch liệt xảy ra. Trong lúc truy sát, dùng hung khí chém nhau, Tuấn bị thương nặng còn Trung tử vong.
Đêm 16-2, sau khi tàn cuộc nhậu ra về, Nguyễn Văn Phòng (ngụ xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cùng 7 đối tượng đến một quán karaoke ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn chọc ghẹo tiếp viên của quán. Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ thị trấn Phú Phong) thấy chuyện bất bình nên can ngăn liền bị 8 thanh niên rút mã tấu, dao lao vào đâm chém xối xả. Cũng ở huyện Tây Sơn, mới đây là vụ 4 thanh niên chạy xe máy gây náo loạn thôn xóm, rồi xông vào nhà một nhà dân ở xã Bình Thuận, dùng mã tấu, tuýp sắt tấn công nhiều người và chém chết một người trong gia đình này.
Ở một số địa phương của tỉnh Quảng Nam, gần đây cũng xuất hiện các băng nhóm côn đồ hung hãn khiến người dân bất an. Ngày 6-4, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc xảy ra vụ thanh toán đẫm máu giữa 2 băng nhóm tại một tiệm game bắn cá. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Mai Hoàng Đạo và Lê Thanh Tới (ngụ xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) đến máy bắn cá tại thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa để chơi. Tại đây, Đạo và Doãn Việt Quang (ngụ xã Đại Nghĩa) xảy ra mâu thuẫn, sau đó hai bên gọi đồng bọn mang mã tấu, súng đến giải quyết với nhau. Vụ hỗn chiến làm nhiều người bị thương và 1 người bị bắn chết tại chỗ.
Qua hồ sơ các vụ án, cơ quan công an các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam... ghi nhận trong hầu hết các vụ đâm chết nhau, hầu hết các đối tượng phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ.
Quyết truy quét
Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra gần 10 vụ gây rối trật tự liên quan đến những thanh niên, đối tượng giang hồ hẹn nhau thanh toán, giải quyết mâu thuẫn. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kịp ngăn chặn nhiều vụ, trấn áp hàng chục đối tượng. Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, nhận định: “Những đối tượng này thường rất manh động, bất chấp. Nhiều đối tượng sử dụng cả hàng “nóng”, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi có lực lượng chức năng đến xử lý”.
Theo đại tá Dương, trước tình trạng các đối tượng tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều lực lượng công an, Cảnh sát 113 túc trực 24/24 giờ. “Ngoài lực lượng cảnh sát cơ động làm nòng cốt, công an ở các địa phương cũng luôn ở tư thế sẵn sàng trấn áp những tên tội phạm nguy hiểm, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân” - ông Dương khẳng định.
Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở gia đình quản lý con cái, Công an tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo công an các địa phương triển khai các biện pháp truy quét những băng nhóm côn đồ đang có chiều hướng gia tăng, trả lại bình yên cho các vùng quê.
Vấn nạn của di cư lao động Một trong những lý do khiến tội phạm gia tăng ở các tỉnh miền Trung là do lơ là quản lý, giáo dục của các gia đình. Một nguyên nhân khác là do sự thay đổi lối sống trong quá trình di cư lao động của những người trẻ tuổi. Theo một cán bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi, nhiều đối tượng sau khi đến các tỉnh, thành khác làm việc, lúc trở về quê nhà, do quen lối sống buông thả đã tụ tập chơi bời lêu lổng, kết bè phái quậy phá, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự xã hội. |
Đà Nẵng: Triệt phá từ lúc manh nha Đà Nẵng, nơi được xem là TP đáng sống, thời gian gần đây cũng xảy ra một số vụ án khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Mới đây nhất là vụ cướp giật xảy ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà như ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói rằng những vụ cướp như thế thường chỉ thấy ở các TP lớn khác. Trong cuộc họp mới đây, Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết có nhiều băng nhóm giang hồ ở Hải Phòng vươn vòi vào TP Đà Nẵng. Những đối tượng này chủ yếu buôn ma túy và đặc biệt nguy hiểm vì luôn có vũ khí nóng trong người. Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP Đà Nẵng, nhìn nhận so với các địa phương khác thì an ninh trật tự ở TP này không quá phức tạp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, ở Đà Nẵng không xảy ra án giết người, vụ án giết người mà công an bắt được hung thủ vừa qua xảy ra vào năm ngoái. Riêng cướp giật cũng xảy ra một vài vụ, trong đó có vụ cướp giật trên đường Phan Châu Trinh và công an đã bắt được các nghi phạm. Ông Dũng cho hay lực lượng công an vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng Đà Nẵng thành TP “4 an” là an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Sắp tới, TP sẽ đồng loạt gắn camera an ninh trên nhiều tuyến đường để bảo đảm an ninh trật tự. Ông Dũng cũng cho biết từ năm 2015, Công an TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã có quy chế phối hợp chống tội phạm. Theo đó, ở những địa bàn giáp ranh, lực lượng công an 2 địa phương phải cùng vào cuộc phòng chống tội phạm. Về thông tin các băng nhóm giang hồ ở Hải Phòng xuất hiện ngày càng nhiều ở Đà Nẵng gây lo lắng cho người dân, đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, nhấn mạnh ngăn chặn tội phạm từ các địa phương khác đến lập băng nhóm gây án là một nhiệm vụ trọng tâm của Công an TP Đà Nẵng. “Đối với loại tội phạm này, chủ trương của chúng tôi là nhanh chóng phát hiện, triệt phá từ lúc mới manh nha. Phải xử lý triệt để, quyết liệt ngay từ đầu mới kịp thời ngăn chặn chúng hình thành nên những băng nhóm phức tạp. Nếu chậm trễ, để tội phạm từ nơi khác đến có thời gian câu kết với các băng nhóm địa phương thì tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều” - ông Tam nói. |