Chiêu thức huy động 200 tỷ đồng của 4 dây hụi ở Bình Thuận

Sự kiện: Tin pháp luật

Trưởng Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cảnh báo, không có việc chơi hụi mà lời 20 - 30%/năm. Việc này cũng dẫn đến rủi ro rất cao bởi các con hụi chơi rất nhiều dây hụi khác nhau, trong khi tiền để sản xuất kinh doanh đầu ra tham gia vào dây hụi không có, đến một lúc nào đó sẽ vỡ.

Hốt hụi tinh vi

Tại buổi giao ban báo chí tháng 11/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận ngày 30/11, Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã thông tin về quá trình điều tra, làm rõ các nội dung liên quan đến những vụ vỡ hụi hàng trăm tỷ đồng tại địa phương thời gian gần đây.

Theo Thượng tá Trần Long Khánh, từ tháng 10 đến tháng 11/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết đã nhận được 369 đơn tố cáo của những người ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành khác tham gia chơi huê hụi của 4 đường dây huê hụi ở Phan Thiết.

Thượng tá Trần Long Khánh thông tin về 4 đường dây huê hụi ở Phan Thiết.

Thượng tá Trần Long Khánh thông tin về 4 đường dây huê hụi ở Phan Thiết.

Cụ thể, đường dây huê hụi của Huỳnh Thị Thúy Vân (27 tuổi, ngụ phường Đức Long, Phan Thiết), Trần Thị Thanh Ngàn (25 tuổi, ngụ Nguyễn Hội, Phan Thiết), Ngô Thị Loan Chi (32 tuổi, Phú Thủy, Phan Thiết) và Nguyễn Thị Hoàng Sa (22 tuổi, ngụ Phú Hài, Phan Thiết). Tổng số tiền tố cáo 4 cá nhân trên đã chiếm đoạt là gần 200 tỷ đồng và đây chưa phải là con số cuối cùng.

Trước tình hình trên, Công an TP. Phan Thiết đã thành lập một Tổ công tác chuyên giải quyết, thụ lý đơn và đưa vào tin báo tố giác tội phạm để xử lý. Đồng thời báo cáo để cơ quan chức năng quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân nói trên và ra thông báo truy tìm trên phạm vi toàn quốc.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện tiếp tục vận động các cá nhân còn lại quay về hợp tác với cơ quan điều tra.

Theo ông Khánh, qua xem xét, đánh giá các đường dây huê hụi này không hoạt động theo phương thức truyền thống mà thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Cụ thể, các chủ hụi quảng cáo, đăng thông tin tài sản gia đình tới bạn bè để thu hút con hụi. Do tham gia qua mạng xã hội, các hụi viên không hề quen biết nhau mà chỉ chủ hụi nắm rõ.

“Khi thành lập dây hụi, chủ hụi cũng có thể trực tiếp chơi hoặc không chơi nhưng được hưởng hoa hồng. Ví dụ một dây hụi 10 triệu, cứ một lần xổ chủ hụi ăn hoa hồng 2 triệu. Chủ hụi thông báo có người trúng nhưng không cho hụi viên được biết với lý do bảo mật thông tin cá nhân. Sau đó, các hụi viên trong dây hụi chuyển tiền đến tài khoản người trúng mà không gặp mặt nhau như cách chơi truyền thống”, thượng tá Khánh nói.

Không có việc chơi hụi mà lời

Với chiêu thức như trên, các chủ hụi vừa tham gia với tư cách chủ hụi nhưng cũng có thể là con hụi. Chủ hụi thông báo với con hụi đã có người hốt nhưng thực tế chính chủ hụi hốt hụi. Một thời gian sau, chủ hụi tuyên bố mất khả năng chi trả, tạm lánh, không tiếp xúc, tắt điện thoại, đóng các trang mạng xã hội cá nhân.

Theo thượng tá Khánh, các nền tảng mạng xã hội phát triển đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư không an toàn cho người chơi hụi.

Khi tham gia trên mạng, các thành viên không gặp mặt nhau và rất khó xác định được tính minh bạch. Việc chơi hụi trên các nền tảng mạng xã hội không đúng với quy định vì các thành viên không biết nhau.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an TP. Phan Thiết quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, không có việc chơi hụi mà lời 20 - 30%/năm. Việc này cũng dẫn đến rủi ro rất cao bởi các con hụi chơi rất nhiều dây hụi khác nhau, trong khi tiền để sản xuất kinh doanh đầu ra tham gia vào dây hụi không có, đến một lúc nào đó sẽ vỡ.

“Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm trên cả nước cũng như ở Bình Thuận. Chúng tôi khuyến nghị người dân khi chơi hụi phải thông minh, thận trọng, tìm hiểu kỹ. Khi thấy dây hụi có lãi suất rất cao thì càng phải tìm hiểu như thế nào”, thượng tá Khánh khuyến cáo.

Trưởng Công an TP. Phan Thiết cho biết thêm, hình thức chơi hụi đã được pháp luật thừa nhận và cũng là hình thức góp vốn làm ăn từ lâu đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19 quy định rất rõ về việc này. Tuy nhiên tại Bình Thuận đã xảy ra rất nhiều lần vỡ hụi ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có vụ vỡ hụi toàn tỉnh vào năm 1989 gây ra hậu quả rất nặng nề.

“Hình thức chơi hụi trên mạng xã hội với lãi suất rất cao, khác xa tôn chỉ mục đích là góp vốn giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh. Vì thế khi chơi hụi cần phải tìm hiểu kỹ về người chơi, hình thức chơi, chủ hụi… Hãy tỉnh táo, thông minh trong việc đầu tư tài chính vào loại hình này. Tránh tình trạng chưa tìm hiểu kỹ và khi xảy ra vỡ hụi lại có những hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật…”, ông Khánh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Bình Thuận: 4 đường dây huê hụi bị vỡ với gần 200 tỉ đồng của 369 người

Các đường dây huê hụi này đều chơi trên mạng, các hụi viên không biết mặt nhau thậm chí không biết cả người hốt hụi do “bí mật cá nhân”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN