Bị oan 32 năm, khi chết mới được xin lỗi

Khởi tố, bắt tạm giam oan người dân sau 32 năm, sáng nay VKSND tỉnh Gia Lai mới tổ chức buổi xin lỗi công khai những người có liên quan. Dù ông Phùng Trọng Hùng đã qua đời hơn một năm, nhưng đại diện VKSND vẫn mong ông “thông cảm”.

Bị oan 32 năm, khi chết mới được xin lỗi - 1

Ông Trần Công Hùng – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai, người đại diện cho VKSND đọc lời xin lỗi

Sáng ngày 8-4, tại hội trường UBND phường Diên Hồng, TP Pleiku (Gia Lai) VKSND tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Phùng Trọng Hùng (SN 1967) và gia đình trước các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Riêng phần bồi thường hai bên đang thương lượng giải quyết.

Theo nội dung vụ việc, ngày 14-2-1984, VKSND Thị xã Pleiku (nay là TP Pleiku) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hùng về hành vi “hành hung cán bộ trong khi thi hành nhiệm vụ”, theo quy định tại điều 9, sắc lệnh số 3 ngày 15-3-1976.

Ngày 15-6-1985, VKSND tỉnh Gia Lai – Kon Tum (cũ) ra quyết định kiểm tố đối với ông Phùng Trọng Hùng. Ngày 20-4-2015, VKSND tỉnh Gia Lai ra quyết định hủy quyết định kiểm tố trên và ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hùng vì hành vi không cấu thành tội phạm. Như vậy ông Hùng đã bị khởi tố và bắt tạm giam oan, trách nhiệm đó thuộc về VKSND tỉnh Gia Lai.

“Đây là sự việc đáng tiếc, ngoài sự mong muốn của VKSND tỉnh Gia Lai. Rất mong sự thông cảm của gia đình, của ông Phùng Trọng Hùng” – ông Trần Công Hùng – Phó viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai, người đại diện cho VKSND nói. Ngay sau câu nói trên, ông Hùng cũng nói lời kết thúc buổi xin lỗi công khai trên.

Bị oan 32 năm, khi chết mới được xin lỗi - 2

Ông Hiển (đứng) cho rằng trong những lần thương thượng bồi thường cho ông Hùng, VKSND tỉnh Gia Lai đã phạm luật

Tuy nhiên đại diện gia đình là ông Phùng Trọng Hiển (SN 1974, em trai, người đại diện cho ông Hùng đã mất) đứng dậy xin phát biểu ý kiến. Ông Hiển cám ơn đại diện VKSND đã nhìn nhận ra cái sai phạm để xin lỗi gia đình.

“Tuy nhiên về vấn đề bồi thường vật chất và tinh thần đối với ông Hùng, tôi thấy qua cách làm việc của VKSND có vi phạm pháp luật. Đề nghị VKSND Gia Lai nhìn nhận lại hồ sơ để bồi thường cho ông Hùng. Đã qua ba lần thương lượng mà những người tham gia thương lượng không ký tên vào biên bản. Một biên bản thương lượng thôi mà tại sao người tham gia thương lượng không thèm ký tên vào biên bản” – ông Hiển gay gắt nói.

Theo ông Hiển, đáng lý Viện trưởng VKSND phải là người đại diện. Tuy nhiên trong những lần thương lượng bồi thường những người này đều không có mặt mà ủy quyền cho người khác. “Theo điều 75, bộ luật tố tụng dân sự chỉ có người đại diện theo quy định chứ không thể có người đại diện theo ủy quyền được. Một cơ quan nhà nước biết luật mà vẫn vi phạm pháp luật”.

Liên quan đến vụ án này, 5 người trong gia đình ông Hùng đã bị ở tù. Vào năm 1975, khi đó ông Phùng Văn Cung (bố ông Hùng) mua miếng đất của Bà Nguyễn Thị Lộc. Sau khi thỏa thuận giá, ông Cung đã trả trước cho bà Lộc 1 nửa số tiền. Sau đó bà Lộc đi khỏi địa phương, hai năm sau trở về thì nảy sinh tranh chấp. Tại bản án sơ thẩm, TAND thị xã Pleiku bác đơn kiện của bà Lộc. Bà Lộc kháng cáo, ngay sau đó, TAND Gia Lai – Kon Tum bây giờ tuyên cho bà Lộc thắng kiện.

Gia đình ông Cung một mực phản đối. Ngày 04-6-1983, ông Cung bị tạm giữ để thi hành án (ông Cung cũng đã qua đời). Ngày 22-8-1985, TAND tỉnh Gia Lai – Kon Tum tuyên án ông Cung bị 3 năm tù giam. Không chấp nhận bản án này, những người con trong gia đình ông Cung là ông Hùng và bà Phùng Thị Kim Oanh (chị ông Hùng) phản đối quyết liệt và cũng bị bắt giam.

Trước đó, bà Oanh và ông Cung đã được VKSND tỉnh Gia Lai xin lỗi, bồi thương oan sai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN