Vụ sập cần cẩu: “Lẽ ra phải… tránh giờ cao điểm”

Các chuyên gia cho rằng khó tránh khỏi tai nạn trong xây dựng, nhưng không nên làm công việc nguy hiểm như cẩu vật nặng lên cao vào giờ cao điểm, đông người qua lại.

Khoảng 16h20 ngày 12.5, chiếc cần cẩu ở công trình Đường sắt trên cao, tuyến Nhổn – ga Hà Nội  bất ngờ đổ vào hai ngôi nhà số 359 và 361 đường Cầu Giấy, Hà Nội. Dây cáp cần cẩu rơi xuống, trúng vào hai chiếc xe máy đang lưu thông. Vụ tai nạn khiến một phụ nữ đang mang thai khoảng 8 tháng bị thương nhẹ, phải vào viện.

Đây là vụ tai nạn thứ hai liên quan đến an toàn lao động xảy ra tại dự án này chỉ trong 3 ngày qua. Trước đó, là vụ rơi thanh dầm thép nặng hơn 6 tạ ngay trước mặt người tham gia giao thông ở ga số 4, ngày 10.5.


Xem xét trách nhiệm đơn vị thi công

PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội cho rằng, sự cố diễn ra liên tục trong một dự án thì cần xem lại trách nhiệm các bên liên quan như đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ GTVT... để xem sự cố xuất phát từ đâu? Do quy trình kỹ thuật hay chủ quan con người?

Theo ông Hùng, khi xây dựng, nhà thầu phải đảm bảo các biện pháp an toàn trong quá trình thi công. Tuy vậy, trong lĩnh vực xây dựng, rất khó tránh khỏi sự cố, tai nạn. Bởi, tính thủ công trong xây dựng cao. Nếu có các biện pháp an toàn tốt, thực hiện nghiêm ngặt, chỉ có thể giảm tối đa sự cố, không thể giảm “tuyệt đối”.

Vụ sập cần cẩu: “Lẽ ra phải… tránh giờ cao điểm” - 1
Chiếc cần cẩu đổ vắt ngang qua đường, làm bẹp mái tôn hai căn nhà, hai xe máy nằm dưới lòng đường

 

“Không nhà thi công, chủ đầu tư nào muốn xảy ra tai nạn để thiệt hại tài sản, tính mạng con người, ảnh hưởng tâm lý người dân. Nhưng đôi khi, dù cố gắng nhưng sự cố vẫn xảy ra”, ông Hùng chia sẻ.

Qua sự cố sập cần cẩu ngày 12.5, ông Hùng phân tích, lẽ ra khi thi công đưa vật nặng lên cao bằng cần cẩu như vậy phải thực hiện trong đêm vắng, ít người qua lại. Hoặc nếu vẫn phải thi công vào giờ đó, đơn vị thực hiện cần cho người ra cảnh báo, không cho các phương tiện giao thông đi qua...

Ông cũng cho rằng, các cơ quan chức năng Nhà nước cần kiểm tra nghiêm ngặt việc bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động tại các công trình thi công trên đường bộ.


“Tôi chọn cách tránh đi trên đường có công trường”

GS.TS Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên ĐH Xây dựng phân tích, nếu sự cố trong thi công xuất phát từ vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát... thì cơ quan Nhà nước phải kiểm tra và xử nghiêm.

Ví dụ như vụ rơi thanh dầm thép nặng khoảng 630 kg ra đường khi đang cẩu thanh dầm này lên hôm 10.5. Thành phố Hà Nội đã ra quyết định cấm nhà thầu phụ thi công các dự án có nguồn vốn của thành phố trong thời gian 1 năm. Hà Nội phê bình Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát thi công.

Theo Giáo sư Cống, nếu đơn vị thi công làm ẩu thì phải xử nghiêm. Tuy nhiên, ông phân tích, trong mỗi công trình xây dựng, khó tránh khỏi sự cố tai nạn lao động. Nhiều khi, người thi công đã tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm quy trình nhưng chỉ cần người lao động bất cẩn trong 1 giây phút là xảy ra tai nạn.

Cũng giống như người đi xe máy ra đường, đi rất đúng luật, đúng đường nhưng chỉ bất cẩn một chút là bị tai nạn.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trong quá trình thi công, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng về biện pháp bảo đảm an toàn. Về phía đơn vị thi công, bên cạnh tuân thủ các biện pháp an toàn, phải thận trọng, cẩn thận tối đa trong khi thi công.

Ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cũng đồng tình: Rủi ro trong các công trình xây dựng là “bất khả kháng”. Bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn như trên, ông Thụ chọn cách hạn chế tối đa đi qua những con đường đang có công trình xây dựng.

“Tôi chọn cách tránh đi qua những con đường kiểu này, hoặc nếu bắt buộc phải đi thì đi thật nhanh qua đó”, ông Thụ nói về giải pháp riêng của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN