"Tiêm vắc-xin cho muỗi” để phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, chuyên gia cao cấp - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, ngành y tế đang có dự án thử nghiệm thả muỗi có thể kháng lại bệnh sốt xuất huyết.

Dự án thử nghiệm thả muỗi để có thể kháng lại bệnh sốt xuất huyết đang thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hoà.

Theo GS.TS. Vũ Sinh Nam, thành viên nghiên cứu dự án “tiêm vắc-xin cho muỗi” cho biết, đến thời điểm này, quần thể muỗi Wolbachia (muỗi này mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn cản sự phát triển của virus sốt xuất huyết) đang phát triển và đang dần thay thế quần thể muỗi hoang dại. Đặc biệt, theo kết quả giám sát ca bệnh mắc sốt xuất huyết từ giữa năm 2014 đến nay, tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tập trung hay ca mắc.

Chính vì lý do này, các nhà khoa học cho rằng, việc sử dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không khác gì việc “tiêm vắc-xin cho muỗi”.

“Nếu dự án này thành công sẽ mở rộng việc áp dụng phương pháp này tới TP.Nha Trang và cả nước, góp phần tích cực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết”, GS.TS. Vũ Sinh Nam cho hay.

"Tiêm vắc-xin cho muỗi” để phòng bệnh sốt xuất huyết - 1

Các chuyên gia y tế thử nghiệm cho muỗi ăn máu người để nghiên cứu dự án "tiêm vắc-xin cho muỗi". 

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay nhiều nước trên thế giới như Úc, Indonesia, Brazil đã thử nghiệm phương pháp này và cho kết quả rất thành công trong việc phòng, ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, hiện nay, chưa có vắc-xin sử dụng cho người để phòng bệnh sốt xuất huyết mà mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà chỉ lây qua muỗi vằn, vì vậy biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là không để muỗi truyền bệnh đốt. Trong đó, phải diệt triệt để loăng quăng, bọ gậy tại từng hộ gia đình, vì không có bọ gậy sẽ không có bệnh sốt xuất huyết.

Do đó, đối với bệnh sốt xuất huyết, không phải cách ly người sống trong vùng có dịch mà vấn đề là không để muỗi truyền bệnh đốt. Và việc phun thóa chất là biện pháp tình thế khi có dịch để diệt đàn muỗi nhiễm virus.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương  thông tin, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên, cho đến nay virus chưa có biến đổi về gene, các bệnh cảnh lâm sàng vẫn giống như nhiều năm trước đây.

Ông Kính cảnh báo, bệnh nhân bị tử vong phần nhiều do đến bệnh viện muộn, ở giai đoạn sốc không hồi phục. Đặc biệt, mới đây, tại Bệnh viện Bạch Mai đã có ca mắc sốt xuất huyết biến chứng viêm màng não tử vong chứng tỏ các biểu hiện của não trong sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện trong các trường hợp nặng có sốc. Bệnh nhân thường bị tử vong do sốc không hồi phục.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên diệt loăng quăng và bọ gậy;  Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; đổ bỏ những vật chứa nước xung quanh; Hàng tuần cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng/bọ gậy; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…; đổ bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN