Cả huyện ‘đau đầu’ vì vụ ly hôn của một cô giáo

Sự kiện: Tin pháp luật

Bản án ly hôn không tuyên cụ thể việc thăm nom con chung.

Sau bản án ly hôn giữa cô giáo với anh cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH), UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã phải mời các ngành VKS, tòa án, cơ quan thi hành án (THA)… họp bàn. Nội dung là về việc cô giáo bị tố không cho cha thăm con, bản án ly hôn khó thi hành.

“Cặp đôi hoàn cảnh”

Anh là một cán bộ BHXH cần mẫn, từng có một gia đình hạnh phúc. Sau Tết năm 2000, trong vụ tai nạn thương tâm ở Rú Nguộc (huyện Thanh Chương), vợ anh ra đi, để lại cho anh đứa con gái mới ba tuổi. Anh ở vậy nuôi con, đến năm 2004 thì tình cờ gặp chị. Chị là giáo viên, đã ly hôn chồng và có một con gái ba tuổi.

Được bạn bè vun đắp, anh chị đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Đám cưới được tổ chức vào đầu năm 2005 và chẳng mấy chốc gia đình nhỏ đã thành gia đình to. Ba đứa con chung (hai gái và một trai út) lần lượt ra đời vào tháng 9-2005, tháng 9-2011 và tháng 12-2014.

Tuy nhiên, đến năm 2016 sóng gió đã xảy ra. Vợ chồng bất đồng, mâu thuẫn liên tiếp xảy ra, chị ôm con về ngoại rồi nộp đơn xin ly hôn dù nhiều lần anh năn nỉ được đoàn tụ.

Hòa giải, anh nói tình cảm với chị vẫn còn và thiết tha mong vợ chồng gắn kết để nuôi dạy con cái nên người. Tuy nhiên, chị vẫn cương quyết ly hôn.

Chị trình bày: Sau khi kết hôn, vợ chồng làm ăn, chung sống hạnh phúc với nhau đến đầu tháng 6-2016 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do hai người tính tình không hợp, sống với nhau hay cãi vã, không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được. Hai người đã sống ly thân với nhau và cắt đứt mọi quan hệ từ đầu tháng 6-2016. Nay chị xét thấy tình cảm vợ chồng không còn nữa nên chị yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn.

Cả huyện ‘đau đầu’ vì vụ ly hôn của một cô giáo - 1

Sau ly hôn, người cha làm mọi cách mong được gặp con nhưng “cha, con và chị, em vẫn chưa được gặp nhau”.  Ảnh:  ĐẮC LAM

Chín lần đến thăm con đều không gặp

Ngày 17-3-2017, TAND huyện Thanh Chương xử sơ thẩm và ngày 19-7-2017, TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm đều tuyên cho anh chị  được ly hôn. Về ba con chung, tòa phân chia chị nuôi con đầu và con út, anh nuôi con gái giữa. Anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chị nuôi con đầu mỗi tháng 1 triệu đồng cho đến khi con 18 tuổi.

Về phân chia tài sản, chị được hưởng trị giá 352 triệu đồng trên tổng tài sản chung, anh được hưởng hơn 685 triệu đồng. Anh phải trích chia trị giá chênh lệch tài sản cho chị là 282 triệu đồng.

Bản án hai cấp tòa cùng nêu: “Anh, chị có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở anh, chị thực hiện quyền này”.

Sau phiên tòa phúc thẩm, anh có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng “việc phân chia tài sản chưa đúng” và chia con út (sinh tháng 12-2014) cho mẹ là chưa đảm bảo phát triển của trẻ bởi người mẹ chưa có nơi ở ổn định, chưa đủ điều kiện chăm sóc con.

Do bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nên đã được thi hành ngay. Các tài sản nhanh chóng được phân chia dễ dàng. Tuy nhiên, phần thăm nuôi con lại là phần thi hành khó khăn nhất. Anh tố cáo chị gây cản trở quyền thăm con, không cho con đến trường trong độ tuổi quy định, không tiêm phòng cho con trai út. Nhiều lần (anh nêu cụ thể là chín lần) anh muốn gặp, thăm con đều không được.

Cả huyện “đau đầu” vì bản án

Chiều 29-11, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Việc này nhỏ nhưng lại khó giải quyết. Trong biên bản bàn giao con và hai bên ký cam kết có ghi là trong một tuần, thứ Bảy và Chủ nhật chị phải để anh đến thăm, chăm con.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của anh chồng, tôi đã gặp gỡ từng người nhưng mỗi người nói mỗi ý. Anh chồng phản ánh đã chín lần đến thăm con nhưng đều bị cản trở không được thăm. Còn chị nói hai lần anh có liên hệ thăm con nhưng chị bận đi TP Vinh không về kịp, từ đó đến nay không thấy anh đến thăm con. Anh nói có chụp ảnh, quay phim việc đến thăm có người ở nhà nhưng không ai ra mở cổng để cha, con, chị, em gặp nhau”.

Ông Hiền nói: “Chúng tôi đã tổ chức buổi đối thoại do tôi chủ trì, mời hai anh chị, thư ký và trưởng THA huyện, phó chánh án TAND huyện, viện phó VKSND huyện, hiệu trưởng nơi chị công tác, giám đốc BHXH nơi anh công tác đến họp, lập biên bản đối thoại. Tại buổi đối thoại, chị cho rằng đã tiêm phòng cho con và không bắt buộc trẻ dưới ba tuổi phải đến trường. Anh cho rằng xác minh qua trạm y tế chưa thấy con có danh sách tiêm phòng.

Chúng tôi muốn giải quyết hài hòa được cả hai bên nhưng rất khó. Trong luật nêu không ai có quyền ngăn cản quyền thăm con nhưng không có văn bản quy định một tháng hay một tuần được thăm bao nhiêu lần”.

THA huyện Thanh Chương cũng cho rằng: “Sự việc cản trở quyền thăm con chung rất khó giải quyết bởi bản án không tuyên cụ thể thăm ngày nào, tháng nào được thăm và chăm sóc bao nhiêu lần, bao nhiêu ngày…”.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho biết đã nhận được đơn của anh, do phòng chỉ quản lý chuyên môn và không còn công đoàn ngành nên cũng rất khó để phòng giải quyết việc ngoài chuyên môn của ngành giáo dục.

Ngày 30-11, anh lại đến UBND xã nơi chị cư trú để nhờ chứng kiến và chứng nhận cho việc anh bị ngăn cản thăm con. Thế nhưng cán bộ xã trả lời: “Chúng tôi phải làm việc với công dân trước xem sao rồi mới làm việc tiếp với anh”.

Những vụ án đau xé lòng vì tin lời thầy bói

Rất nhiều người đã tin lời thầy bói đến mê muội, để rồi khi nhận ra hậu quả thì tất cả đã quá muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đắc Lam (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN