Cháu mồ côi mẹ bị bà ngoại "bắt cóc"
Vụ việc có dấu hiệu của tội chiếm đoạt trẻ em nhưng công an lại bảo nên kiện ra tòa.
Ngày 9/9, ông Đinh Lâm Thịnh (51 tuổi, ngụ phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết gần một tháng qua ông bỏ việc tìm đứa cháu ngoại 7 tuổi bị vợ cũ của ông bắt đi. “Không biết họ đưa đứa cháu mồ côi mẹ của tôi đi đâu, báo công an thì họ không giải quyết, phường cũng bất lực” - ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, năm 2000 ông và bà V. ly hôn. Tòa giao cho ông được trực tiếp nuôi dưỡng con gái. Sau khi có án, ông đưa con về nhà cha mẹ sinh sống, hành nghề lái xe nuôi con ăn học. Còn bà V. về huyện Hàm Tân sinh sống, lập gia đình với người khác.
Năm 2009, lúc con gái mới 18 tuổi, ông Thịnh như ngã quỵ khi nghe con báo tin có thai đến 26 tuần tuổi và cha của đứa bé đã chối bỏ trách nhiệm. Cuối năm này, bé trai BN ra đời mang họ mẹ. Ông Thịnh cho biết từ lúc bé N. sinh ra cho đến khi lớn lên không thấy bà V. ghé thăm.
Từ ngày cháu ngoại bị chiếm đoạt, ông Thịnh đôn đáo tìm cách đưa cháu về. Ảnh: PN
Nhưng tháng 6/2016 tai họa ập xuống: Trên đường về nhà, con gái ông bị xe đầu kéo cán thiệt mạng. “Thương đứa cháu mồ côi mẹ khi vừa bảy tuổi, tôi gần như nghỉ việc để lo cho cháu. Thời gian này bà V. thường xuyên lui tới thăm cháu ngoại nhưng đâu có ngờ có ý đồ chiếm đoạt bé N.” - ông Thịnh cho biết.
Ngày 11/8, cha bà V. đến thăm, xin phép ông Thịnh đưa bé N. đi chơi và hứa đến chiều cùng ngày sẽ đưa bé về. Tuy nhiên, đến chiều không thấy cháu, ông Thịnh gọi điện thoại thì cha bà V. báo là đã giao bé cho bà ngoại. Gọi cho vợ cũ, bà này cho ông hay là đã đưa cháu vào TP.HCM chữa bệnh. “Tôi yêu cầu bà V. đưa bé về vì sắp vào năm học mới nhưng bà khẳng định là không trả bé lại cho tôi” - ông nói.
Nhiều lần trao đổi không thành, ngày 24/8, ông Thịnh đến xã Huy Khiên, huyện Tánh Linh (nơi cha bà V. cư ngụ) trình báo sự việc. Công an xã Huy Khiêm đã lập biên bản, yêu cầu cha bà V. gọi cho con gái trả lại bé N. cho ông.
Cùng ngày, ông Thịnh làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Hàm Tân, nơi bà V. cư ngụ và đang chiếm giữ cháu bé yêu cầu trả lại cháu cho ông nhưng nơi này cũng không giải quyết. “Công an huyện Hàm Tân trao đổi miệng với tôi rằng đây là việc dân sự, yêu cầu tôi chuyển đơn sang tòa án giải quyết” - ông Thịnh nói. Ông Thịnh cho rằng cách trả lời, giải quyết của công an là không khách quan vì bà V. đã có hành vi chiếm đoạt trẻ em.
Có dấu hiệu hình sự Luật sư Đỗ Minh Trúc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, cho rằng vụ việc đã có dấu hiệu của tội chiếm đoạt trẻ em (Bộ luật Hình sự năm 2000) nay là tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Sau khi con gái mất, ông Thịnh là người giám hộ đương nhiên của cháu N. Ở đây cha của bà V. đã có hành vi đưa cháu N. đi, sau đó không trao trả cháu lại cho người giám hộ là đã có dấu hiệu tội phạm. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Việc xử lý tin báo và tố giác tội phạm phải theo đúng trình tự thủ tục và có văn bản trả lời kết quả giải quyết tin báo về tội phạm bằng văn bản. Việc Công an huyện Hàm Tân trả lời đây là vụ việc dân sự và chuyển sang tòa án thụ lý là không đúng pháp luật. |