Cô gái mất tích khi qua cầu tạm: Đã có dấu hiệu hình sự
Chiều 21-9, thi thể chị Võ Hoàng Anh T., 18 tuổi, nạn nhân rơi xuống nước khi đi qua cầu tạm An Thạnh, thị trấn Bến Lức, Long An (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-9) đã được tìm thấy.
Bị nhắc nhở, đơn vị thi công vẫn phớt lờ
Trước đó, trưa 21-9, người dân ở gần khu vực bến đò Bến Bạ, xã Tân Trạch, Cần Đước (cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 40 km) phát hiện một thi thể nữ trôi trên sông Vàm Cỏ có đặc điểm mô tả giống với nạn nhân nên đã trình báo công an. Lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt ở hiện trường và xác định đó đúng là T.
Đến 19 giờ 30, T. đã được đưa về với gia đình. Rất đông người dân địa phương và bạn bè T. đã đến gia đình chia buồn. Đám tang của T. phải tổ chức tại một căn nhà thuê ở gần Khu công nghiệp Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức) vì hiện tại gia đình chị hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đều đi làm thuê mướn, chưa có nhà. Trong buổi chiều nay, em Trương Tấn Vũ, bạn T. (là người đã chở T. trước khi xảy ra tai nạn) không thể đến dự đám tang T. vì vẫn còn bị sốc nặng.
Chị Lê Thị Ngọc Lợi, mẹ của T., thẫn thờ cho biết T. là con duy nhất của vợ chồng chị. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên học đến lớp 10, T. đã nghỉ học, khoảng hai, ba năm nay T. đi làm công nhân trong khu công nghiệp để phụ giúp cha mẹ. T. mất đi là một mất mát quá lớn với gia đình. Ông Võ Thành Thái, cha T., nói thêm: Trong ngày, đại diện đơn vị thi công đã đến xin gia đình bỏ qua và hứa sẽ hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình.
Theo ông Phùng Văn On, Phó ban ATGT tỉnh Long An, đơn vị thi công cầu tạm An Thạnh là Công ty Xây dựng Thế Toàn (TP.HCM), còn chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT). “Đơn vị thi công đã từng bị nhắc nhở nhiều lần vì không đảm bảo an toàn. Một tuần trước khi xảy ra tai nạn, đơn vị thi công tiếp tục bị Đội Thanh tra Giao thông số 6, Thanh tra giao thông tỉnh lập biên bản nhắc nhở vì tháo dỡ cầu tạm nhưng không rào chắn, cảnh báo. Hiện vụ việc đã được cơ quan điều tra thụ lý theo thẩm quyền” - ông On nói.
Mẹ chị T. thẫn thờ vì cái chết đột ngột của con. Ảnh: HN
Cần khởi tố vụ án hình sự
Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng với những gì báo chí đã đăng tải, vụ việc có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông theo Điều 220 BLHS.
TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM) nói: Theo Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn về các tội xâm phạm an toàn trật tự giao thông thì: Hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 BLHS là gồm nhiều loại hành vi vi phạm, trong đó có: “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa”.
“Hành vi của người có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa cầu An Thạnh (tháo dỡ cầu nhưng không lắp đèn báo, không rào chắn và gắn cảnh báo từ xa, không có biện pháp đảm bảo an toàn) đã vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ (như TTLT 09/2013 hướng dẫn) và đã gây ra hậu quả chết người. Do đó hành vi của người này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông được quy định tại Điều 220 BLHS” - TS Tuấn nhấn mạnh.
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho rằng: Nếu đây đúng là vụ TNGT, tức cái chết của em T. không phải do một nguyên nhân trực tiếp nào khác, thì rõ ràng đơn vị thi công đã không thực hiện đầy đủ yêu cầu về an toàn giao thông. Việc tháo dỡ một phần cầu mà không rào chắn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng và thực tế tai nạn đã xảy ra.
Về mặt pháp lý, có hậu quả, thiệt hại về tính mạng, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm (không rào chắn, không lắp biển báo rõ ràng...) nên hành vi trên có đầy đủ dấu hiệu của tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông theo Điều 220 BLHS. Người phải chịu trách nhiệm hình sự ở đây là người “có trách nhiệm”, tức là giám đốc hoặc người phụ trách đơn vị thi công hoặc người được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ mà đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
“Để xác minh, điều tra đầy đủ, khách quan thì trước hết cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án hình sự. Sau đó điều tra và khởi tố bị can, theo đúng quy định của BLTTHS. Gia đình em Võ Hoàng Anh T. có quyền tham gia tố tụng để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” - luật sư Tám lưu ý.
Điều 220 BLHS quy định về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông: Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |