Bán dâm để chạy thận: Tận cùng số phận

Sự kiện: Muôn mặt mại dâm

Hà vén cánh tay trái lên để lộ ra những cục tật đã chai cứng do phải luồn ống vào để lọc máu. Vết kim đâm lâu ngày thành tổ (mà dân nghiện thường gọi là “mà”) khiến người đối diện có một cảm giác rùng mình.

Cô bị suy thận nặng và phải chạy thận đến gần 3 năm nay. Nhan sắc vốn đã thuộc hàng trung bình, lại cộng thêm căn bệnh suy thận độ 4 hành hạ, khiến Hà vừa nói chuyện với tôi vừ thở dốc, mệt mỏi. Cô bị bắt quả tang khi đang bán dâm vào chiều 9/4, tại một ổ nhền nhện trá hình ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm. Khi đưa Hà về trụ sở Công an, những người tham gia truy quét mại dâm cũng không khỏi ái ngại cho cô khi nhìn hình hài héo hắt, không còn một chút sức sống nào của Hà.

Không biết chữ và lên thành phố

Vũ Thị Hà thật thà khai nhận hành vi bán dâm của mình, nhưng đến khi bảo cô viết tường trình thì các anh Công an mới biết là cô không biết chữ. Thế nên, trong các bản cung, cô đành phải điểm chỉ vào. Đến tên mình, Hà cũng không viết được, chữ A, thậm chí chữ O tròn xoe đơn giản nhất cô cũng không biết. Quê ở tận huyện Quảng Xương, Thanh Hóa – một vùng quê ven biển nghèo vào loại nhất nhì xứ Thanh, cha mẹ Hà sinh cả thảy được 8 đứa con và cả 8 đứa con ấy đều không một ngày được đến trường.

Ngày 9/4, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 – Công An Tp. Hà Nội) bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại 1 quán cà phê ở xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.

Một trong 2 cô gái bị bắt quả tang là Vũ Thị Hà (tên đã được thay đổi) có hoàn cảnh rất éo le. Hà xuất thân ở vùng quê nghèo, thiếu học, lên thành phố làm việc nhưng bị mắc bệnh nặng. Để có tiền chạy thận hằng tuần, Hà phải bán dâm tại quán cà phê trên. Trung bình mỗi ngày Hà bán dâm từ 2 – 3 lượt.

Lệ Vân (Khampha.vn)

Những người đàn ông trong gia đình Hà nói riêng và những người đàn ông của vùng biển Quảng Nham nói chung đều mở mắt đã biết theo cha anh giương buồm ra khơi, những người phụ nữ ở nhà đan lưới chờ chồng. Và nghèo khó quanh năm. Hà kể rằng, ở quê cô bây giờ hầu như chỉ có người già và trẻ con, bởi thanh niên trai tráng, một nửa thì ra khơi, một nửa lao về thành phố làm thuê làm mướn. Hà cũng trong đám các cô gái lao về thành phố với một hành trang mang theo duy nhất là sự ngây ngô của những đứa con gái nông thôn mới lớn. Hầu hết các cô khi ra thành phố thường làm nghề gội đầu cắt tóc, phục vụ bàn, một số nữa thì nhắm mắt đưa chân vào cuộc đời buôn hương bán phấn. 

Thời gian đầu ra Hà Nội, Hà xin vào làm nhân viên gội đầu cho một quán ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, lương tháng chắt bóp cũng đủ sống tằn tiện. Sau này khi có chút vốn liếng, cô tách ra mở riêng quán gội đầu, nhưng ngặt nỗi, người yêu cô không đồng ý vì không thích cô làm nghề này. Người đàn ông mà Hà đã nghĩ sẽ bấu víu được nơi đất khách quê người ấy làm nhân viên bán xăng trên phố Nguyễn Phong Sắc. Anh ta đã có vợ con ở quê Thái Bình. Hà chấp nhận làm vợ lẽ cho anh ta và chấp nhận cả sự mỉa mai của người đời, như một thực tế mà nhiều cô gái nông thôn thường đánh đổi.

Bán dâm để chạy thận: Tận cùng số phận - 1

Hà vén cánh tay trái lên để lộ ra những cục tật đã chai cứng do phải luồn ống vào để lọc máu.

Người đàn ông ấy cũng đã về thăm quê Hà 2 lần. Khi mầm sống trong bụng Hà ngày càng lớn dần, cô vui mừng thông báo với người yêu thì anh ta lạnh lùng: “Nếu con trai thì để, còn con gái thì bỏ đi”. Câu nói như gáo nước giội thẳng vào mặt cô, không một chút mảy may xúc động. Hà nghiến răng quyết giữ lại đứa con và khi đứa trẻ chưa kịp ra đời thì gã đàn ông ấy đã quất ngựa truy phong.

Ngày sinh con, Hà về quê, nuốt nước mắt vào trong, chịu mọi lời dè bỉu của hàng xóm và cả sự chì chiết, nhiếc móc của mẹ để sinh ra đứa con mà cho đến nhiều năm sau nữa, thậm chí cả cuộc đời này, nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ biết mặt cha nó là ai. “Từ khi biết em quyết định để lại cái thai, anh ta bỏ chạy, trốn một mạch không ngoái đầu. Đến bây giờ em cũng không biết anh ta là ai, ngoài cái tên là Huân, quê Thái Bình. Nhà anh ta ở đâu em cũng không biết, vì chỉ có anh ta về quê em chứ em có được anh ta đưa về quê đâu” – Hà nói. Khi đứa trẻ biết ngồi, hai mẹ con lại dắt díu nhau ra Hà Nội, vì ở quê thì biết làm gì. Lại xin vào làm nhân viên gội đầu cho khách, với mức lương bèo bọt, nhưng mỗi tối khi trở về ngôi nhà trọ tồi tàn, cô cũng thấy ấm áp hơn phần nào.

“Khi bạn đói, bạn sẽ không nói thế”

Nhưng cuộc sống vốn không giống… cuộc đời, ông trời lại một lần nữa thử thách sức chịu đựng của cô. Khi đứa con được hơn 2 tuổi thì Hà bỗng phát hiện ra mình có những triệu chứng khó thở, đau lưng, phù toàn thân. Đến bệnh viện khám thì cô được bác sĩ thông báo đã suy thận độ 4. Khi chưa được làm bảo hiểm hộ nghèo thì Hà phải chi phí cho một tháng chạy thận là 10 triệu đồng, còn gần đây, cô đã làm được bảo hiểm, chi phí giảm hơn nhưng vẫn phải tốn rất nhiều tiền mua thuốc. “Quy định là một tuần phải lọc máu 3 lần, nhưng vì em thiếu máu nên bệnh viện sợ em không đủ sức nên chỉ chạy tuần 2 lần, mỗi lần 4 tiếng nằm trên giường bệnh” - Hà vừa nói vừa thở dốc. Cũng từ khi phải chạy thận, đứa con nhỏ đành phải đưa về nhà gửi bà ngoại nuôi giúp. Nhà bà ngoại cũng nghèo rớt mùng tơi, thuộc diện hộ nghèo của xã, mỗi tháng được Nhà nước trợ cấp 180 nghìn đồng.

Nếu hôm trước chạy thận thì phải đến hôm sau, Hà mới có đủ sức tiếp khách. “Em mệt lắm chị ạ, nhưng nhiều hôm cố cũng được 2-3 khách. Em không được khỏe như các bạn khác nên chỉ dám thế thôi, chứ có bạn còn “chạy show” ở ngoài cơ”.

“Sao em không tìm một công việc gì đó phù hợp hơn?” – tôi hỏi.

“Chị bảo em bệnh tật thế này, còn biết làm gì, cũng có lúc em nghĩ hay là mình mở hàng nước bán trà đá nhưng bán trà đá phải ngồi cả ngày, vất vả, lại một tuần mất hai ngày chạy thân, nằm bẹp rồi, khách họ đến không thấy thì làm sao lần sau họ quay lại nữa” – Hà than thở.

Mỗi tháng, các anh chị của Hà cũng cóp nhặt, gom góp mỗi người vài chục nghìn gửi ra cho cô chữa bện, bởi tất cả họ đều nghèo khó như nhau, và tuyệt nhiên không ai biết đứa em út của họ đang sống trong cảnh đau lòng như thế này. Qủa thực, tôi đã rất ái ngại khi ngồi ngắm dung nhan của cô, đặc biệt là cánh tay với những cũng tật chai cứng, gồ ghề. “Lúc em bị bắt, có chú Công an hỏi em: “Cháu nghiện à?”, em biết là chú ấy nhìn tay em như thế nên tưởng em có “mà” chơi ma túy. Đến khi về đây, thấy hết một ngày mà em không lên cơn vật thì các chú ấy mới tin, chứ ban đầu cứ nghĩ là em nói dối” – Hà rơm rớm nước mắt.

Trước khi viết bài này, tôi đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cô gái đáng thương này trên Facebook, một người bạn của tôi đã dặn: “Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”. Tôi cũng đã từng gặp nhiều cô cave, từng giả vờ chăm chú lắng nghe câu chuyện, đúng hơn là những kịch bản đầy nước mắt mà các cô ấy dựng lên để mong nhận được sự thông cảm của mọi người. Nhưng với trường hợp này, tôi tin rằng tôi đã được nghe một câu chuyện thật và cũng quyết định dành toàn bộ nhuận bút bài viết này để giúp đỡ Hà có tiền mua thuốc. Ai đó đã nói: “Khi bạn đói, bạn sẽ không nói thế”, có lẽ đã đúng trong trường hợp của Hà chăng?

Nhân vật đã được đổi tên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Hiền – Cẩm Huyền (Công An Nhân Dân)
Muôn mặt mại dâm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN