Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP.HCM

Sự kiện: Thời sự Tin nóng

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Sáng 10-5, Đoàn công tác của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã trao quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Trong lời phát biểu nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân nói hôm nay là một ngày rất đặc biệt với ông vì được trở về TP.HCM lần thứ hai.

Ông cảm thấy vinh dự vì được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ, được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước "đưa tôi về nhà".

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP.HCM - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức vụ Bí thư thành Ủy TP.HCM . 

Ông Nhân dành thời gian nhắc nhiều kỷ niệm tại TP.HCM, với nhiều cương vị công tác khác nhau. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhắc đến nhiều bậc cán bộ, lãnh đạo lão thành ở TP.HCM, như nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh... những người đã gắn bó, dìu dắt ông trong thời gian công tác trước đây ở TP.HCM. Ông gửi lời cảm ơn chân thành đến các bậc cán bộ lão thành đã “cưu mang hướng dẫn tôi trong công việc”

Cũng trong sáng  ngày 10-5, Bộ Chính trị cũng đã quyết định phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015 – 2020), về làm Phó ban Kinh tế trung ương. 

Phát biểu tại đây, ông Thăng đã gửi lời chúc mừng ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị mới đồng thời cảm ơn đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM trong thời gian ông công tác tại đây.

“Quyết định thi hành kỷ luật của Ban chấp hành trung ương đối với tôi là có lý có tình” - ông Thăng nói. Ông Đinh La Thăng nói ông đã nhận thức sâu sắc những vấn đề mà kết luận nêu ra đối với sai phạm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Ông gửi lời xin lỗi đến nhân dân, đến Đảng... Ông khẳng định trên cương vị công tác mới, ông sẽ tiếp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Đinh La Thăng nhậm chức từ tháng 2-2016, đến nay đã được hơn một năm ba tháng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP.HCM - 2

Ông Nguyễn Thiện Nhân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953, quê Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sỹ điều khiển học, thạc sĩ quản lý cộng đồng; cao cấp lý luận chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 10, 12, 13, 14.

Từ năm 1980 -1983 ông công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng. Sau đó, ông có thời gian công tác tại trường ĐH Bách khoa ở các vị trí: giảng viên, Phó chủ nhiệm bộ môn, Trưởng khoa và Phó hiệu trưởng.

Tân bí thư Thành ủy TP.HCM cũng có thời gian làm Tùy viên giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Từ năm 1997, ông là Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TP.HCM. Sau đó, ông giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM rồi trở thành Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo năm 2006.

Tháng 8-2007, ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng (kiêm Bộ trưởng Giáo dục cho tới năm 2010) và tiếp tục được phê chuẩn giữ chức vụ này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011.

Dù trải qua nhiều cương vị, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân được biết đến nhiều trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ngay từ lúc nhậm chức, ông đã đề ra chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam với tiêu chí: "chống bệnh thành tích trong học tập và tiêu cực trong thi cử", "xây dựng một phương pháp học sáng tạo, thực chất, học là phải dùng được", "đổi mới phương pháp học tập theo xu hướng tiên tiến của thế giới".

Mở đầu năm học 2006 - 2007, ông thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích " bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo.

Đầu năm 2008, ông Nguyễn Thiện Nhân trình Chính phủ về việc tăng học phí cho giáo dục bậc đại học, tăng trách nhiệm tự chủ tài chính cho các trường đại học. Lý do chính của việc tăng học phí là để đáp ứng sự thiếu hụt ngân sách Nhà nước và tăng chất lượng đào tạo.

Vào tháng 5-2013, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Bốn tháng sau, ông được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhất trí bầu làm chủ tịch thay cho ông Huỳnh Đảm cho đến nay.

Tháng 1-2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương tiếp tục bầu vào Bộ Chính trị.

Ông Đinh La Thăng làm Phó ban Kinh tế Trung ương

Ông Đinh La Thăng được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương sau khi thôi chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TÁ LÂM (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN