Lần đầu tiên nuôi sống voi mồ côi tại Tây Nguyên

Sự kiện: Đắk Lắk

Cách đây 1 năm, chú voi con khoảng 4 tháng tuổi bị rơi xuống giếng đã được Trung tâm bảo tồn voi cứu giúp và đưa về nuôi dưỡng. Sau nhiều nỗ lực thả voi về thiên nhiên không thành công, hiện chú voi vẫn sống khoẻ cùng những người đã cứu sống chú.

Lần đầu tiên nuôi sống voi mồ côi tại Tây Nguyên - 1

Chú voi Gold vẫn đang sống khoẻ tại Trung tâm Bảo tồn voi.

Vào ngày 28/3/2016, một chú voi con (giống đực) khoảng 4 tháng (nặng khoảng: 100 kg, cao 90 cm) bị rơi xuống giếng tại khoảnh 7 tiểu khu 294 lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (khu vực hồ Ea Súp thượng) huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Chú voi con gặp nạn đã được người dân đi làm nương rẫy phát hiện kịp thời báo cho Trung tâm Bảo tồn voi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh. Ngay lập tức Trung tâm phối hợp cùng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh cùng cơ quan chức năng huyện Ea Súp giải cứu chú voi con từ giếng lên, các bác sỹ thú ý của Trung tâm đã tiến hành chăm sóc hồi sức, cung cấp dinh dưỡng (sữa hộp dùng cho trẻ dưới 1 tuổi) và giúp chú voi bớt hoảng loạn, cơ bản ổn định về mặt tinh thần.

Lần đầu tiên nuôi sống voi mồ côi tại Tây Nguyên - 2

Voi Gold khá lém lỉnh và vui vẻ khi chơi đùa cùng mọi người.

Thấy chú voi con còn quá nhỏ, đang trong giai đoạn bú sữa, chưa biết ăn và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, cần nhanh chóng tìm mẹ cho chú, các nhân viên Trung tâm cùng chuyên gia nước ngoài ông Jake Veasey, anh Nguyễn Tam Thanh cán bộ phúc lợi Tổ chức Động vật châu Á đã chăm sóc chú voi con trong rừng đồng thời lần theo dấu chân để đi tìm mẹ cho chúng, tìm mọi cách để đưa chú hòa nhập bầy đàn. Anh Thanh kể lại: “Lần thứ nhất vào chiều tối ngày 28/3 chú voi con đã được đưa đến gần khu vực cứu hộ tại giếng nước với mong muốn tối đó đàn voi rừng sẽ quay trở lại để tìm chú voi và sẽ đưa chú đi theo mẹ… lần thứ 2 …và lần thứ 3, lần thứ 4 tưởng chừng chú voi con đã có 2 cơ hội hòa nhập cùng bầy đàn của chúng khi chúng tôi đã mạo hiểm đưa chú voi con đến sát với đàn voi rừng… Tuy nhiên, những nỗ lực của chúng tôi đã không thành”.

Vậy là cuộc sống mới không có bố mẹ và đồng loại của chú voi con bắt đầu từ đây, chú phải làm quen với những người bạn mới, những người đã hành trình với chú trong thời gian 15 ngày đêm “15 ngày đêm người thì ăn cơm trong rừng còn chú voi thì uống sữa hộp dành cho trẻ dưới 1 tuổi” để tìm mẹ cho chú!

Lần đầu tiên nuôi sống voi mồ côi tại Tây Nguyên - 3

Voi Gold lúc 1 tuổi.

Chú voi con được Trung tâm bảo tồn voi đặt tên là GOLD với mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cuộc sống của chú. Từ đó đến nay Gold đang được chăm sóc tại khu bán hoang dã của Trung tâm tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Nuôi voi mồ côi là công việc cực kỳ khó khăn, hơn nữa cá thể voi này còn quá nhỏ, từ trước đến nay tại Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung chưa từng nuôi sống cá thể voi con nào. Để nuôi sống Gold, thách thức đặt ra cho Trung tâm bảo tồn voi là rất lớn. Vì vậy từ lúc cứu hộ đến nay, đội ngũ nhân viên của Trung tâm bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng còn tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc voi mồ côi của các chuyên gia hàng đầu thế giới về voi, các Trung tâm bảo tồn voi trên thế giới và khu vực.

Việc tìm hiểu loại sữa nào phù hợp với Gold cũng mất thời gian dài, sau thời gian thích nghi với loại sữa ban đầu Gold đã bị vấn đề về tiêu hóa sữa. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cụ thể: Tiến sỹ SuSan, tiến sỹ Willem, Erin, Tiến sỹ Ellen, Tổ chức Động vật Châu Á đã đưa ra những giải pháp hữu ích. Các bác sỹ thú y của Trung tâm đã thay đổi sữa và bổ sung khẩu phần ăn của Gold.

Hiện nay khẩu phần ăn của Gold: 02 hộp sữa Lactogen 2 (900 g) của Nestle, pha cùng nước dừa, nước gạo và các thức ăn bổ sung tập ăn như: dưa leo, táo, chuối, khoai lang, cỏ. Ngoài thời gian Gold ngủ buổi trưa, buổi tối các chuyên gia hầu như thả cho đi chơi tự do quanh khu bán hoang dã và việc đi lại nhiều cũng giúp phát triển xương của Gold, thời gian này luôn có nhân viên chơi cùng.

Các nhân viên chăm sóc voi kể lại, Gold đặc biệt thích vào nhà ở của các nhân viên. Vì khi thả voi ra ngoài họ phải đóng cửa nhà để tránh Gold vào nhà húc đổ đồ đạc. Là một "cậu bé hiếu động", ​voi Gold tìm mọi cách để vào nhà. Voi là loài động vật rất thông minh và có trí nhớ tốt. Điển hình như Gold khi còn bé thấy cửa đóng bỏ đi không tìm cách vào nhà, nhưng khi lớn hơn vài tháng sau khi thấy mọi người vẫn mở/ đóng cửa khi đi ra đi vào. Vậy là "cậu ta" biết rằng cửa đóng vẫn vào nhà được, cứ sơ hở là lại dùng đầu mông hoặc cả người húc vào cửa. Máy quạt, thùng nước, ghế… đã nhiều lần bị Gold làm hỏng.

Vì không có người thân bên cạnh nên với Gold những nhân viên chăm sóc là người thân của mình. Hễ thả ra mọi người đi đâu là Gold đi theo đó, trong lúc đi chơi Gold rất thích chạy đuổi theo, nô đùa với mọi người. 

Qua 1 năm chăm sóc, hiện nay Gold phát triển tốt, cân nặng được 250 kg (cân ngày 14/3/2017), cao gần 130 cm.

Để Gold có được cuộc sống đến ngày hôm nay ngoài nỗ của nhóm chăm sóc cứu hộ voi Jun và Gold còn phải kể đến sự giúp đỡ từ các Tổ chức chăm sóc voi quốc tế (Elephant Care International), Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã (Wild Welfare), Vườn thú North Carolina và đặc biệt là Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) đã trực tiếp hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật trong quá trình cứu hộ và chăm sóc voi đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho các chuyên gia và mua các dụng cụ hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam (Infonet)
Đắk Lắk Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN